Ban xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp họp cho ý kiến về dự thảo đề cương chương trình
(sav.gov.vn) - Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước (KTNN) năm 2020, ngày 28/4/2020, tại Hà Nội, Ban xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp (Ban biên soạn) đã tổ chức họp cho ý kiến về dự thảo Đề cương Chương trình bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp (KTVCC). GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Trưởng Ban biên soạn chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban biên soạn và đại diện Vụ Tổ chức cán bộ và Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (ĐT&BDNVKT).
Trình bày về dự thảo đề cương Chương trình bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên cao cấp (Chương trình), Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT Lê Minh Nam cho biết: Tại cuộc họp Ban biên soạn lần thứ nhất, các thành viên cho ý kiến về nội dung cần phải đào tạo nhằm đáp ứng các quy định về chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của KTVCC do Quốc hội, KTNN ban hành cũng như về cách thức xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu và kế hoạch triển khai công việc.
Trên cơ sở các ý kiến tham gia của thành viên Ban soạn thảo tại cuộc họp cũng như tham gia trực tiếp vào Chương trình khung, Thường trực Ban đã hoàn thiện thêm một bước về đề cương Chương trình. Theo đó, đối tượng của Chương trình là công chức đang ở ngạch Kiểm toán viên chính có thời gian giữ ngạch 03 năm trở lên hoặc ở ngạch tương đương có thời gian giữ ngạch 06 năm trở lên; Công chức đang ở ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương và các trường hợp khác theo quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Mục tiêu của Chương trình nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức về kiểm toán nhà nước, các kỹ năng chuyên môn và quản lý phù hợp nhằm nâng cao năng lực, trình độ thực thi nhiệm vụ kiểm toán, đáp ứng tiêu chuẩn của KTVCC và yêu cầu phát triển của KTNN.
Cũng theo Giám đốc Trường Lê Minh Nam, Chương trình được thiết kế theo hướng chia thành các phần kiến thức chung và kỹ năng cần thiết, phù hợp với đối tượng và tính chất công việc của ngạch KTVCC. Nội dung Chương trình được xây dựng theo hướng mở, dễ cập nhật, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của KTNN trong thực tiễn. Nội dung được cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Học viên học đủ các phần kiến thức, kỹ năng, làm đầy đủ và đạt yêu cầu các bài kiểm tra, đề án của Chương trình sẽ được cấp chứng chỉ theo quy định.
Về cấu trúc nội dung, Chương trình dự kiến gồm 4 khối kiến thức: Cơ sở pháp lý, tổ chức và hoạt động kiểm toán nhà nước; Phân tích chính sách kinh tế vĩ mô phục vụ cho công tác kiểm toán của KTNN; Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển KTNN và Tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN. Mỗi khối kiến thức có từ 2-4 chuyên đề, tập trung làm rõ những nội dung chính được đặt ra cho từng khối kiến thức.
Về thời gian đào tạo của Chương trình dự kiến là 144 tiết, trong đó đào tạo tập trung trên lớp là 11 chuyên đề (104 tiết); ôn tập và viết đề án khoảng 40 tiết. Nội dung đào tạo được bố trí tối đa 50% thời lượng dành cho lý luận; phần còn lại là trao đổi kinh nghiệm, giải quyết tình huống, thảo luận nhóm… Học viên cần thực hiện xây dựng một đề án cuối khóa về việc vận dụng kiến thức đã được đào tạo trong thực tiễn công việc.
Phát biểu tại cuộc họp, hầu hết các ý kiến thành viên cơ bản nhất trí với bố cục và nội dung của Chương trình. Tuy nhiên để xây dựng được bản đề cương đầy đủ nội dung và phù hợp với đối tượng bồi dưỡng, các thành viên Ban biên soạn tập trung cho ý kiến cần làm rõ mục tiêu của Chương trình để phù hợp với quy địch của Chính phủ, Bộ Nội vụ về ngạch, bậc; nghiên cứu về kết cấu, tên gọi và thời gian đào tạo của một số chuyên đề; công tác xây dựng đề án và việc tổ chức triển khai trong toàn Ngành đồng thời làm rõ về những nội dung còn có sự trùng lắp với các chương trình bồi dưỡng các ngạch KTV khác… nhằm thực hiện được mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược cho KTNN.
Phát biểu kết luận cuộc họp Trưởng Ban soạn thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên đánh giá cao các ý kiến tham gia tại cuộc họp cũng như việc tham gia có trách nhiệm của các thành viên Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng đề cương Chương trình. Đồng tình với một số ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên đề nghị Thường trực Ban nghiên cứu hoàn thiện đảm bảo nguyên tắc đi từ cái chung đến cái riêng và yếu tố kỹ thuật.
Đối với việc xây dựng đề cương hướng dẫn viết các chuyên đề, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước lưu ý các tác giả cần bám sát vào tính chất, điều kiện về ngạch cao cấp theo quy định hiện hành; các chương trình đào tạo, nội dung giảng phải có tầm nhìn chiến lược; các kiến thức phải đi từ vĩ mô, nguyên lý, nguyên tắc cho đến việc vận dụng trong thực tiễn. Nhiệm vụ cụ thể cần tập trung vào vấn đề hướng dẫn, cung cấp cho người học về các kỹ năng xây dựng, hình thành ý tưởng trong tầm nhìn chiến lược hoạt động, tổ chức và quản lý; không đi sâu vào vấn đề kỹ thuật kiểm toán; đồng thời tham khảo các chương trình và tài liệu của các chương trình đào tạo của Ngành đối với Kiểm toán viên để tránh sự trùng lặp về mặt kỹ thuật.
Theo kế hoạch, dự kiến tháng 11/2020, Ban biên soạn sẽ trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành tài liệu bồi dưỡng KTVCC./.