Trình bày Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2019, Chương trình công tác năm 2020, bà Trương Hải Yến - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia cho biết, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 của KTNN chuyên ngành Ia là triển khai thực hiện các cuộc kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước giao với chất lượng và hiệu quả cao nhất, vì vậy, đơn vị đã xác định, bám sát định hướng chung của Ngành, tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán trên cơ sở áp dụng các chuẩn mực kiểm toán, các văn bản chỉ đạo điều hành của Tổng Kiểm toán nhà nước và của Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, kiểm soát chất lượng và báo cáo kiểm toán.
Vượt qua khó khăn, KTNN chuyên ngành Ia đã nêu cao tinh thần đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán nhà nước giao, thể hiện trên các mặt công tác: Kiểm toán; Chấp hành Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước về quy định tiêu chí, thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại chất lượng thành viên Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và Đoàn Kiểm toán nhà nước; Tổ chức kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; Tổ chức xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2020; Công tác phối hợp với các đơn vị trong và ngoài KTNN; Tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; hoạt động của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên và một số mặt công tác khác...
Theo bà Hải Yến, bám sát kế hoạch kiểm toán năm 2019 đã được Tổng Kiểm toán nhà nước giao, trước khi triển khai 12 cuộc kiểm toán năm 2019, KTNN chuyên ngành Ia đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và phổ biến, quán triệt nghị quyết của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Kiểm toán nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước... cho toàn thể công chức trong đơn vị. Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán được KTNN chuyên ngành Ia quan tâm đổi mới, mở rộng cả về phạm vi và đối tượng khảo sát, lựa chọn đầu mối kiểm toán phù hợp với tình hình thực tế đơn vị của đơn vị được kiểm toán, đi sâu vào các lĩnh vực được Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo tổ chức kiểm toán và cụ thể hóa thành mục tiêu kiểm toán của từng cuộc kiểm toán. Trong đó, Kiểm toán trưởng đã chỉ đạo vận dụng Đề cương kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập và các Trường đại học công lập để lập KHKT và tổ chức thực hiện kiểm toán đối với 02 cuộc kiểm toán (03 bệnh viện và 07 học viện, nhà trường thuộc Bộ Quốc phòng); tập trung đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu, xác định phương pháp kiểm toán phù hợp, có hiệu quả nhất; tăng cường kiểm toán tổng hợp, rút ngắn thời gian kiểm toán chi tiết. Đặc biệt, trong năm 2019, KTNN chuyên ngành Ia lần đầu tiên đã áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo quyết toán dự án đầu tư theo hướng dẫn của Ngành vào 01 cuộc kiểm toán đạt kết quả tốt.
Bám sát kế hoạch kiểm toán của từng cuộc kiểm toán đã được Tổng kiểm toán phê duyệt, lãnh đạo KTNN chuyên ngành Ia đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm toán đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả; nêu cao vai trò, trách nhiệm của Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và từng thành viên Đoàn kiểm toán trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán thông qua công tác kiểm soát chất lượng trực tiếp của Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Ngành để kịp thời xử lý những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong hoạt động kiểm toán. Ngoài ra, KTNN chuyên ngành Ia cũng luôn quan tâm,tạo mọi điều kiện tốt nhất cho công chức trong thực thi nhiệm vụ.
Tính đến ngày 13/12/2019, KTNN chuyên ngành Ia đã kết thúc kiểm toán và đã được Tổng Kiểm toán nhà nước cho phát hành 12/12 báo cáo kiểm toán, trong đó hầu hết các báo cáo kiểm toán được phát hành trong thời hạn quy định của Luật KTNN.
Tổng hợp kết quả kiểm toán từ 12 báo cáo kiểm toán, KTNN chuyên ngành Ia đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 687.2 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác hơn 4.465.2 tỷ đồng. "Ngoài những kiến nghị xử lý tài chính, các Đoàn kiểm toán còn kiến nghị nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện công tác quản lý tài chính công, tài sản công, góp phần từng bước đưa công tác quản lý tài chính công, tài sản công của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòngvào nề nếp" - bà Trương Hải Yến cho hay.
Trong công tác tổ chức kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đến ngày 29/8/2019, KTNN chuyên ngành Ia đã hoàn thành công tác kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và phát hành báo cáo kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với 14/14 đầu mối, đơn vị đã được KTNN chuyên ngành Ia chủ trì tổ chức kiểm toán trong năm 2018.
Tổng hợp kết quả kiểm tra cho thấy các kiến nghị về xử lý tài chính, chấn chỉnh công tác quản lý tài chính công, tài sản công đã đảm bảo tính nghiêm minh, đạt được sự đồng thuận của các đơn vị được kiểm toán. Bởi vậy, hầu hết các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã được các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc, trong đó: Số kiến nghị xử lý tài chính đã thực hiện đạt 96,52% tổng số kiến nghị của KTNN. Sau kiểm toán, các đơn vị được kiểm toán đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đã được KTNN nêu trong báo cáo kiểm toán và tổ chức thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.