(sav.gov.vn) - Văn phòng Trung ương Đảng vừa có Thông báo số 109-TB/VPTW ngày 13/8/2019 về Kết luận của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại cuộc làm việc với Kiểm toán nhà nước.
Theo đó, Ngày 18/7/2019, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có cuộc làm việc với Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước (KTNN). Tham dự cuộc làm việc có đại diện Lãnh đạo: Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng. Sau khi nghe Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước báo cáo và ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các cơ quan, đồng chí Trần Quốc Vượng có ý kiến:
Sau 25 năm xây dựng và trưởng thành, so với các ngành khác của nước ta, tuy lịch sử chưa dài, song, KTNN đã có sự phát triển nhanh, nhất là 3 năm gần đây KTNN đã có nhiều đổi mới, nỗ lực, quyết tâm cao, đạt kết quả toàn diện, có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, tăng niềm tin với Đảng và nhân dân, nổi bật là:
Công tác xây dựng Đảng được thường xuyên quan tâm, Ban Cán sự đảng đã phối hợp với Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN làm tốt công tác quán triệt các Nghị quyết của Đảng, giáo dục tư tưởng chính trị, trách nhiệm, đạo đức, lối sống của đảng viên, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch vững mạnh, nội bộ đoàn kết.
KTNN luôn quan tâm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với thực tiễn Việt Nam, ngày càng tiếp cận chuẩn mực quốc tế, góp phần bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản công; hiệu quả công tác kiểm toán ngày càng được nâng cao. KTNN đã tiến hành kiểm toán trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, qua đó tăng thu và giảm chi cho NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng; phát hiện, kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có sai phạm. KTNN đã có nhiều kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách cho phù hợp thực tiễn phát triển đất nước, góp phần tích cực vào hoàn thiện thể chế và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Trong xây dựng Ngành, KTNN luôn đổi mới, tư duy khoa học, bài bản; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, tuân thủ kỷ cương, kỷ luật, nâng cao phẩm chất đạo đức, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp, đào tạo được đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Mở rộng hợp tác quốc tế, được bầu là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021, nâng cao vị thế của KTNN trong khu vực và trên thế giới.
Kết quả hoạt động của KTNN trong thời gian qua khẳng định KTNN đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tổ chức của Nhà nước; giúp Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất thực hiện giám sát tối cao, quyết định chính sách tài chính quốc gia; giám sát thực hiện quyền lực Nhà nước trong việc sử dụng ngân sách, tài sản công, phân bổ nguồn lực, quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô... đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước.
Thông báo nêu rõ: Để phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém đã nêu trong Báo cáo, đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Ban cán sự đảng KTNN trong thời gian tới tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt một số nội dung cơ bản như sau:
Hoạt động kiểm toán phải bám sát Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phục vụ đắc lực thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xã hội của đất nước; góp phần đắc lực trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây chính là mục tiêu, là trọng tâm của hoạt động kiểm toán.
KTNN là cơ chế đặc thù, hoạt động có tính độc lập và tuân thủ pháp luật, trực tiếp phục vụ cơ quan quyền lực cao nhất, do vậy, hoạt động của kiểm toán, kết luận, kiến nghị của kiểm toán phải có chất lượng và tầm mức tương xứng với địa vị pháp lý ấy. Hoạt động kiểm toán phải kịp thời cung cấp thông tin hữu ích cho điều hành phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục sơ hở và bổ sung hoàn thiện pháp luật, trọng tâm trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, NSNN. Điều sâu xa hơn là công tác kiểm toán phải góp phần quan trọng vào việc xây dựng ý thức văn hóa pháp luật trong thu, chi tài chính, quản lý và sử dụng tài sản công. Muốn làm được điều này, kiểm toán phải tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng; đồng thời có đủ cơ chế để kiểm toán hoạt động và ngăn ngừa có hiệu quả sự can thiệp, tác động không đúng vào hoạt động kiểm toán.
Phải chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; trước hết tập trung vào các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán dễ xảy ra lãng phí, tham nhũng, tiêu cực như đất đai, dự án đầu tư xây dựng các công trình lớn, lĩnh vực môi trường... Kiểm toán phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan Kiểm tra, Kiểm sát, Công an, Thanh tra để tạo sức mạnh trong công tác này.
Tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống KTNN một cách căn cơ, bài bản, khoa học. Phải chú trọng công tác xây dựng Ngành về mọi mặt để KTNN phát triển, xây dựng KTNN là cơ quan kiểm tra, giám sát tài chính công, tài sản công... có uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiện đại.
Sớm hoàn thành Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020- 2030, tầm nhìn đến năm 2035, tạo đà cho KTNN phát triển. Đây là vấn đề cốt lõi, căn cơ, nhằm nâng cao hơn nữa và ngày càng hoàn thiện tổ chức, phương thức hoạt động của KTNN; hoàn thiện cơ sở pháp luật để kiểm toán hoạt động (chế tài, quan hệ phối hợp với các cơ quan liên quan...).
Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, trọng tâm là xây dựng đội ngũ Kiểm toán viên trong sạch, vững mạnh, có đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh, có tinh thần đấu tranh, tinh thông nghiệp vụ. Ngoài ra, cán bộ kiểm toán cần phải có phương pháp công tác khoa học, sâu sắc, thận trọng, cầu thị, biết lắng nghe ý kiến phản hồi từ đối tượng kiểm toán. Cán bộ kiểm toán luôn phải đối mặt với cám dỗ của đời thường, do vậy phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm pháp luật, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Từng bước đầu tư phương tiện làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của KTNN trong toàn hệ thống; Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong hệ thống KTNN, yếu tố quyết định cho công tác xây dựng và phát triển của Ngành; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động của KTNN, trên cơ sở phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Đảng ủy cơ quan KTNN./.
Thanh Trang