Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN”

(sav.gov.vn) - Chiều 08/5/2020, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng khoa học của KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN” do PGS.TS. Đinh Trọng Hanh (nguyên Kiểm toán trưởng KTNN khu vực X) và TS. Vũ Thanh Hải (Vụ Pháp chế) đồng chủ nhiệm.

TS. Vũ Văn Họa – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Báo cáo trước Hội đồng, PGS.TS. Đinh Trọng Hanh cho biết, quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN có vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đối với chất lượng của từng nhiệm vụ kiểm toán, cũng như tác động đến việc thực hiện mục đích trong hoạt động kiểm toán của KTNN. Với một lực lượng Kiểm toán viên có năng lực và công nghệ kiểm toán phù hợp, nhân tố quyết định để thực hiện mục tiêu của hoạt động kiểm toán là quản lý hoạt động kiểm toán. Cũng như các hoạt động quản lý khác, hoạt động quản lý kiểm toán của KTNN vận động theo 2 xu hướng: Chuyên môn hóa các chức năng quản lý, dẫn đến hình thành và phân công các bộ phận chuyên thực hiện các chức năng quản lý hoạt động kiểm toán; Hình thành các cấp quản lý kiểm toán, dẫn đến sự phân cấp các nhiệm vụ quản lý hoạt động kiểm toán của mỗi cấp quản lý.

Thực tế, từ khi thành lập, KTNN đã dần hình thành 2 cấp quản lý hoạt động kiểm toán, phát triển phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán. Sự phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán giữa 2 cấp quản lý trong mỗi giai đoạn phát triển của KTNN có sự khác nhau nhất định. Nó là một quá trình vận động liên tục, phụ thuộc vào tính chất, quy mô hoạt động kiểm toán và quá trình phát triển về tổ chức của mỗi cấp quản lý hoạt động kiểm toán; phụ thuộc vào yêu cầu và năng lực quản lý trong từng thời kỳ.

Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, tuy KTNN đã hình thành sự phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán trong thời gian dài, song cho đến nay sự phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN còn có những hạn chế nhất định, đó là: Chưa định hình về mô hình, những nguyên tắc phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán, để làm cơ sở hình thành các quy định trong các văn bản pháp luật KTNN về phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN; Sự phân cấp về các chức năng, nhiệm vụ quản lý hoạt động kiểm toán giữa 2 cấp quản lý còn thiếu tính hệ thống, sự ổn định; Không ít hoạt động thuộc phạm vi của quản lý hoạt động kiểm toán còn có sự trùng chéo trong mỗi cấp quản lý và giữa 2 cấp quản lý (ví dụ: hoạt động KSCLKT, hoạt động quản lý kế hoạch kiểm toán) hoặc còn bỏ trống quản lý (ví dụ: hoạt động quản lý kế hoạch kiểm toán trung hạn)… Những hạn chế trong thực tiễn đó đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu để đề ra các giải pháp, biện pháp để hoàn thiện phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN.

Thời gian qua, đã có nhiều đề tài nghiên cứu về tổ chức bộ máy liên quan đến phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN, song, vẫn còn những vấn đề chưa được nghiên cứu đầy đủ như: Vấn đề phát triển lý luận quản lý một cách có hệ thống về phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN; Vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn về mô hình “Phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN”...

“Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn như trên, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN; tổng hợp, đánh giá thực tiễn để làm cơ sở tìm ra các mô hình, giải pháp hoàn thiện phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN. Đó là lý do khẳng định sự cần thiết của việc nghiên cứu đề tài Hoàn thiện phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN” – PGS.TS. Đinh Trọng Hanh nhấn mạnh.

Với mục tiêu nghiên cứu về lý luận, thực tiễn để đề xuất các mô hình, nguyên tắc, giải pháp và lộ trình hoàn thiện phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam, đề tài đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về phân cấp quản lý và phát triển lý luận về phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN; Tổng hợp, phân tích và đánh giá thực trạng phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam từ đó đề xuất những định hướng, mô hình, nguyên tắc, giải pháp hoàn thiện phân cấp hoàn thiện phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam.

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Phụ lục, đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1 - Những vấn đề lý luận cơ bản về phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN. Chương 2 - Thực trạng của Kiểm toán nhà nước Việt Nam và kinh nghiệm nước ngoài về phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN. Chương 3 - Phương hướng và giải pháp hoàn thiện phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam.

Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu cho rằng đề tài đã trình bày được những lý luận cơ bản về phân cấp quản lý trong hoạt động kiểm toán cũng như các nội dung về lý luận như mục đích, yêu cầu, nội dung và hình thức phân cấp. Đặc biệt đề tài đã đưa ra các nhân tố chủ yếu tác động đến phân cấp. Các vấn đề lý luận này rất cơ bản làm nền tảng, điểm tựa cho đánh giá thực trạng và đưa ra các định hướng giải pháp hoàn thiện phân cấp trong đề tài.

Bên cạnh đó, đề tài đã nghiên cứu khái quát được thực trạng KTNN và kinh nghiệm nước ngoài về phân cấp hoạt động kiểm toán của KTNN, đánh giá về công tác phân cấp quản lí hoạt động kiểm toán, từ đó đưa ra những kết quả đã đạt được, rút ra các hạn chế, thiếu sót cần phải khắc phục. Có ý kiến cho rằng, kết quả nghiên cứu của đề tài là tài liệu có thể sử dụng phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học liên quan đến kiểm toán nhà nước, quản lý của KTNN đồng thời có thể là tài liệu tham khảo cho các học viên cao học, nghiên cứu sinh liên quan đến chuyên ngành kế toán, kiểm toán...

Để hoàn thiện, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài cần phân tích, đánh giá sâu hơn cũng như làm rõ một số nội dung: Hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN quy định trong Luật KTNN; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực trong quản lý hoạt động kiểm toán theo quy định Luật KTNN; mô hình tổ chức theo hai cấp quản lý là cấp KTNN và cấp KTNN chuyên ngành, khu vực, trong đó tập trung làm rõ phân cấp cho KTNN chuyên ngành, khu vực trong quản lý hoạt động kiểm toán. Ngoài ra, Đề tài cần phân tích rõ nguyên nhân, lợi ích và nguyên tắc quản lý mô hình tập trung - phân quyền; làm rõ nội dung tăng cường quyền hạn và trách nhiệm cho các Kiểm toán trưởng chuyên ngành và khu vực...

Phát biểu kết luận, TS. Vũ Văn Họa yêu cầu Ban Chủ nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện đề tài; đồng thời, bổ sung một số nội dung như: Tổ chức bộ máy gắn với phân cấp hoạt động kiểm toán, giải pháp phân cấp cụ thể giữa KTNN với KTNN chuyên ngành; đánh giá lại mô hình quản lý của KTNN; gắn giải pháp phân cấp hoạt động kiểm toán với giải pháp tổ chức cán bộ.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thống nhất xếp loại Khá./.

M. Thúy