(sav.gov.vn) – Sáng ngày 28/2/2020 tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ban soạn thảo xây dựng chương trình, biên soạn tại liệu bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên (KTV) cao cấp tổ chức họp thảo luận về định hướng biên soạn tài liệu bồi dưỡng ngạch KTV cao cấp. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì buổi làm việc.
Trình bày dự thảo tài liệu Bồi dưỡng ngạch KTV cao cấp, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Minh Nam cho biết, tài liệu Bồi dưỡng ngạch KTV cao cấp hiện đang áp dụng được xây dựng từ năm 2010 và đã được đưa vào phục vụ đào tạo, bồi dưỡng 3 lớp bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp, với khoảng 100 lượt học viên. Tài liệu đã nhận được sự đánh giá cao của các giảng viên và học viên về tính khoa học, tính thực tiễn và sự phù hợp với môi trường nghề nghiệp kiểm toán. Tuy vậy, trong quá trình tổ chức đào tạo, tài liệu bộc lộ một số hạn chế chủ yếu do sự phát triển của KTNN, đặc biệt là việc KTNN đã được hiến định trong Hiến pháp 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước số 81/2015/QH13 sẽ có hiệu lực từ 01/7/2020; KTNN đã ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN…Do đó, nhiều nội dung của tài liệu bồi dưỡng ngạch KTV cao cấp hiện đang áp dụng đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp. Một số nội dung đã được đưa vào đào tạo tại các chương trình bồi dưỡng khác như chương trình bồi dưỡng ngạch KTV, KTV chính, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp Trưởng Đoàn kiểm toán,... Những thay đổi trên đặt ra sự cần thiết phải xây dựng tài liệu mới có nội dung phù hợp với thực tiễn và chiến lược phát triển của Ngành.
Tài liệu đào tạo được thiết kế nhằm phục vụ các đối tượng: Công chức đang ở ngạch KTV chính có thời gian giữ ngạch 03 năm trở lên hoặc ở ngạch tương đương có thời gian giữ ngạch 06 năm trở lên; Công chức đang ở ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương; Các trường hợp khác do Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định.
Tài liệu bồi dưỡng được thiết kế với mục tiêu: Cập nhật, nâng cao kiến thức và khả năng xử lý các thách thức, tình huống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán tương ứng với tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của KTV cao cấp; Cung cấp các kỹ năng tương ứng với chức trách của KTV cao cấp nhằm trang bị phương pháp tư duy và khả năng thực thi nhiệm vụ theo một quy trình khoa học và hiệu quả.
Dự kiến chương trình đào tạo được thiết kế gồm phần kiến thức chung và kỹ năng cần thiết và phù hợp với đối tượng và tính chất công việc của ngạch Kiểm toán viên cao cấp. Nội dung chương trình được xây dựng theo hướng mở, dễ cập nhật, bổ sung cho các giai đoạn sau này phù hợp với thực tiễn phát triển của KTNN. Chương trình được thiết kế cân đối giữa lý luận và thực tiễn.
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho biết, cấu trúc nội dung chương trình dự kiến gồm 4 phần: Cơ sở pháp lý và nghề nghiệp về tổ chức và hoạt động kiểm toán nhà nước; Phân tích chính sách kinh tế phục vụ cho công tác kiểm toán của KTNN; Xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KTNN; Tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN. Từng phần được thiết kế các chuyên đề cụ thể phù hợp. Các nội dung đào tạo bố trí tối đa 50% thời lượng dành cho lý luận; phần còn lại là trao đổi kinh nghiệm giải quyết tình huống, thảo luận nhóm…
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban soạn thảo bày tỏ sự đồng tình với các định hướng biên soạn tài liệu được đưa ra trong dự thảo. Về nội dung cụ thể của các các chuyên đề được đề xuất, một số ý kiến cho rằng: Cần bổ sung chuyên đề giới thiệu cơ bản về chính sách tài khóa, tiền tệ; chính sách quản lý tài chính công, tài sản công và ảnh hưởng các chính sách này tới hoạt động của KTNN; Chuyên đề triển khai ứng dụng công nghệ trong hoạt động kiểm toán; Chuyên đề giới thiệu về chiến lược phát triển KTNN cần bổ sung kế hoạch chiến lược và kế hoạch hành động của chiến lược phát triển KTNN…
Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Trưởng Ban soạn thảo đề nghị Thường trực Ban soạn thảo tiếp thu các các ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, hoàn thiện cấu trúc nội dung chương trình theo hướng chia thành 4 phần như đề xuất; Chỉnh sửa, bổ sung cấu trúc các chuyên đề nhằm nâng cao năng lực thực thi nghiệm vụ kiểm toán, đáp ứng các tiêu chuẩn của KTV cao cấp theo tinh thần Nghị quyết 1002/2006/NQ-UBTVQH ngày 3/2/2006 của UBTVQH và quy định của KTNN về chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch KTV nhà nước và xu hướng phát triển của KTNN.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu, Thường trực Ban soạn thảo trong tháng 3/2020 hoàn thành xây dựng khung chương trình, gửi các thành viên Ban soạn thảo cho ý kiến, đồng thời lấy ý kiến của một số đơn vị liên quan. Tháng 4/2020 có thể trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành. Trên cơ sở khung chương trình, Thường trực Ban soạn thảo xây dựng đề cương chi tiết, phấn đấu trong Quý III/2020 hoàn thành việc biên soạn tài liệu Bồi dưỡng ngạch KTV cao cấp để phục vụ công tác đào tạo trong Ngành./.
Minh Thúy