Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày nêu rõ: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật. Theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp theo vụ việc, nhằm phục vụ hiệu quả việc xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi để phân định thẩm quyền giám định pháp y tử thi giữa ngành Y tế và ngành Công an; mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp ở một số lĩnh vực có nhu cầu lớn như: giám định ADN, giám định tài liệu, giám định số khung, số máy xe cơ giới,…; có ý kiến đề nghị mở rộng hơn quyền yêu cầu trực tiếp giám định tư pháp để tăng khả năng cho đương sự trong việc thu thập chứng cứ.
Cần tăng cường công tác giám định tư pháp dữ liệu bằng âm thanh, hình ảnh
Thảo luận đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, đại biểu Trần Hồng Hà- Đoàn Đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc nhận thấy Ủy ban Tư pháp và các cơ chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã tiếp thu những ý kiến đóng góp cho dự án luật tại kỳ họp thứ 8 để hoàn thiện Dự án Luật trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp này. Điều này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cơ quan soạn thảo và thẩm tra.
Thực tế, những bất cập hiện nay trong giám định tư pháp hiện nay là giám định tư pháp theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tập trung ở các lĩnh vực tiền tệ, tài chính, giao thông, xây dựng, đất đai, môi trường… Còn các lĩnh vực giám định tư pháp truyền thống như giám định pháp y, pháp y tâm thần thì các vướng mắc chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện; sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan có liên quan. Chính phủ đã có báo cáo để khắc phục những vướng mắc, bất cập này.
Về bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” (Điều 12), đại biểu Trần Hồng Hà đồng ý với dự thảo Luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (khoản 4, khoản 5 Điều 12). Bởi vì giám định tư pháp về âm thanh, hình ảnh mới có ở Bộ Công an. Còn phòng giám định tư pháp ở Bộ Quốc phòng mới chỉ giám định tài liệu, chữ ký, dấu vết, súng đạn nhưng chưa có giám định về âm thanh, hình ảnh.
Đồng thuận với quan điểm trên, Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, cho rằng: Khi thực hiện Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) từ ngày 01/1/2020 thì yêu cầu về giám định tư pháp về âm thanh, hình ảnh khi các cơ quan hỏi cung bị can tăng cao. Hơn nữa là để đáp ứng yêu cầu điều tra, truy tố hình sự ngày càng cao về các loại tội phạm tham nhũng và tội phạm trong hoạt động tư pháp thì cần tăng cường công tác giám định dữ liệu bằng âm thanh, hình ảnh.
Về giám định tại khoản 2, Điều 37, đại biểu Phan Thái Bình nêu ý kiến: Việc giám định tư pháp của công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng là hoạt động công vụ. Cơ quan tổ chức quản lý trực tiếp có trách nhiệm đảm bảo đủ thời gian, kinh phí và các điều kiện khác để thực hiện việc giám định. Quy định như vậy là để đảm bảo nguồn lực về kinh phí thực hiện cho việc giám định tư pháp được thuận lợi.
Nên cấp trực tiếp kinh phí giám định tư pháp cho cơ quan, tổ chức thực hiện giám định
Một trong những điều thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội với dự án Luật là chi phí cho hoạt động giám định tư pháp. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nêu quan điểm: Trước ngày 01/01/2017, việc thu phí giám định tư pháp theo Pháp lệnh phí và lệ phí và các văn bản hưởng dẫn thì mức thu, việc quản lý, sử dụng nguồn thu được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Cơ chế này thực hiện cho đến nay đang ổn định và không phát sinh những vướng mắc, đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước, tạo chủ động về nguồn thu trong hoạt động của đơn vị nghiệp vụ khi thực hiện được giao.
Trước bất cập trên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị nên sửa đổi, bổ sung quy định việc thực hiện giám định tư pháp từ chi phí giám định tư pháp sang phí giám định tư pháp trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Còn đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định, nêu quan điểm: Cần xem xét, bổ sung ở khoản 2, điều 36 theo hướng quy định chi tiết đối với việc thanh toán chi phí giám định tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thanh quyết toán chi phí giám định tư pháp tại cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành. Đặc biệt là đối với những vụ việc lớn có kinh phí giám định tư pháp lớn, phát sinh ngoài dự kiến. Việc cấp kinh phí giám định nên thực hiện theo hướng cấp trực tiếp cho cơ quan, tổ chức thực hiện giám định do Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động.
Đa số các đại biểu Quốc hội tán thành về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến về một số điều trong dự án Luật như: Thời hạn giám định tư pháp; giám định hình ảnh, âm thanh; chi phí cho hoạt động giám định tư pháp… Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật dự kiến được xem xét thông qua vào ngày 10/6/2020 tại kỳ họp này./.