Nghiệm thu đề tài cấp Bộ: “Tổ chức kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên tại Bộ, cơ quan Trung ương”

(sav.gov.vn) - Sáng 25/12/2019, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Tổ chức kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên tại Bộ, cơ quan Trung ương” do ThS. Nguyễn Lương Thuyết (Vụ Tổng hợp) và ThS. Nguyễn Thị Thúy Nhàn (Văn phòng Đảng – Đoàn thể) đồng chủ nhiệm. GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu, Ban đề tài cho biết, xu thế chung về hoạt động của các Cơ quan Kiểm toán tối cao đã chuyển dịch từ kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ sang kiểm toán hoạt động. Việc xoay trục, chuyển đổi và tập trung vào phát triển nhanh loại hình kiểm toán hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời của cơ quan lập pháp khi xem xét, đánh giá giá trị của đồng tiền được chi tiêu từ công quỹ để quyết định việc phân bổ nguồn lực, cũng như các vấn đề quan trọng của quốc gia.

Để đáp ứng yêu cầu về tính minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin hữu ích cho hoạt động giám sát, quản lý, điều hành vĩ mô của cơ quan có thẩm quyền, việc đẩy nhanh kiểm toán hoạt động chi thường xuyên trở nên rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, việc lựa chọn nghiên cứu đề tài “Tổ chức kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên tại Bộ, cơ quan Trung ương” có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn.

Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài nhằm tổng hợp và vận dụng một số lý luận cơ bản về kiểm toán hoạt động có liên quan tác động đến tổ chức kiểm toán hoạt động của KTNN; Phân tích, đánh giá về thực trạng tổ hức kiểm toán hoạt động tại cơ quan KTNN Việt Nam trong thời gian qua, từ đó chỉ ra những hạn chế, bất cập và đề xuất một số giải pháp khắc phục trong tổ chức kiểm toán hoạt động đối với việc quản lý, sử dụng chi thường xuyên của KTNN.

Kết cấu của Đề tài gồm 03 phần: Chương 1- Cơ sở lý luận về tổ chức kiểm toán hoạt động chi thường xuyên tại Bộ, cơ quan Trung ương; Chương 2 - Thực trạng tổ chức kiểm toán hoạt động chi thường xuyên tại Bộ,cơ quan Trung ương; Chương 3 - Giải pháp hoàn thiện về tổ chức kiểm toán hoạt động chi thường xuyên tại Bộ, cơ quan Trung ương.
 

Ban Chủ nhiệm Đề tài trình bày Đề tài trước Hội đồng nghiệm thu

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban đề tài. Các ý kiến cho rằng, Đề tài đã khái quát về chi thường xuyên và kiểm toán hoạt động; Đánh giá được thực trạng tổ chức kiểm toán hoạt động chi thường xuyên tại Bộ, cơ quan Trung ương, nêu rõ kết quả và hạn chế trong tổ chức kiểm toán hoạt động, cũng như nguyên nhân của những hạn chế; Khảo sát kinh nghiệm tổ chức kiểm toán hoạt động tại một số nước trên thế giới như Canada, Australia, Mỹ và rút ra một số bài học kinh nghiệm cho KTNN Việt Nam; Đề xuất các giải pháp về tiêu chí, tổ chức, thực hiện quy trình kiểm toán hoạt động chi thường xuyên… cùng với một số kiến nghị về điều kiện thực hiện giải pháp.

Để hoàn thiện Đề tài, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài bổ sung một số đặc điểm của chi thường xuyên, tổ chức kiểm toán hoạt động chi thường xuyên tại Bộ, cơ quan Trung ương theo hướng nêu rõ điểm chung, riêng so với chi thường xuyên và chi NSNN nói chung; làm rõ khái niệm “Tổ chức kiểm toán hoạt động chi thường xuyên” để xác định rõ nội dung, phạm vi nghiên cứu của Đề tài. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán ngân sách Bộ, ngành trong các năm qua; cập nhật đánh giá về hạn chế trong lập kế hoạch kiểm toán năm và trung hạn theo các Quy định lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của KTNN ban hành kèm theo Quyết định số 0/2017/QĐ-KTNN ngày 21/3/2017 của KTNN và thực tế lập kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN đối với lĩnh vực kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề; bổ sung mục lục của bản tóm tắt Đề tài.

Phát biểu kết luận, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên lưu ý Ban Đề tài cần nghiên cứu bổ sung, nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng và kết quả chi thường xuyên tại các Bộ, ngành, trong đó sử dụng kết quả kiểm toán của KTNN để chỉ ra những hạn chế trong công tác dự toán, thực hiện chi và quyết toán; đánh giá thực trạng, phân tích hạn chế trong công tác tổ chức kiểm toán của KTNN, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể về tổ chức, lập kế hoạch, nội dung…

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu hoàn thiện Đề tài trong 01 tháng và gửi về Văn phòng của Hội đồng.

Với tổng điểm 82,75, Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thống nhất xếp loại Khá./.

Diệu Thúy