Khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải cho biết, cùng với quá trình phát triển chung của nền kinh tế, nền tài chính công của Việt Nam đã có nhiều thay đổi, với hệ thống pháp luật, chính sách quản lý kinh tế, tài chính liên tục được đổi mới theo xu hướng ngày càng hoàn thiện hơn, cơ bản đã đáp ứng được xu thế phát triển, hội nhập với khu vực và thế giới. Các chính sách về quản lý thu, chi và cân đối ngân sách dần được tiếp cận với các chuẩn mực chung của các tổ chức quốc tế. Chính sách tài khóa đã chuyển từ trực tiếp sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) để đầu tư vào nền kinh tế sang gián tiếp thúc đẩy đầu tư của khu vực doanh nghiệp, thông qua các biện pháp giảm tỷ lệ động viên vào ngân sách, qua đó tăng tiết kiệm và đầu tư của khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho việc hoạch định các chính sách thu ngân sách của Việt Nam trong những năm tới như: Một số chính sách tài khóa đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập trên nhiều mặt; Thu ngân sách thiếu tính bền vững, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các khoản thu không tái tạo, không mang tính bền vững; Mức huy động từ thuế, phí của Việt Nam đã đạt mức cao so với các nước trên thế giới. Đây cũng là một thách thức vì xu thế tới đây là cần giảm gánh nặng thuế, tạo điều kiện cho việc thu hút vốn đầu tư, tăng thu nhập, mức sống cho người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải cho biết, Hội thảo tập trung trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài chính, thuế, bảo hiểm, chứng khoán và kinh nghiệm trong việc kiểm toán, thẩm tra, giám sát việc thực hiện dự toán NSNN và phân bổ ngân sách Trung ương và quyết toán NSNN hàng năm.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, tài chính và kiểm toán của Quốc hội Lào Vilayvong Bouddakham khẳng định: Sự hợp tác giữa Ủy ban TC-NS của Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Kế hoạch, tài chính và kiểm toán của Quốc hội Lào ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu, qua đó đóng góp vào sự hợp tác toàn diện giữa Quốc hội hai nước. Ông Vilayvong Bouddakham cho biết, tại Hội thảo lần đầu tiên tổ chức ở Quảng Nam, Việt Nam năm 2017 chia sẻ kinh nghiệm quản lý nợ công, Ủy ban Kế hoạch, tài chính và kiểm toán của Quốc hội Lào đã nhận được thông tin bổ ích và vận dụng trong quá trình xây dựng Luật Quản lý nợ công. “Chúng tôi tin tưởng với những nội dung thiết thực được chia sẻ tại Hội thảo này, chúng tôi sẽ học hỏi được những kinh nghiệm bổ ích trong xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách để vận dụng trong hoạt động của mình” - Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, tài chính và kiểm toán của Quốc hội Lào phát biểu.
Theo chương trình, các đại biểu dự Hội thảo sẽ chia sẻ, thảo luận về các chuyên đề: Chiến lược cải cách hệ thống thuế của Việt Nam; Kinh nghiệm kiểm toán quyết toán NSNN; Quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong hoạt động xây dựng pháp luật; Kinh nghiệm thẩm tra dự toán NSNN, phân bổ ngân sách Trung ương và quyết toán NSNN hàng năm…
Đánh giá tình hình thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Việt Nam đã bổ sung các quy định mới về thuế giá trị gia tăng phù hợp với các hoạt động kinh tế mới phát sinh; giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20% từ năm 2016 để thúc đẩy tích lũy, tích tụ vốn; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp để khoan sức dân; nâng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng có hại cho sức khỏe và cần hạn chế tiêu dùng. Tháng 6/2019 vừa qua, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi), theo đó bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế một cách chặt chẽ, tăng cường quản lý thuế điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và tăng cường các biện pháp chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết trong việc chống chuyển giá, trốn thuế. “Hóa đơn điện tử là giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và chống thất thu thuế hiệu quả, tuy nhiên Bộ Tài chính chưa thực sự hài lòng với tiến trình triển khai hóa đơn điện tử và đang tiếp tục cải cách” – bà Vũ Thị Mai nhấn mạnh.
Về kinh nghiệm quản lý nợ thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Thế Mạnh cho hay: Việt Nam đang cố gắng giảm nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN. Ngành thuế xác định phải phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có dòng tiền thì Nhà nước mới thu được thuế.
Một nội dung của Hội thảo được các đại biểu Lào quan tâm là quy trình ngân sách. Về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã cho biết Việt Nam đang thực hiện Luật NSNN năm 2015 - có hiệu lực từ 2017 với những đổi mới quan trọng được kỳ vọng giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả quản lý NSNN. Theo đó, ngoài xây dựng dự toán ngân sách hàng năm, Việt Nam áp dụng thêm 3 công cụ khác phù hợp tốt với thông lệ tốt quốc tế là: Kế hoạch Tài chính 5 năm quốc gia - trong đó xác định tổng quát về tổng nguồn lực của quốc gia và phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; Kế hoạch Đầu tư công trung hạn (5 năm); Kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh giải đáp một số nội dung liên quan đến công tác kiểm toán quyết toán NSNN
Trao đổi về kinh nghiệm của KTNN trong việc kiểm toán quyết toán NSNN hàng năm, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của KTNN Hoàng Văn Lương cho biết, mục tiêu kiểm toán quyết toán NSNN hàng năm của KTNN là tập trung vào việc xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách của các đơn vị sử dụng ngân sách và Báo cáo quyết toán ngân sách của các cấp ngân sách, qua đó cung cấp thông tin, số liệu kịp thời, đáng tin cậy cho Quốc hội, HĐND các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách và thực hiện chức năng giám sát; hỗ trợ, cung cấp các thông tin tài chính - ngân sách để Chính phủ và UBND các cấp quản lý, điều hành ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước. “Báo cáo quyết toán NSNN đã trở thành căn cứ quan trọng để Quốc hội, HĐND các cấp xem xét trước khi phê chuẩn quyết toán NSNN” – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp nhấn mạnh.
Ông Hoàng Văn Lương chia sẻ, để đạt được kết quả trên, thời gian qua, KTNN đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình, kỹ năng nghiệp vụ và phát triển đội ngũ Kiểm toán viên nhằm từng bước nâng cao chất lượng kiểm toán quyết toán ngân sách qua từng năm. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, trong thời gian tới KTNN cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp: Xây dựng các kế hoạch hành động, các đề án, chương trình cụ thể với bước đi, lộ trình thích hợp để thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 sau khi được phê duyệt; Hoàn thiện các hướng dẫn, quy trình, chuẩn mực chuyên môn phù hợp với chuẩn mực kiểm toán quốc tế, các thông lệ kiểm toán tốt và thực tiễn của Việt Nam; Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động, phát triển đội ngũ Kiểm toán viên có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, kiến thức và kỹ năng tương xứng với yêu cầu nghề nghiệp; Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho Kiểm toán viên; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán; Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như với đơn vị được kiểm toán...
Thay mặt Lãnh đạo KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã giải đáp một số nội dung được các đại biểu Quốc hội Lào quan tâm trong kiểm toán quyết toán NSNN như: Vai trò của KTNN trong kiểm toán dự án an ninh – quốc phòng; Công tác phối hợp giữa KTNN và Ủy ban TC-NS của Quốc hội trong xây dựng dự toán và thẩm tra quyết toán NSNN; Tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN liên quan đến công tác thu, chi NSNN.../.
Nguyễn Hiệu