(sav.gov.vn) – Ngày 2/8/2019, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035. Các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Quang Thành, Đoàn Xuân Tiên, Vũ Văn Họa, Nguyễn Tuấn Anh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các đơn vị thuộc KTNN tham dự cuộc họp.
Trình bày tóm tắt Tờ trình về Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035, ông Đỗ Văn Tạo – Chánh Văn phòng KTNN cho biết: Trên cơ sở kết quả cuộc họp BCĐ lần thứ nhất ngày 15/5/2019, các Tiểu ban xây dựng Chiến lược đã triển khai nhiệm vụ soạn thảo nội dung Chiến lược đảm bảo tiến độ, kế hoạch theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước. Tính đến ngày 16/7/2019, 7/7 Tiểu ban (Cơ sở pháp lý, Bộ máy tổ chức, Nguồn nhân lực, Chất lượng kiểm toán; Hợp tác quốc tế, Cơ sở vật chất) đã gửi báo cáo về Thường trực BCĐ để tổng hợp dự thảo Chiến lược.
Trên cơ sở kết cấu khung Chiến lược đã được Tổng KTNN phê duyệt, kết cấu của Chiến lược bao gồm 07 phần: Phần thứ nhất - Sự cần thiết xây dựng Chiến lược; Phần thứ hai - Cơ sở xây dựng Chiến lược; Phần thứ ba - Thực trạng hoạt động của KTNN và những hạn chế, thách thức; Phần thứ tư - Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035; Phần thứ năm - Đánh giá tác động của Chiến lược; Phần thứ sáu -Tổ chức thực hiện; Phần thứ bảy - Đề xuất, kiến nghị.
Theo đó, dự thảo nêu rõ quan điểm phát triển, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và các trụ cột phát triển của KTNN giai đoạn 2020-2035.
Mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 là “Phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND địa phương trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng CNTT và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
Đến năm 2035, KTNN phấn đấu đạt được các mục tiêu: Hoàn thiện địa vị pháp lý của KTNN tương xứng với vị trí, vai trò của KTNN được quy định trong Hiến pháp, sửa đổi, bổ sung Luật KTNN phù hợp bối cảnh và xu hướng mới; phát triển bộ máy của KTNN theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng, hoạt động hiệu quả dựa trên nền tảng CNTT, công nghệ cao; xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao với cơ cấu hợp lý, phù hợp với Chiến lược và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới; đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số và thiết lập hệ sinh thái KTNN số để thực hiện kiểm toán số; xây dựng Trung tâm dữ liệu của KTNN trở thành Hệ thống giám sát tài chính, tài sản quốc gia, đưa KTNN trở thành công cụ quan trọng trong hoạch định kinh tế vĩ mô và xây dựng chính sách phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam; hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng, khẳng định vai trò nổi trội về năng lực chuyên môn của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới...
Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo cơ bản tán thành với dự thảo Chiến lược. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng dự thảo mới chỉ tập trung đánh giá phần kết quả đạt được theo mốc 10 năm trở lại đây (gắn với các mục tiêu Chiến lược giai đoạn 2010-2020) mà chưa tổng kết, đánh giá cả giai đoạn 25 năm từ khi thành lập ngành đến nay, một số nội dung chưa lượng hóa được cụ thể mục tiêu cho từng giai đoạn từ năm 2020-2035.
Bộ phận thường trực BCĐ cần nghiên cứu, bổ sung thêm phần tổng kết, đánh giá những kết quả KTNN đã đạt được trong 25 năm qua; Phân tích kỹ nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chiến lược cho đến nay nhằm rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục, triển khai thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu Chiến lược trong giai đoạn còn lại.
Các thành viên BCĐ cũng đã thảo luận, thống nhất một số nội dung quan trọng, trong đó tập trung cho ý kiến về: Sự cần thiết xây dựng Chiến lược; Tầm nhìn, Sứ mệnh, Giá trị cốt lõi, Quan điểm phát triển, Mục tiêu tổng quát, Mục tiêu cụ thể của Chiến lược; Các nội dung chính của Chiến lược.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong việc phối hợp xây dựng dự thảo Chiến lược. Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị bộ phận thường trực BCĐ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến góp ý của các thành viên BCĐ, tiếp tục hoàn thiện Chiến lược để trình UBTVQH xem xét trong Quý IV/2019./.
Hà Linh