Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN dự Hội thảo.
Dự Hội thảo có: Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng; Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền; Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng; GS.TS. Đặng Văn Thanh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc; các đại biểu đến từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; Hội nghề nghiệp; Trường Đại học, Viện nghiên cứu; Tập đoàn, Tổng công ty; các chuyên gia, nhà khoa học...
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết: Dự án PPP là hình thức hợp tác công - tư mà theo đó Nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng của Nhà nước dưới hình thức hợp đồng của cơ quan Nhà nước và tư nhân, để tạo ra tài sản Nhà nước, phục vụ công cộng. Với mô hình PPP, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân vì tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân.
Những năm qua, chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo hình thức dự án PPP của Đảng và Nhà nước là hết sức đúng đắn và cần thiết. Việc huy động vốn từ khu vực tư nhân đã góp phần cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng của đất nước, nâng cao chất lượng sống của người dân, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương. Các dự án PPP đã góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước (NSNN) trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện hạ tầng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tích cực, thời gian qua, có rất nhiều vấn đến liên quan đến công tác quản lý, điều hành, khai thác các dự án PPP, gây ra không ít bức xúc trong dư luận xã hội như: Việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu theo hình thức chỉ định thầu, chưa tạo ra cơ chế cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, giá thành xây dựng thấp và thời gian hoàn vốn hợp lý nhất. Quy định về mức vốn góp của nhà đầu tư hiện vẫn còn khá thấp so với tổng chi phí đầu tư dự án; tiến độ góp vốn của các nhà đầu tư chưa như cam kết nhưng thiếu chế tài xử lý; việc tuân thủ các quy định trong quá trình thực hiện dự án còn chưa thật sự nghiêm túc.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, thời gian qua, KTNN đã tiếp tục đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế, trong đó có kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Kết quả kiểm toán các dự án PPP nói chung và các dự án BOT, BT nói riêng cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác kiểm toán các dự án PPP trong thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. “Kết quả kiểm toán các dự án PPP của KTNN mặc dù đã có nhiều cố gắng và đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu, đòi hỏi chất lượng hoạt động kiểm toán và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nói.
Xuất phát từ thực tế trên, Hội thảo “Dự án PPP và vai trò của KTNN” được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của KTNN trong công tác quản lý và thực hiện các dự án PPP góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, lành mạnh nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả các dự án PPP, phát huy tốt nhất giá trị và lợi ích của các dự án PPP, từ đó tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán mà trong đó tập trung vào lĩnh vực kiểm toán các dự án PPP.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước mong muốn, trên tinh thần khoa học, thẳng thắn, cởi mở, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận để làm rõ các vấn đề về lý luận, tìm ra các giải pháp có tính khả thi cao nhằm giúp cho các cơ quan Nhà nước có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn, từ đó giúp hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành các Dự án PPP đồng thời giúp KTNN hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và Nhân dân.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số vấn đề về thực trạng quản lý, vận hành các dự án PPP hiện nay và những ảnh hưởng của tình trạng thiếu minh bạch đến ngân sách quốc gia và kỷ luật, kỷ cương của nền tài chính quốc gia; khẳng định tầm quan trọng của các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Hội thảo đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, bất cập trong thực tiễn triển khai các dự án theo hình thức PPP, bộc lộ một số sơ hở, thiếu sót dẫn đến nguy cơ thất thoát lớn cho NSNN cũng như những hạn chế trong hoạt động kiểm toán của KTNN thời gian qua, như: Hành lang pháp lý cho đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP mặc dầu có cải thiện nhưng vẫn đang tồn tại những khoảng trống và khoảng chồng chéo cần tiếp tục hoàn thiện; Các quy định pháp lý chi tiết liên quan đến dự án PPP còn chưa rõ ràng…