Quỹ tích lũy trả nợ chịu sự kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong quá trình kiểm toán ngân sách Nhà nước hoặc kiểm toán chuyên đề nợ công

(sav.gov.vn) - Ngày 26/6/2018, Thủ tướng Chính phủ nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 92/2018/NĐ-CP về việc quản lý và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ. Theo đó, đối tượng áp dụng là Bộ Tài chính; Cơ quan được ủy quyền cho vay lại; Bên vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, đối tượng được bảo lãnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Nghị định, Chính phủ thành lập Quỹ Tích lũy trả nợ và giao Bộ Tài chính thực hiện quản lý theo quy định tại Điều 56 của Luật Quản lý nợ công trên cơ sở Quỹ Tích lũy trả nợ được thành lập theo quy định tại Nghị định số 79/2010/NĐ-CPngày 14/10/2010 của Chính phủ.
 
Theo quy định, Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ quyết định việc sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ để xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật Quản lý nợ công, bao gồm quyết định về bên nhận ứng vốn, trị giá ứng vốn, lãi suất ứng vốn, thời hạn hoàn trả ứng vốn; quyết định việc khoanh nợ khoản ứng vốn hoặc cơ cấu lại khoản ứng vốn; quyết định việc sử dụng nguồn Quỹ để xử lý rủi ro phát sinh, bao gồm xóa nợ gốc, lãi, lãi phạt, thay đổi lãi suất ứng vốn khi bên nhận ứng vốn gặp khó khăn do nguyên nhân bất khả kháng; quyết định việc trích một phần phí bảo lãnh, phí cho vay lại và quy định việc quản lý sử dụng kinh phí được trích từ phí bảo lãnh, phí quản lý cho vay lại cho nghiệp vụ quản lý nợ công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính có nhiệm vụ tổ chức quản lý và thực hiện thu, chi, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 56 Luật Quản lý nợ công và quy định tại Nghị định này; báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về tình hình thu, chi, nghĩa vụ trả nợ, nguyên nhân Quỹ không đủ nguồn để chi trả nợ, đề xuất phương án xử lý theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước trong trường hợp Quỹ không đủ nguồn để chi trả nợ sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Đồng thời, quyết định gia hạn thu hồi khoản vốn ứng trong trường hợp đối tượng được bảo lãnh gặp khó khăn trong trả nợ theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ và Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài; quyết định việc lựa chọn các ngân hàng thương mại trong nước để gửi tiền có kỳ hạn, ủy thác quản lý vốn của Quỹ...

Về nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ: Tích lũy trả nợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; đảm bảo an toàn, thanh khoản và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của Quỹ; Gắn kết quản lý Quỹ với quản lý nợ công, đảm bảo khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và xử lý rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại, bảo lãnh chính phủ; Mọi khoản chi từ Quỹ Tích lũy trả nợ được thực hiện căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, thảo thuận vay nước ngoài, hợp đồng ký giữa Bộ Tài chính và bên nhận nguồn vốn từ Quỹ tùy theo tính chất và đặc điểm của từng khoản chi theo quy định tại Nghị định này.

Về việc lập kế hoạch thu, chi của Quỹ:  Quỹ lập kế hoạch thu, chi hàng năm, báo caó Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định để làm căn cứ triển khai thực hiện; Kế hoạch thu, chi của Quỹ được thực hiện theo nội dung lập kế hoạch thu, chi hàng năm của Quỹ (Điều 9 Nghị định này).

Về Hoàn trả ngân sách Nhà nước, Nghị định nêu rõ: Hàng tháng, Quỹ hoàn trả ngân sách Nhà nước phần nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của các khoản vay về cho vay lại do ngân sách Nhà nước đã ứng trả cho chủ nợ nước ngoài theo Hiệp định vay (hoặc thỏa thuận vay); Thời điểm Quỹ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo, riêng đối với các khoản dự kiến hoàn trả của tháng 12 sẽ được hoàn trả ngân sách Nhà nước trước ngày 30/12. Số hoàn trả chính thức của tháng 12 sẽ được đối chiếu và chuyển trả phần còn thiếu (nếu có) trong tháng 01 của năm tiếp theo.

Về Báo cáo và kiểm toán Quỹ, Nghị định nêu: Hàng năm, hoặc theo yêu cầu của Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ tịch nước về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ trong báo cáo chung về nợ công theo theo quy định của Luật  Quản lý nợ công; hàng năm, Quỹ lập báo cáo về tình hình hoạt động và báo cáo tài chính của Quỹ, thời gian lập và phê duyệt báo cáo chậm nhất trước 31/3 của năm sau năm báo cáo; Hàng quý, trước ngày 10 của tháng đầu quý sau, Quỹ lập báo cáo về tình hình thu, chi trong quý trước, số dư của Quỹ và số lũy kế từ đầu năm; các cơ quan cho vay lại báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý và hàng năm về các khoản thu hồi vốn cho vay lại, thu phí quản lý cho vay lại, rủi ro cho vay lại và hoàn trả Quỹ theo từng dự án cho vay lại gửi cho Bộ tài chính. Thời hạn báo cáo là ngày 05 của tháng tiếp theo đối với báo cáo tháng, ngày 15 của tháng đầu quý tiếp theo đối với báo cáo quý; và trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo đối với báo cáo năm.

Nghị định cũng nêu chi tiết cụ thể về  việc Ứng trả nợ thay cho đối tượng được bảo lãnh; Cho ngân sách Nhà nước vay; Mua trái phiếu Chính phủ; Gửi tiền có kỳ hạn, ủy thác quản lý vốn tại các ngân hàng thương mại trong nước; Ứng vốn để thực hiện cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ Chính phủ; Chi nghiệp vụ quản lý nợ công; Quản lý rủi ro hoạt động của Quỹ; Chi xử lý rủi ro đối với cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và bảo lãnh Chính phủ; Kiểm toán Quỹ.

Quỹ chịu sự kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong quá trình kiểm toán ngân sách Nhà nước hoặc kiểm toán chuyên đề nợ công theo quy định tại Điều 18 của Luật Quản lý nợ công./.

Thanh Trang