(sav.gov.vn) – Sáng 6/6/2019, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN tổ chức Hội thảo “Kiểm toán nhà nước trong tiến trình phát triển của đất nước”. GS.TS Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; TS. Bùi Đặng Dũng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH; PGS.TS Nguyễn Đình Hòa – Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của: Ủy viên BCH TW Đảng, Giám đốc Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Sơn; Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình Bùi Mai Hoa; Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương, Nguyễn Hữu Vạn.
Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện một số Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương, HĐND, UBND các tỉnh thành trên cả nước, Hội nghề nghiệp, các Trường Đại học, Viện nghiên cứu và các đơn vị trực thuộc KTNN, các chuyên gia, nhà khoa học Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện một số Bộ, ngành, Viện, Trường Đại học.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, Trong suốt tiến trình 25 năm phát triển, KTNN luôn nỗ lực hết mình, đã góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính công, tài sản công, giúp Quốc hội thực hiện giám sát và giúp Chính phủ quản lý điều hành chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực quốc gia. Đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần minh bạch, an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia trong tiến trình đổi mới và hội nhập đất nước. Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã từng bước hoàn thiện và phát triển cả về khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy, nội dung và chất lượng hoạt động.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá, mặc dù những thành tựu, kết quả đạt được trong 25 năm qua là toàn diện, quan trọng và rất căn bản nhưng tổ chức và hoạt động KTNN vẫn còn có những hạn chế và bất cập như: Khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa thật sự hoàn thiện; Quy mô kiểm toán mặc dù đã được mở rộng song vẫn chưa tương xứng với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính, tài sản công; Chất lượng và hiệu lực kiểm toán còn khoảng cách không nhỏ so với yêu cầu; Việc giải quyết mối quan hệ giữa mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng kiểm toán và yêu cầu giữ gìn đạo đức, phẩm chất cán bộ, KTV luôn là một thách thức lớn. “Trong khuôn khổ Hội thảo này, chúng ta cũng cùng trao đổi làm sáng tỏ những kết quả, thành tựu đạt được trong 25 năm qua của KTNN và những vấn đề đặt ra đối với KTNN hiện nay; để tìm ra giải pháp cụ thể hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nghề nghiệp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự và phát triển chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán để nâng cao hơn nữa vai trò của KTNN đối với công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề xuất.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng khẳng định, KTNN có vai trò rất lớn và có vị trí quan trọng trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát kinh tế tài chính của đất nước. Các báo cáo của KTNN là tiếng nói của cơ quan chuyên môn, mang giá trị về thông tin và mang tính pháp lý làm căn cứ cho việc thảo luận, quyết định và giám sát tối cao của Quốc hội đối với các hoạt động kinh tế - tài chính của đất nước. KTNN là cơ quan đưa ra những xác nhận về tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo tài chính Nhà nước; xác nhận sự tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực, tính hiệu quả trong quản lý kinh tế - tài chính Nhà nước. Các kết luận của KTNN có căn cứ, đáng tin cậy do được hình thành trên cơ sở các phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ, với các bằng chứng của kế toán đã được đánh giá; và do được tiến hành độc lập, trên nguyên tắc trung thực, khách quan và tuân thủ pháp luật. Các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân chỉ có thể thực hiện tốt chức năng, và bảo đảm được thực quyền trong các quyết định dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách, phê chuẩn quyết toán và giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của HĐND về tài chính, ngân sách khi nhận được sự trợ giúp đắc lực của cơ quan chuyên môn như KTNN.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề xuất một số giải pháp cụ thể về nâng cao vai trò của KTNN trong hoạt động giám sát của Quốc hội: Hoàn thiện hành lang pháp lý; Tăng cường hoạt động cung cấp thông tin của KTNN cho Quốc hội; Nâng cao chất lượng kết quả kiểm toán NSNN của KTNN; KTNN tiếp tục đa dạng hóa phương thức và hình thức cung cấp thông tin kiểm toán cho Quốc hội; Quốc hội cần tăng cường cung cấp thông tin cho KTNN để xây dựng kế hoạch kiểm toán năm phù hợp với mục tiêu giám sát NSNN của từng thời kỳ.
Để giúp công tác quản lý tài chính tại các trường đại học được hoàn thiện Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Trường Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, thông qua các báo cáo kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cần chỉ ra những bất hợp lý trong việc quản lý thu, chi kỹ thuật đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công; tiêu chí phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập; tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ của đơn vị theo ngành, lĩnh vực; hệ thống tiêu chuẩn chức danh những người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, các biểu mẫu của KTNN khi kiểm toán nên thiết kế phù hợp với chế độ kế toán của các trường đại học đang áp dụng, nhằm giúp đơn vị được kiểm toán cung cấp số liệu được thuận lợi và giảm áp lực công việc so với khối lượng công việc và thời gian thực hiện.
Để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa KTNN và Hội đồng nhân dân các tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Sơn đề nghị: Quốc hội sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Trong đó cần quy định rõ hơn về cơ chế ràng buộc pháp lý đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các kết luận giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và hiệu lực hoạt động của Hội đồng nhân dân; đồng thời cũng nâng cao hiệu quả phối kết hợp giữa Kiểm toán nhà nước và Hội đồng nhân dân các cấp. Tổng Kiểm toán nhà nước phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi các văn bản quy định về xác lập mối quan hệ và hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các mối quan hệ giữa KTNN và Hội đồng nhân dân các cấp bởi hiện nay những quy định liên quan trong Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công… chưa thực sự đồng bộ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, tập trung làm sáng tỏ những kết quả, thành tựu đạt được trong 25 năm qua của KTNN và những vấn đề đặt ra đối với KTNN hiện nay; trao đổi để tìm ra giải pháp cụ thể hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nghề nghiệp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự và phát triển chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán để nâng cao hơn nữa vai trò của KTNN đối với công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công....
Kết luận Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, ngoài 6 bài tham luận được trình bày, Hội thảo đã nhận được 56 bài viết đăng trong Kỷ yếu. Thông qua các bài tham luận, các viết đăng trong kỷ yếu và ý kiến thảo luận trực tiếp tại Hội thảo đã đề cập tương đối toàn diện từ giác độ lý luận cũng như góc độ thực tiễn vai trò của KTNN, là một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công, góp phần tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực của việc sử dụng tài chính, tài sản công. “Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ được Lãnh đạo KTNN nghiên cứu, tiếp thu tối đa để KTNN có nhiều đổi mới, sáng tạo và khoa học, xây dựng các giải pháp hữu hiệu, nhằm đáp ứng tốt hơn với những kỳ vọng, niềm tin và sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu./.
Ngọc Bích