Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn quản lý vốn đầu tư công
Trình bày tóm tắt báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TC-NS) Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo Luật bố cục gồm 6 Chương, 101 Điều quy định việc quản lý Nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật này thay thế cho Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, do phạm vi sửa đổi rộng, số lượng điều sửa đổi khá nhiều, dự án Luật “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công” đổi tên thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp và tạo sự chủ động cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công; sửa đổi quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đổi mới quy định quản lý nguồn vốn để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách; đổi mới trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; lập, thẩm định, phê duyệt và giao Kế hoạch, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phù hợp với từng loại nguồn vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công...
Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS cho biết, dự thảo Luật không quy định công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành một đối tượng riêng, nhưng cho phép trong trường hợp cần thiết và chỉ được thực hiện đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A. Trường hợp dự án giải phóng mặt bằng là một dự án độc lập thì được quản lý theo quy định chung như các dự án khác.
Về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, dự thảo Luật quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A, B và C (
trừ các dự án đã quy định thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của dự thảo Luật). Bên cạnh đó, để có thể thực hiện phân cấp linh hoạt, phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của các địa phương, bổ sung thêm quy định: “Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân quyết định việc giao cho Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án quy định tại khoản này phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương”.
Về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, dự thảo Luật bổ sung quy định việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là một nội dung thành phần trong thẩm định chủ trương đầu tư và các cơ quan thẩm định. Đồng thời, để bảo đảm chất lượng và hiệu quả của công tác lập, thẩm định quyết định chủ trương đầu tư, hạn chế tình trạng các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch quá cao so với khả năng đáp ứng của nguồn lực, dự thảo Luật cũng quy định về tổng mức vốn đầu tư công dự kiến của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để làm căn cứ thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn vào năm thứ tư của Kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành.
Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn là nội dung còn ý kiến khác nhau. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện 2 phương án và căn cứ vào ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu và chỉnh lý theo đa số.
Theo đó, phương án 1 quy định Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm: Tổng mức vốn, danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư thuộc ngân sách Trung ương. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội có thể giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh danh mục, mức vốn của từng chương trình, dự án đầu tư công thuộc ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn như đã thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Phương án 2 quy định Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thay đổi thời gian trình và phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn để bảo đảm tính hợp lý, khả thi.
Về thời gian trình và phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo hai phương án và trên cở sở ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ chỉnh lý theo theo đa số:
Phương án 1 quy định Quốc hội khóa mới xem xét, quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn tại kỳ họp đầu của nhiệm kỳ Quốc hội mới;
Phương án 2 giữ như quy định của Luật hiện hành và dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, theo đó, Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn sau tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 5 Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.
Thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đầu tư công (sửa đổi)
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Để tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đầu tư công với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất với đề xuất của Chính phủ là cần mở rộng phạm vi sửa đổi Luật Đầu tư công.
Tham gia ý kiến về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất là giữ nguyên quy định như Luật Đầu tư công hiện hành như quan điểm với của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công… Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định; tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10 nghìn tỷ đồng và các mức phân loại dự án A, B, C như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc. Ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án.
Liên quan đến thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ phương án 01 - Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
Các thảo luận cũng cho rằng, danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn chính là vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến phân bổ tổng nguồn lực NSNN rất lớn trong cả 05 năm; có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia. Do đó, nội dung này cần phải được Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với nội dung quyết định danh mục đầu tư công, qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc quy định thuộc thẩm quyền Quốc hội là bảo đảm thể hiện đầy đủ tinh thần Hiến pháp về vai trò của Quốc hội trong quyết định ngân sách; bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật (Luật NSNN, Luật Đầu tư công hiện hành); đảm bảo tinh thần Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ trương cơ cấu lại đầu tư công. Ngoài ra, việc trình Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn cụ thể cho từng dự án là bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ trong xem xét, quyết định những vấn đề liên quan đến ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, do Quốc hội họp mỗi năm 02 Kỳ, trong khi việc hoàn chỉnh danh mục và phân bổ vốn trung hạn thường khó hoàn tất trong một kỳ họp và trong quá trình thực hiện có thể phát sinh trường hợp cần phải điều chỉnh, vì vậy, các đại biểu đề nghị điều chỉnh dự thảo Luật theo hướng: Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm tổng mức vốn, danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư thuộc ngân sách Trung ương. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội có thể giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh danh mục, mức vốn của từng chương trình, dự án đầu tư công thuộc ngân sách Trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn như đã thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Các đại biểu cho rằng, quy định như vậy vừa bảo đảm vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, vừa bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong tổ chức thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn; đồng thời, nhằm luật hóa và bảo đảm tính thống nhất với Nghị quyết số 26/2016/QH14 và Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội.
Các nội dung khác được các đại biểu quan tâm thảo luận: Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân; việc tổ chức quản lý vốn đầu tư công; điều kiện quyết định chủ trương đầu tư...
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nhìn chung, ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý của dự thảo Luật. Tuy nhiên vẫn còn 3 nội dung: Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C; Thẩm quyền xem xét quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn; Thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn. Vì vậy Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội và Ủy ban TC-NS cùng cơ quan chức năng sẽ soạn thảo nội dung để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thông qua hệ thống công nghệ thông tin.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trên cơ sở các ý kiến của đại biểu hôm nay đã được ghi chép đầy đủ , Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu và giải trình đồng thời chỉ đạo Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua./.
Ngọc Bích