Thu NSNN 5 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 38% dự toán
Trong tổng số thu NSNN 70,4 nghìn tỷ đồng của tháng 5/2020, thu nội địa ước đạt 56,5 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 4,5% dự toán, giảm khoảng 31 nghìn tỷ đồng so với tháng 4/2020 và chỉ bằng 65,4% mức thu của tháng 5/2019. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020 thu ước đạt 480,5 nghìn tỷ đồng, bằng 38% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.Theo ông Trần Quân, Tổng cục Thuế đã xử lý việc gia hạn cho người nộp thuế đúng chế độ quy định, đảm bảo kịp thời; tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN.
Thu từ dầu thô tháng 5/2020 ước đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1 nghìn tỷ đồng so với tháng 4/2020. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, ước thu đạt 19,84 nghìn tỷ đồng, bằng 56,4% dự toán, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2019. Giá dầu thô thanh toán 5 tháng đầu năm đạt bình quân 52 USD/thùng, thấp hơn 8 USD/thùng so với giá dự toán, bằng khoảng 78,5% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng dầu thô ước đạt 3,94 triệu tấn, bằng 43,7% kế hoạch, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2019.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: Tháng 5/2020 ước đạt 12,3 nghìn tỷ đồng, lũy kế 5 tháng ước đạt 76,2 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt 196,8 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn đều giảm như: Xăng dầu các loại giảm 48,1%; ô tô nguyên chiếc giảm 44%; sắt thép giảm 15,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 3%... Số giảm trên cũng tác động đến giảm thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu. Cơ quan Hải quan đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra thông quan, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tích cực xử lý thu hồi nợ đọng thuế.
Thu từ hoạt động cổ phần hóa 07 doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong 5 tháng đầu năm 2020 với giá trị 87 tỷ đồng, thu về 252 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 601 tỷ đồng, thu về đạt 1.110 tỷ đồng.
Chi NSNN tháng 5/2020 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019
Tổng chi NSNN tháng 5 ước đạt 130,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng chi NSNN 603,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35% dự toán, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Chi cho đầu tư phát triển 122,24 nghìn tỷ đồng, bằng 26% dự toán; chi trả nợ lãi 49 nghìn tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán; chi thường xuyên 428,7 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% dự toán.
Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi NSNN trong thàng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội. Để phòng chống dịch COVID-19, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã tăng chi cho các hoạt động y tế, đảm bảo vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát phòng, chống dịch.
Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tính đến 29/5/2020 các địa phương đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách đối tượng và kinh phí với tổng số tiền khoảng 12,1 nghìn tỷ đồng, chủ yếu phê duyệt cho đối tượng người có công, bảo trợ xã hội và người nghèo, cận nghèo. Các đối tượng là lao động vẫn đang tiếp tục được rà soát để ban hành các quyết định hỗ trợ sau. Tổng hợp số liệu từ Kho bạc Nhà nước các địa phương, đến hết ngày 29/5/2020, tất cả 63/63 địa phương đã thực hiện rút tiền từ Kho bạc Nhà nước để hỗ trợ 9,98 triệu người, với tổng số chi từ NSNN là 9.418 tỷ đồng.
Tổng hợp từ Bộ Tài chính, trong 5 tháng qua, ngân sách Trung ương đã trích dự phòng để bổ sung 2,8 nghìn tỷ đồng cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 169,6 tỷ đồng tạm cấp cho 7 địa phương để triển khai các hoạt động phòng chống dịch COVID-19; hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nhằm phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chi 339 tỷ đồng cho một số địa phương thực hiện chính sách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp 12,76 nghìn tấn gạo dự trữ Quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.
Theo Bộ Tài chính, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương hiện đang được đảm bảo. Hết tháng 5/2020, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành gần 58,82 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch năm 2020 để chi trả nợ trái phiếu đến hạn và nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội là 9.090 tỷ đồng, với kỳ hạn bình quân 15,38 năm, lãi suất bình quân 3,06%/năm.
Được biết, trong 5 tháng qua, Chính phủ đã ký kết 05 Hiệp định vay vốn nước ngoài với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Hàn Quốc trị giá khoảng 523 triệu USD. Trong tháng 5/2020 thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 177 triệu USD (cao hơn tốc độ rút vốn bình quân 4 tháng đầu năm khoảng 130 triệu USD/tháng), trong đó cấp phát khoảng 153 triệu USD, cho vay lại khoảng 25 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm giải ngân nguồn vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài khoảng 712 triệu USD, tương đương khoảng 16.520 tỷ đồng, trong đó cấp phát khoảng 549 triệu USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 164 triệu USD.
Về thực hiện dự toán NSNN và công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông ty hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2021 và kế hoạch tài chính 03 năm 2021-2023. Bộ cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ về phương án xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2021; khung cân đối NSNN 2021 và 3 năm 2021-2013.
Bộ Tài chính hiện đang triển khai các giải pháp phấn đấu hoàn thiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 của cả nước, cũng như từng địa phương theo tinh thần Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội./.
Duy Thái