Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh: Chất lượng kiểm toán là ưu tiên hàng đầu

Năm 2020 với ngành kiểm toán là dấu mốc quan trọng khi tổng kết Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước (KTNN) giai đoạn 2010 - 2020 và triển khai Chiến lược giai đoạn 2020 - 2030; đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN có hiệu lực vào tháng 7. Cũng trong năm nay, KTNN xác định kế hoạch cắt giảm 20% số cuộc kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng. Phó Tổng KTNN NGUYỄN TUẤN ANH trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân về kết quả thực hiện Chiến lược cũng như kế hoạch, kỳ vọng trong năm mới của toàn ngành.  

 Đạt kết quả nổi bật ở tất cả các mặt

Nhìn lại việc thực hiện Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2010 - 2020, theo ông đâu là những kết quả nổi bật?

Trong những năm qua, KTNN đã đạt được nhiều kết quả ở tất cả các mặt. Tôi xin nêu một vài điểm nổi bật sau:

Hiến pháp năm 2013 bổ sung Điều 118 quy định về địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN. Trên cơ sở này, Quốc hội đã thông qua Luật KTNN năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung vào năm 2019 với nhiều nội dung mới tạo tiền đề, cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển của KTNN, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán, phục vụ thiết thực công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Cùng với đó, Ban cán sự, Lãnh đạo KTNN thường xuyên tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành 39 Chuẩn mực KTNN, hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật và gần 10.000 trang văn bản quản lý,...

Hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN đã được phát triển khá toàn diện cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng, từng bước tiến tới đồng bộ. KTNN cũng luôn quan tâm, coi trọng và thực hiện tốt công tác phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Hoạt động kiểm toán từng bước được đổi mới về nội dung, phương pháp kiểm toán. Chất lượng không ngừng được nâng cao từ giai đoạn lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện và kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán. KTNN phát triển kiểm toán một số lĩnh vực mới: kiểm toán công nghệ thông tin; kiểm toán môi trường; tài nguyên, khoáng sản; các dự án BOT, BT;... kiểm toán một số chuyên đề lớn về đất đai, tự chủ trong các lĩnh vực giáo dục và y tế,... Kết quả kiến nghị xử lý tài chính tăng đều qua các năm (thu hồi, giảm chi ngân sách nhà nước,...), kiến nghị sửa đổi nhiều cơ chế chính sách (đặc biệt các Luật NSNN, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, ...).

Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, KTNN đã cung cấp 187 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển 7 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra, làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

KTNN tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế toàn diện cả về song phương và đa phương; tổ chức cuộc kiểm toán phối hợp với các cơ quan Kiểm toán tối cao trên thế giới, tăng cường cử công chức tham gia các khóa đào tạo tại nước ngoài nhằm tiếp cận các tiêu chí, quy trình, chuẩn mực và phương pháp kiểm toán mới nâng cao năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên,.... Đặc biệt, năm 2018, KTNN đã tổ chức thành công Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” và được bầu làm Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021. Đây là sự kiện đối ngoại nổi bật của KTNN, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của KTNN ở trong nước và quốc tế.

KTNN chuẩn bị triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN như thế nào, thưa ông?

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN có hiệu lực từ ngày 1.7.2020. Để triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và tiết kiệm, KTNN đã chuẩn bị Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật với 3 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật trong và ngoài ngành. Thứ hai, rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật cũng như các văn bản quản lý hướng dẫn làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của KTNN. Thứ ba, rà soát các quy định hướng dẫn về khiếu nại, khởi kiện và xử phạt vi phạm hành chính; kiến nghị các nội dung trong Luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc KTNN…

Quy trình đủ chặt để báo cáo kiểm toán khách quan, công tâm

Năm 2020, KTNN xác định giảm 20% số cuộc kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng. Vì sao có chủ trương này thưa ông?

Chất lượng kiểm toán luôn là ưu tiên hàng đầu của KTNN trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động kiểm toán. Việc cắt giảm số cuộc kiểm toán trong năm 2020 so với kế hoạch kiểm toán đầu năm 2019 là một chủ trương lớn, được chúng tôi thảo luận kỹ trên cơ sở xem xét toàn diện chức năng nhiệm vụ và cân đối các nhiệm vụ của KTNN trong năm 2020. Từ đó, KTNN tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán; tổ chức đào tạo, tập huấn tăng cường chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng kiểm toán (đặc biệt là việc tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán); bố trí đủ thời gian hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của ngành trong năm 2020.

Vậy ông nghĩ sao khi vẫn có một vài ý kiến của đơn vị được kiểm toán chưa đồng ý với kiến nghị kiểm toán?

Trong quá trình kiểm toán, việc nhận được ý kiến trao đổi, giải trình, phản hồi, kể cả phản biện thực sự là phương pháp tốt để KTNN xem xét, đánh giá, soát xét kỹ, bảo đảm khi Báo cáo kiểm toán được công bố thực sự khách quan, công tâm. Theo Luật KTNN, kiến nghị kiểm toán là bắt buộc phải thực hiện, song khi có ý kiến phản hồi từ đơn vị được kiểm toán, KTNN sẽ thực hiện trả lời theo đúng quy trình của KTNN. Thực tế, ý kiến từ phía đơn vị được kiểm toán đều được KTNN xem xét trả lời thỏa đáng.

Liệu có tình trạng báo cáo kiểm toán bị yếu tố chủ quan của cá nhân kiểm toán viên chi phối không thưa ông?

Về mặt nguyên tắc, nghiệp vụ, Kiểm toán viên phải tuân thủ đúng Chuẩn mực, quy trình, Luật KTNN khi thực hiện kiểm toán. Khi lập Báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên không được đưa các yếu tố chủ quan mà đều dựa trên các bằng chứng thu thập, để từ đó đưa ra các đánh giá, kết luận và kiến nghị phù hợp. Báo cáo kiểm toán trước khi phát hành đều được lập, thẩm định, thông qua các hội đồng xét duyệt (Hội đồng cấp vụ, cấp ngành) và gửi lấy ý kiến đơn vị được kiểm toán đảm bảo khách quan đúng quy trình, quy định của Luật KTNN. Do đó, trong báo cáo kiểm toán đã được công bố không thể có yếu tố cá nhân chi phối.

Xử lý nghiêm nếu xảy ra sai phạm

Cũng theo kế hoạch kiểm toán năm 2020, KTNN sẽ tập trung kiểm toán những lĩnh vực, vấn đề, dự án được xã hội quan tâm như tại các Bộ có quy mô ngân sách lớn, doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng lớn, công tác chống ngập tại TP Hồ Chí Minh, đường sắt đô thị Hà Nội… KTNN đã chuẩn bị gì cho việc kiểm toán này?

Việc lựa chọn đơn vị, chủ đề kiểm toán hàng năm của KTNN luôn tuân thủ theo các quy trình lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm, trong đó tất cả đơn vị, đầu mối, dự án được lựa chọn đều được đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở các tiêu chí công khai, minh bạch.

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện các nhiệm vụ kiểm toán này, KTNN đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, KTNN sẽ bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội để triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán; tăng cường công tác khảo sát thu thập thông tin chi tiết; đưa vào ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán. KTNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng đối với các đoàn kiểm toán và sẽ xử lý nghiêm những cá nhân và người liên quan nếu xảy ra sai phạm, …

Ông kỳ vọng gì vào các cuộc kiểm toán lần này?

Chúng tôi nhận thấy hiện nay, đặc biệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và công chúng với KTNN rất lớn, đồng nghĩa vai trò của KTNN ngày càng được nâng lên. Sự phát triển và uy tín của KTNN, cùng với kinh nghiệm của đội ngũ kiểm toán viên đã từng kiểm toán nhiều dự án, đơn vị có quy mô sử dụng ngân sách lớn, phức tạp; chúng tôi sẽ nỗ lực và tin rằng các cuộc kiểm toán trong năm 2020 sẽ bảo đảm chất lượng, khách quan; góp phần thiết thực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Trân trọng cảm ơn ông!
 
Box: Trong giai đoạn 2010 - 2019, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 333.898 tỷ đồng (tăng thu 78.399 tỷ đồng, giảm chi 81.889 tỷ đồng, xử lý khác 173.610 tỷ đồng); kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 959 văn bản nhằm bịt các lỗ hổng gây thất thoát, lãng phí NSNN.

Minh Hương - Đan Thanh (Báo Đại Biểu nhân dân)