KTNN chuyên ngành VII: Nhiều kiến nghị cơ chế chính sách có sức ảnh hưởng vĩ mô

(sav.gov.vn) - Ngày 23/12/2019, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), KTNN chuyên ngành VII tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở năm 2019. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa dự và chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo Tổng kết công tác năm 2019 và chương trình công tác năm 2020 của KTNN chuyên ngành VII do Phó Kiểm toán trưởng Đào Thị Thu Vĩnh trình bày nêu rõ: Năm 2019, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực của toàn thể cán bộ công chức và người lao động trong đơn vị, KTNN chuyên ngành VII đã tổ chức hiệu quả công tác kiểm toán và các mặt công tác khác. Hoạt động kiểm toán được chỉ đạo, điều hành một cách sát sao, có hiệu quả, hiệu lực, chất lượng và kết quả kiểm toán ngày càng được nâng cao.

Năm 2019, KTNN chuyên ngành VII đã thực hiện 10 cuộc kiểm toán và 01 cuộc kiểm toán thực hiện năm 2018 và phát hành trong năm 2019, gồm: Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Đoàn Quỹ HTSXDN), Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng Hợp tác xã (HTX), Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (BHBV), Tổng công ty bảo hiểm Bưu điện (PTI), Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Tổng Công ty CP bảo hiểm Dầu khí (PVI), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VTB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH). Trong đó, Đoàn Quỹ HTSXDN phát sinh bổ sung cuối năm 2018, phát hành báo cáo trong năm 2019 và đoàn chuyên đề xác định giá trị doanh nghiệp cho mục đích thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Tổng công ty bảo hiểm Dầu khí PVI được Tổng Kiểm toán nhà nước giao nhiệm vụ bổ sung trong năm 2019.
 
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường phát biểu

Tính đến ngày 15/12/2019, KTNN chuyên ngành VII đã hoàn thành kiểm toán 10/10 cuộc kiểm toán, đảm bảo tiến độ phát hành các Báo cáo kiểm toán theo yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước. Tổng hợp kết quả kiểm toán của 07 BCKT đã phát hành và 03 dự thảo BCKT trình Lãnh đạo KTNN, KTNN chuyên ngành VII đã kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước 34,35 tỷ đồng; Kiến nghị giảm chi ngân sách nhà nước 1,8 tỷ đồng; Kiến nghị tăng thu nộp quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp (HTSX&PTDN): 3.536 tỷ đồng; Kiến nghị xử lý tài chính khác: 648 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có kiến nghị điều chỉnh tăng phải thu, tăng số dư nguồn quỹ HTSX&PTDN: 9.329 tỷ đồng, các kiến nghị điều chỉnh nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng, giảm lãi dự thu ảnh hưởng đến chênh lệch thu chi đối với các NHTM.

Một trong những kết quả nổi bật là từ hoạt động kiểm toán, KTNN chuyên ngành VII đã đề nghị sửa đổi một số cơ chế, chính sách có sức ảnh hưởng vĩ mô, như: Sửa đổi công văn về chế độ kế toán Qũy HTSX&PTDN theo hướng quy định rõ việc hạch toán lãi dự thu tiền gửi phát sinh từ Quỹ gửi tại NHTM và KBNN; Kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam; Kiến nghị hoàn thiện về quy trình, thủ tục chi trả Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Đặc biệt, KTNN chuyên ngành VII đã kiến nghị Trung tâm thông tin tín dụng-Ngân hàng Nhà nước (CIC): Khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành để áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp đối với CIC; nghiên cứu, xây dựng mức giá dịch vụ phù hợp với các quy định hiện hành, đảm bảo mức lợi nhuận phù hợp đủ để bù đắp chi phí và hỗ trợ tiết giảm chi phí cho các TCTD; Ban hành quy trình quản lý tài khoản đặc quyền và mã hóa các thông tin quan trọng trong CSDL, theo quy định.          
   
Kiến nghị Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) khẩn trương xây dựng và đề xuất với NHNN, lộ trình giảm phí của các dịch vụ chuyển mạch, nhằm góp phần hỗ trợ TCTD giảm chi phí đầu vào, để giảm lãi suất cho vay, kích thích tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy quá trình thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo thực hiện tốt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; nghiên cứu bổ sung sửa đổi quy chế tài chính, có quy định cụ thể về việc phân phối lợi nhuận, nhằm đảm bảo việc phân chia lợi nhuận sau thuế hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của cổ đông nhà nước; Khẩn trương ban hành các văn bản về an toàn thông tin quy định theo Thông tư số 18/2018/TT- NHNN.

Cũng trong năm 2019, KTNN chuyên ngành VII đã hoàn tất thực hiện kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đầy đủ 10/10 cuộc kiểm tra theo kế hoạch. Qua kiểm tra kiến nghị cho thấy số kiến nghị nộp NSNN đạt tỷ lệ cao 92,3% cụ thể: Tổng số kiến nghị tăng thu NSNN là 644,3 tỷ đồng/679,8 tỷ đồng, tỷ lệ thực hiện đạt 95%, giảm chi NSNN 2,6 tỷ đồng, tỷ lệ thực hiện 100%; giảm chi thường xuyên 6,1 tỷ đồng, đạt 20%, kiến nghị xử lý khác 62,1 tỷ đồng, tỷ lệ thực hiện 99,8%. Các kiến nghị về xử lý tài chính, chấn chỉnh công tác quản lý tài chính công, tài sản công đã đảm bảo tính nghiêm minh, đạt được sự đồng thuận của các đơn vị được kiểm toán.

Về công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, KTNN chuyên ngành VII đã thực hiện đúng Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN; 100% các Đoàn Kiểm toán đều được kiểm soát bởi các Tổ KSCLKT do KTNN chuyên ngành VII thành lập. Hoạt động kiểm soát của các Tổ kiểm soát đã ngày càng được nâng cao về chất lượng. Các Tổ KSCLKT đã phát huy đầy đủ vai trò kiểm soát của mình từ khâu khảo sát, thu thập thông tin, lập Kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán, phát hành báo cáo kiểm toán. Qua đó, kết quả kiểm soát đã giúp cho Kiểm toán trưởng có những chỉ đạo để kịp thời chấn chỉnh hoạt động, nâng cao chất lượng của các Đoàn kiểm toán.

Với đặc thù là đơn vị duy nhất trong Ngành được giao chức năng kiểm toán CNTT, trong thời gian qua KTNN chuyên ngành VII đã phát huy tối đa năng lực, trình độ của các Kiểm toán viên về kiểm toán CNTT trong tất cả các khâu của hoạt động kiểm toán. KTNN chuyên ngành VII cũng là đơn vị đi đầu trong toàn Ngành về ứng dụng CNTT trong công tác lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán, đem lại hiệu quả cao, có tính đột phá.

KTNN chuyên ngành VII cũng đã triển khai thực hiện đầy đủ việc sử dụng phần mềm Quản lý tiến độ, tổng hợp kết quả và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; thực hiện đầy đủ quy định trong việc cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán của KTNN,... đưa vào áp dụng thí điểm phần mềm ứng dụng kiểm toán tài chính ngân hàng (IDEA) để hoàn thiện.

Trong năm 2019, KTNN CN VII tập trung triển khai các nội dung kiểm toán CNTT trong lĩnh vực ngân hàng và hỗ trợ các hoạt động của Ngành. Cụ thể, trong công tác kiểm toán, KTNN chuyên ngành VII thực hiện kiểm toán trong môi trường CNTT tại các Đoàn kiểm toán BCTC NHTM: Ngân hàng HTX, Vietinbank và BIDV. Rà soát một số hệ thống CNTT thuộc NHNN gắn với các hệ thống: hệ thống thanh toán không tiền mặt, hệ thống quản lý thông tin tín dụng, một số hệ thống CNTT của NHNN. Bên cạnh đó, KTNN chuyên ngành VII đã ứng dụng phần mềm IDEA trong hoạt động kiểm toán của Đoàn Vietinbank. Hoàn thành việc xây dựng Hướng dẫn kiểm toán CNTT; Tài liệu kiểm toán CNTT.  Phối hợp tham gia các hoạt động liên quan đến kiểm toán CNTT như: Xây dựng chiến lược CNTT và kiểm toán CNTT của KTNN; Tham gia các hoạt động đối ngoại liên quan đến kiểm toán CNTT trong khuôn khổ ASOSAI; Tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo kiểm toán CNTT.

Nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, KTNN chuyên ngành VII đã triển khai đầy đủ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch được KTNN phê duyệt trong năm 2019 với kết quả và hiệu quả tốt, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy chế đào tạo và kỷ luật lớp học. KTNN chuyên ngành VII cũng chủ động tự nghiên cứu xây dựng, thường xuyên cập nhật các chuyên đề, tài liệu đào tạo phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về kiểm toán tài chính ngân hàng cho các Kiểm toán viên trong đơn vị theo từng cấp độ. Xây dựng hoàn thiện 43 chuyên đề nghiên cứu thành các dạng cẩm nang nghề nghiệp cho các Kiểm toán viên tham khảo và được sử dụng trong các buổi đào tạo nội bộ nhằm nâng cao năng lực trình độ cho các Kiểm toán viên…

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, năm 2019, KTNN chuyên ngành VII cũng tích cực hưởng ứng, tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng; chung tay ủng hộ, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh gia đình thực sự khó khăn; tham gia hiến máu nhân đạo; tham gia quyên góp quần áo ủng hộ đồng bào miền núi...
 
Phó Kiểm toán trưởng Đào Thị Thu Vĩnh trình bày Báo cáo tổng kết hoạt động đơn vị
Phó Kiểm toán trưởng Đào Thị Thu Vĩnh cho biết, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động của đơn vị trong năm 2019 vẫn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục như: Chất lượng khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán mặc dù đã được chú trọng nâng lên tuy nhiên một số cuộc kiểm toán còn hạn chế trong việc thu thập thông tin, tài liệu trong việc xác định trọng tâm, trọng yếu phương pháp và thời gian kiểm toán. Một số báo cáo kiểm toán còn chưa đáp ứng được về chất lượng, tiến độ. Cơ sở dữ liệu về đối tượng được kiểm toán còn hạn chế, thiếu thông tin mang tính thời sự; thiếu công cụ để xử lý dữ liệu tại các đơn vị được kiểm toán…

Về nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác năm 2020, KTNN chuyên ngành VII xác định: Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành các quy định của KTNN và quy trình nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ; nâng cao chất lượng và tiến độ công tác lập, phát hành Báo cáo kiểm toán; đổi mới công tác quản lý, điều hành hoạt động của các đoàn kiểm toán phù hợp với tính chất và quy mô từng cuộc kiểm toán; nâng cao chất lượng của kế hoạch kiểm toán, tăng cường trách nhiệm của Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán trong việc quản lý, điều hành hoạt động của Đoàn, của Tổ kiểm toán theo đúng mục tiêu kiểm toán đã xác định.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa bày tỏ sự nhất trí với các kết quả, đánh giá trong Báo cáo của đơn vị; biểu dương những kết quả, thành tích đơn vị đã đạt được trong năm 2019; ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của đơn vị trong thực hiện Quy chế làm việc và bảo mật thông tin liên quan đến hoạt động của đơn vị.

Đồng tình với những hạn chế và các giải pháp được đơn vị đề ra trong Báo cáo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cũng trao đổi thêm về một số tồn tại mà đơn vị cần khắc phục trong việc phối hợp với các đơn vị trực thuộc KTNN; công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đối tượng kiểm toán và việc lựa chọn đầu mối, chủ đề kiểm toán cũng như việc lập và phát hành Báo cáo kiểm toán.

Để KTNN chuyên ngành VII hoàn thành được các kế hoạch công tác đề ra trong năm 2020, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu đơn vị nghiên cứu lập Kế hoạch kiểm toán năm hợp lý; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, mọi kết luận, kiến nghị kiểm toán đều phải có bằng chứng sát thực, không suy diễn, chung chung; tập trung phát hành Báo cáo kiểm toán đúng tiến độ; nâng cao hơn nữa chất lượng Báo cáo kiểm toán; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, cho cán bộ, Kiểm toán viên, đặc biệt là tổ chức học tập về Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán…

Thay mặt đơn vị, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường chia sẻ thêm về những khó khăn, thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; đồng thời cam kết cùng tập thể người lao động đơn vị quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2020./.

Phương Vân