Tại phiên thảo luận đã có 15 đại biểu phát biểu và 03 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị để thông qua Nghị quyết; tổ chức mô hình về chính quyền đô thị của Hà Nội; tên gọi của Nghị quyết; tên gọi của UBND ở những nơi làm thí điểm; chế độ làm việc của UBND phường ở những nơi làm thí điểm...
Nhiều tranh luận xung quanh việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ việc thí điểm mô hình chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của Hà Nội - đô thị có vai trò đặc biệt và là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả nước trong bối cảnh tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần hết sức cân nhắc trong việc thực hiện thí điểm và cần phải quan tâm để việc điểm mô hình này vừa đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đồng thời đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra trong việc tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, cơ sở pháp lý được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ để Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội là chưa vững chắc.
Theo đại biểu, Điều 114 của Hiến pháp quy định UBND ở cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên. Quy định này đảm bảo quyền của nhân dân thông qua bầu HĐND để kiểm soát chính quyền cũng như đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt của nền hành chính quốc gia. “Nay bỏ HĐND thì không thể gọi UBND là cơ quan Nhà nước theo đúng nghĩa chính quyền địa phương. Lãnh đạo UBND phường lại do Chủ tịch UBND quận, thị xã quyết định để hợp thành một số chức danh của UBND thì mất ý nghĩa chế độ tập thể làm theo nguyên tắc đa số” – ông Lê Thanh Vân nói.
Đại biểu cho rằng, điều quan trọng là cần làm rõ nguyên nhân vì sao hoạt động của HĐND phường không phát huy hiệu quả đồng thời đề nghị Quốc hội cần hết sức thận trọng khi xem xét việc không tổ chức HĐND.
Cơ bản nhất trí với nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết cho thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường nhiệm kỳ 2021-2026 tại thành phố Hà Nội, song đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) đề nghị cần xác định rõ vị trí và địa vị pháp lý của UBND phường; vị trí địa lý, pháp lý và thẩm quyền của Chủ tịch UBND phường; chế định trách nhiệm cá nhân và của Ủy ban nhân dân phường trong chế định trách nhiệm tập thể theo pháp luật quy định. Theo đại biểu Nguyễn Tạo, Nghị quyết phải thiết kế quy định rõ hơn để bảo đảm cơ quan hành chính của quận, thị xã thì chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận, thị xã, chịu sự giám sát của HĐND quận, thị xã.
Đại biểu Nguyễn Tạo cũng chỉ ra, dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ về điều khoản trực tiếp đối với việc giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND phường đã được ban hành trước khi thực hiện việc thí điểm không tổ chức HĐND phường, nhưng vẫn còn hiệu lực pháp luật. Nội dung của dự thảo Nghị quyết chưa làm rõ được địa vị pháp lý của các chức danh của cán bộ các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể.
Ủng hộ chủ trương thí điểm, đại biểu Phùng Văn Hùng (ĐBQH tỉnh Cao Bằng) - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cách thức tổ chức chính quyền địa phương mấy chục năm qua không thay đổi, trong khi vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước đã được điều chỉnh cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, dân cư sống tập trung, là điều kiện để thí điểm không tổ chức cấp chính quyền phường nữa.
Theo đại biểu, cần đặt thẳng vấn đề là không tổ chức cấp chính quyền phường nữa thì sẽ dễ hiểu hơn là thí điểm bỏ HĐND phường. Như vậy, chính quyền đô thị ở thủ đô Hà Nội chỉ còn hai cấp là cấp thành phố và cấp quận. Bộ máy hành chính ở phường sẽ do quận, thị xã thiết lập. Quyền lợi, đại diện cho người dân vẫn được đảm bảo bởi đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND quận, thị xã. “Cá nhân tôi rất tin tưởng vào sự thành công của chủ trương này vì đây là chủ trương lớn của Đảng, đồng thời đây là ý nguyện của người dân Hà Nội. Hà Nội đã chủ động và sẵn sàng cho đổi mới, không có lý do gì mà Quốc hội không ủng hộ khi ý Đảng, lòng dân đã gặp nhau” – đại biểu Phùng Văn Hùng nói.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng đây là hành động táo bạo, đổi mới để thực hiện Nghị quyết 18 của Quốc hội về tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Theo đại biểu, việc giảm đầu mối sẽ giảm bớt thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền Hà Nội trong chuẩn bị nhân sự và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp cũng như tiến tới bầu cử HĐND các cấp ở thành phố. Đại biểu cho rằng, sau khi thí điểm ở Hà Nội, mô hình này có thể nhân rộng ra toàn quốc để tinh giản biên chế.
Yêu cầu xây dựng Đề án thí điểm bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn của Hà Nội
Trước những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm về cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị để thông qua Nghị quyết, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tp.Hà Nội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, yêu cầu xây dựng Đề án thí điểm bắt nguồn từ thực tiễn của Hà Nội.