Cho ý kiến về Chương trình, tài liệu bồi dưỡng công nghệ thông tin

(sav.gov.vn) - Sáng 25/12/2019, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN đã tổ chức họp cho ý kiến về Chương trình tài liệu bồi dưỡng công nghệ thông tin (Chương trình). GS.TS. Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước chủ trì cuộc họp.

Dự cuộc họp có Giám đốc trường Đào tạo & Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (ĐT&BDNVKT) Lê Minh Nam, đại diện KTNN chuyên ngành III, IV, V, VI, KTNN khu vực I, Vụ Tổ  chức cán bộ, Trung tâm Tin học cùng các thành viên của Ban biên soạn Chương trình.

Theo Ban Biên soạn Chương trình, vấn đề đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được KTNN triển khai trong thời gian tới. Đây cũng là bước đi quan trọng để KTNN tiếp cận với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa cơ quan KTNN, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, được sự chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN, Trường ĐT&BDNVKT đã xây dựng “Đề án chuẩn hóa Kỹ năng sử dụng Công nghệ thông tin” (Đề án), áp dụng cho toàn bộ công chức là Kiểm toán viên, chuyên viên trong toàn Ngành. Mục tiêu của Đề án là trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng sử dụng CNTT đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành kiểm toán, trên cơ sở Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT theo Thông tư 03/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tài liệu Kỹ năng sử dụng CNTT được trình bày một cách có hệ thống bao hàm những kiến thức, kỹ năng có tính ứng dụng cao và được bố cục theo 4 chủ đề: Sử dụng máy tính hiệu quả; Sử dụng bảng tính bằng Excel; Xử lý văn bản trên Word; Sử dụng trình chiếu Powerpoint.

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá Chương trình cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của KTNN trên cơ sở Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT theo thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các đại biểu đề xuất Ban soạn thảo cần nghiên cứu, giảm thời lượng về lý thuyết, tăng thêm thời gian thực hành cho các học viên; Xây dựng được hệ thống bài tập thực hành xuyên suốt trong chương trình học. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần có biện pháp để rà soát, sàng lọc đối tượng tham gia chương trình học, tránh việc đào tạo chỉ đi vào chiều rộng chứ không đi vào chiều sâu...

Phát biểu kết luận cuộc họp, thay mặt Lãnh đạo KTNN, GS.TS. Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá cao nỗ lực, tinh thần cầu thị của Ban biên soạn Chương trình cũng như những ý kiến góp ý của đại diện các đơn vị trực thuộc KTNN trong quá trình xây dựng tài liệu.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Lãnh đạo KTNN mong muốn việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng CNTT chuẩn hóa theo Thông tư 03/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông song, vẫn phải đáp ứng được yêu cầu của KTNN. “Các Kiểm toán viên, chuyên viên sau khi được đào tạo phải ứng dụng được một cách nhuần nhuyễn CNTT trong công tác chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu của công việc” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn  mạnh.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu, Ban Biên soạn Chương trình cần nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp, tìm hiểu sâu hơn về KTNN để có thể thiết lập được 1 hệ thống bài tập tình huống sát với các tình huống thực tế của KTNN. Bên cạnh những kiến thức nền, Chương trình cần cập nhật những kiến thức mới về CNTT đồng thời, xem xét, lồng ghép các phần mềm CNTT của KTNN, email của KTNN trong chương trình học...

Gợi ý một số nội dung liên quan đến công tác tổ chức lớp học, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu cần lựa chọn những giảng viên có kinh nghiệm bên ngoài, kết hợp với các giảng viên kiêm chức của KTNN để tham gia giảng dạy tại các lớp học./.

M. Thúy