Nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư FDI và vai trò của KTNN
(sav.gov.vn) - Sáng 09/6/2020, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư FDI và vai trò của KTNN”. GS.TS. Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng kiểm toán Lê Minh Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có ông Thạch Phước Bình - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh; ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình; ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; GS. TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, đại diện của một số Bộ, ban, ngành, địa phương, Viện nghiên cứu, Công ty kiểm toán độc lập, doanh nghiệp, Trường đại học, Tổ chức Kế toán Kiểm toán quốc tế…
Về phía KTNN có đại diện lãnh đạo và công chức, viên chức, Kiểm toán viên một số đơn vị trực thuộc.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, kể từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh hàng năm. Đặc biệt, từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có độ mở lớn. Đầu tư FDI là một trong những nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia, đối với các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng.
Các dự án FDI góp phần tạo việc làm và đào tạo nhân công thông qua việc thuê lao động, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Ngoài ra, các dự án FDI còn mang lại nhiều yếu tố tích cực khác cho nền kinh tế Việt Nam như giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất, các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh những mặt tích cực mà FDI mang lại, vẫn tồn tại những tiêu cực đã và đang ảnh hưởng đáng kể đến nhiều lĩnh vực, thường được gọi là mặt trái của việc thu hút đầu tư FDI, như: Hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước; hành vi “chuyển giá”; phụ thuộc về kinh tế đối với các nước nhận đầu tư; việc chuyển giao máy móc đã lạc hậu cho các nước nhận đầu tư…
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, qua hoạt động kiểm toán hàng năm, đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên một số lĩnh vực như: Môi trường, đất đai, chuyển giá. Từ đó, KTNN có các kiến nghị các cơ quan quản lý khắc phục những sai sót, yếu kém, sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách. “KTNN mặc dù đã có nhiều cố gắng và đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu, đòi hỏi chất lượng hoạt động kiểm toán và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc đánh giá các chính sách và việc thực thi các chính sách thu hút vốn đầu tư FDI. Vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, trong đó tập trung vào việc thu hút vốn đầu tư FDI lành mạnh, làm trong sạch môi trường đầu tư của Việt Nam... Đồng thời phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của KTNN trong lĩnh vực này nhằm góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, lành mạnh nền tài chính quốc gia” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nói.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày tham luận, tập trung về vai trò của khu vực FDI với kinh tế Việt Nam; Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút FDI vào Việt Nam; Dấu hiệu nhận biết hành vi chuyển giá của doanh nghiệp FDI và một số kiến nghị đối với hoạt động kiểm toán; Thực trạng thu hút, quản lý nhà nước đối với FDI tại một số địa phương dưới góc nhìn KTNN và giải pháp nâng cao hiệu quả vốn FDI; Những khó khăn và giải pháp thu hút FDI trong phát triển kinh tế - xã hội; Thực trạng tổ chức kiểm toán chuyển giá của KTNN đối với doanh nghiệp FDI…
Chỉ ra những dấu hiệu nhận biết hành vi chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài như: Lỗ lũy kế qua nhiều năm trong khi quy mô hoạt động và doanh số của doanh nghiệp FDI vẫn ổn định, thậm chí tăng trưởng qua các năm; doanh nghiệp FDI có lãi trong thời gian được miễn thuế, nhưng sau đó báo lỗ khi hết thời hạn miễn thuế; chi mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu từ bên liên kết với tỷ trọng lớn trong tổng mua sắm từ các nguồn… PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, giảng viên Viện Kế toán - Kiểm toán (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) kiến nghị cần tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp FDI.
Theo bà Phương Hoa, kiểm toán hoạt động có dấu hiệu chuyển giá cần được thực hiện theo cả hai cách là kiểm toán riêng trong một cuộc kiểm toán hoặc kiểm toán kết hợp trong khi kiểm toán BCTC. Đồng thời, cần công khai kết quả kiểm toán hoạt động chuyển giá đối với những hành vi chuyển giá nghiêm trọng. “Việc công khai kết quả kiểm toán các hành vi chuyển giá nghiêm trọng sẽ tạo áp lực xã hội như tẩy chay sản phẩm, dịch vụ các doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá” – bà Phương Hoa nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong kiểm toán BCTC của doanh nghiệp có vốn FDI có dấu hiệu chuyển giá. Đặc biệt, cần tăng cường sự tham gia của KTNN trong kiểm toán hoạt động chuyển giá. Các doanh nghiệp liên doanh có phần vốn góp của Nhà nước là khách thể kiểm toán của cơ quan KTNN. “KTNN nên tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề độc lập về chống chuyển giá nhằm đánh giá tính hợp lý, tính đầy đủ, tính khả thi, tính hiệu lực và hiệu quả của quá trình xây dựng, thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ, chỉ ra những khiếm khuyết, bất cập và hạn chế trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, nhằm chống gian lận, trốn thuế và hoàn thiện công tác quản lý kiểm soát giá” – ông Hoàng Quang Phòng nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách FDI, tập trung hướng dòng vốn này cho mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm tăng năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Chia sẻ về thực trạng tổ chức kiểm toán chuyển giá của KTNN đối với doanh nghiệp FDI, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ (KTNN) Nguyễn Mạnh Cường cho biết, thực tế hiện nay, do còn có cách hiểu chưa thống nhất về đối tượng của KTNN, đặc biệt là cụm từ “tài chính công, tài sản công” nên KTNN chưa thực hiện được việc kiểm tra, kiểm toán đối với các hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI, nếu có thì chỉ thực hiện thông qua việc đối chiếu nghĩa vụ ngân sách Nhà nước qua cơ quan thuế.
Đối với các Tập đoàn Nhà nước, KTNN đã thực hiện các cuộc kiểm toán toàn diện, trong đó đã có thực hiện nghiệp vụ rà soát sai phạm chuyển giá trong các giao dịch giữa các công ty con của tập đoàn với nhau và đã có những kết quả và phát hiện đáng ghi nhận.
Để hoàn thiện công tác kiểm toán trong hoạt động chống chuyển giá, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, cần tiếp tục làm rõ cơ sở pháp lý của KTNN khi thực hiện kiểm toán nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp thông qua việc trình và sửa đổi Luật KTNN cho phù hợp; Chính phủ củng cố lại cơ sở pháp lý về quản lý hoạt động chuyển giá, ban hành và hướng dẫn đầy đủ các phương pháp xác định giá chuyển giao phù hợp với trình độ phát triển kinh doanh trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế; nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý Nhà nước về các tác động và mức độ tác động của hoạt động chuyển giá đối với nền kinh tế Việt Nam…
Phát biểu bế mạc, thay mặt Lãnh đạo KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cảm ơn, đánh giá cao các bài tham luận, các ý kiến của các đại biểu tham dự đồng thời khẳng định: Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ được Lãnh đạo KTNN nghiên cứu, tiếp thu tối đa để xây dựng các giải pháp khoa học, hữu hiệu, sáng tạo trong hoạt động kiểm toán, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, đáp ứng tốt hơn những kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân./.