Quốc hội nghe giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, sáng ngày 24/10/2019, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức (Dự án Luật).

Đổi mới công tác xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, UBTVQH đã chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, về cơ bản đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật nhằm thể chế hóa yêu cầu trong các văn kiện của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục một số bất cập trong thi hành luật và tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
 
Dự án luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cán bộ công chức: Đối tượng công chức; Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; Phân loại đánh giá cán bộ; Phương thức tuyển dụng công chức; Tuyển dụng công chức; Nâng ngạch công chức; Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch công chức hoặc xét nâng ngạch công chức; Tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch công chức; Nội dung đánh giá công chức; Phân loại đánh giá công chức; Các hình thức kỷ luật đối với công chức; Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật; Áp dụng quy định của Luật Cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, về đối tượng là công chức, để tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân định rõ quản lý Nhà nước và quản trị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra yêu cầu “Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước)”, việc nghiên cứu, sửa đổi quy định về đối tượng là công chức của Luật hiện hành cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý là cần thiết.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật 
 
Về chính sách đối với người có tài năng, UBTVQH nhận thấy, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng trong Luật này là khó khả thi. Trong phạm vi của Luật Cán bộ, công chức, đề nghị Quốc hội cho bổ sung khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ” và quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ, cơ quan có thẩm quyền quy định về khung chính sách, quyết định áp dụng chế độ, trọng dụng đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.
 
Về phương thức tuyển dụng công chức, do hiện nay Chính phủ đã có Nghị định số 140/NĐ-CP ngày 05/12/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Do đó xin Quốc hội tiếp tục giao Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề này trong Nghị định để bảo đảm cụ thể, chi tiết, khả thi, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý bổ sung quy định điều kiện được tuyển dụng công chức.
 
Về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả và giao Chính phủ quy định cụ thể.
 
Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, UBTVQH nhận thấy, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện. Do đó, đề xuất quy định trong Luật nguyên tắc chung trong xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lý kỷ luật bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó đối với từng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo”, “khiển trách”, “xóa tư cách” thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo (ví dụ như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng)…
 
Về các quy định đối với viên chức, dự án Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về: Các loại hợp đồng làm việc; Nội dung đánh giá viên chức; Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật; Chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức Áp dụng quy định của Luật Viên chức đối với các đối tượng khác; Điều khoản chuyển tiếp
 
Về thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới, tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án. Để tạo động lực làm việc cho đội ngũ viên chức, “tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời”  và thực hiện yêu cầu của nghị quyết Trung ương, kết luận của cơ quan có thẩm quyền, UBTVQH đề xuất lựa chọn phương án: “Tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
 
Về chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức, bảo đảm tính đồng bộ giữa các quy định trong nội tại của Luật, thể hiện rõ chế độ, chính sách chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức, UBTVQH tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo hướng: việc tuyển dụng viên chức vào làm công chức phải thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật; quá trình cống hiến, thời gian công tác của viên chức trước khi chuyển sang làm cán bộ, công chức và ngược lại được xem xét khi thực hiện các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và các quyền lợi khác.
 
Để làm rõ việc áp dụng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước thời điểm Luật có hiệu lực, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và tương thích với quy định về xử lý kỷ luật đảng viên, trong dự thảo Luật đã bổ sung điều khoản chuyển tiếp trong đó quy định: việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thực hiện theo quy định của Luật này.

Cần có những thay đổi mang tính đột phá trong các quy định về thi tuyển, xét tuyển công chức

Để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các vấn đề: Về chính sách đối với người có tài năng; Phương thức tuyển dụng công chức; Kiểm định chất lượng đầu vào công chức; Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
 
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận là quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” của công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu chưa thật hợp lý. Dù cần thiết phải có hình thức và phải đồng bộ giữa xử lý kỷ luật Đảng, xử lý kỷ luật về hành chính Nhà nước. Theo ông Nguyễn Văn Hiển, quy định "xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" như dự thảo Luật có nhiều bất hợp lý. Vì về mặt pháp lý, rất khó giải thích thế nào là "tư cách chức vụ"; ngoài ra hình thức kỷ luật này không tương thích với quy định về trách nhiệm hình sự. Đơn cử, theo Luật Hình sự, nếu một cán bộ cấp cao bị xử đi tù thì họ vẫn không bị xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên)  đồng tình phải có hình thức kỷ luật với cán bộ về hưu bị phát hiện sai phạm khi đương chức, song ông Nguyễn Hồng Vân nói, khi cán bộ bị xoá tư cách, cơ quan chức năng "chỉ có thể tước bỏ quyền lợi vật chất đặc thù của họ chứ không thể cắt lương hưu, vì hưởng bảo hiểm xã hội”.
 
Về các quy định về thi tuyển, xét tuyển công chức, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa có những thay đổi mang tính đột phá trong các quy định về thi tuyển, xét tuyển công chức. ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nhận định, dự thảo Luật cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế để phát hiện, trọng dụng người tài, minh bạch cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu các cấp để người sau khi được tuyển dụng còn có đất dụng võ; đề nghị Luật hoá quy định miễn nhiệm những CBCC có 2 năm liên tiếp được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nhấn mạnh, định nghĩa trong dự thảo Luật về “tài năng trong hoạt động công vụ” vẫn mang tính định tính, cần cụ thể hoá để có cơ sở tuyển dụng, đãi ngộ. Cảnh báo về nguy cơ lạm dụng quy định xét tuyển viên chức đang làm việc vào đội ngũ CBCC, Đại biểu đề nghị chỉ áp dụng việc xét tuyển (không qua thi tuyển) đối với một số đối tượng là viên chức lãnh đạo đơn vị sự nghiệp, những người có tài thực sự; Phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương trong thi tuyển, xét tuyển công chức, tránh ôm đồm về trung ương. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tán thành: “Cấp trực tiếp sử dụng CBCC cần được trao quyền chủ động nhiều hơn, chứ như hiện nay thì quy định tuyển dụng không có gì mới cả. Đều là cấp trên tuyển, cấp trực tiếp sử dụng chỉ tiếp nhận, CBCC vi phạm kỷ luật cũng không có quyền sa thải”…
 
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và các ý kiến góp ý khách quan và thẳng thắn của các Đại biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì tiếp thu các ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan để hoàn thiện dự án Luật, hoàn thiện giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức trình Quốc hội thông qua trong phiên làm việc ngày 25/11/2019./.
 
Ngọc Bích