Cuộc họp trực tuyến Ban điều hành Tổ chức các Cơ
quan Kiểm toán Tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 55 đã diễn ra thành công tốt đẹp dưới sự chủ trì của Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Chia sẻ với báo giới sau khi kết thúc cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam
Hồ Đức Phớc khẳng định: KTNN Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASOSAI đã và đang từng bước nỗ lực thực hiện vai trò dẫn dắt, lãnh đạo ASOSAI trong thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2018-2021 và các cam kết trong Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường, kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững.
Thưa Tổng Kiểm toán nhà nước, ông có thể cho biết những kết quả hoạt động của KTNN Việt Nam sau nửa nhiệm kỳ giữ vai trò Chủ tịch ASOSAI 14? Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55 có ý nghĩa như thế nào đối với ASOSAI nói chung và các SAI thành viên nói riêng trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Á như hiện nay?
Sau gần 2 năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASOSAI, KTNN Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong lãnh đạo và dẫn dắt Ban điều hành (BĐH) ASOSAI và các SAI thành viên đạt được những giá trị chung nhất theo Kế hoạch chiến lược (KHCL) của ASOSAI đã được đề ra trong Đại hội 14; đặc biệt là việc thực hiện những cam kết trong Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Cụ thể, ngoài việc nhìn lại những hoạt động đã triển khai kể từ sau Cuộc họp BĐH lần thứ 54, các thành viên BĐH cũng đã thảo luận và thống nhất nhiều vấn đề nghị sự quan trọng của ASOSAI như: Hoạt động phát triển năng lực và sự hợp tác của ASOSAI với các tổ chức khu vực; Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn 2022-2027; Kế hoạch hoạt động của Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường giai đoạn 2020-2022 với 02 cuộc kiểm toán hợp tác về giao thông bền vững và việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, 01 Đề án nghiên cứu về biến đổi khí hậu.
BĐH cũng đã thống nhất tiếp tục gia hạn nhiệm kỳ của Tổng thư ký ASOSAI (SAI Trung Quốc) giai đoạn 2021-2024.
Cuộc họp BĐH lần thứ 55 tổ chức tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp, toàn bộ 24 chương trình Nghị sự của BĐH đã được đưa ra thảo luận và biểu quyết thông qua với sự nhất trí cao của các thành viên BĐH.
Đặc biệt, tại cuộc họp này, các SAI thành viên đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề mới, trong đó có việc thành lập Nhóm công tác của ASOSAI về thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đây là một trong những quyết định có tính tiên phong của ASOSAI, 1 trong 7 Nhóm làm việc khu vực của INTOSAI (Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán Tối cao) để triển khai thực hiện mục tiêu chiến lược của INTOSAI về phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, BĐH đã thảo luận, chia sẻ nhiều sáng kiến, cách thức, phương pháp và hành động để hỗ trợ các SAI thành viên ứng phó với đại dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, Ban điều hành đã đề xuất thành lập Nhóm quản lý những vấn đề mới nổi liên quan đến các đại dịch, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang diễn ra. Điều này khẳng định trách nhiệm, năng lực và vai trò ngày càng cao của ASOSAI nói chung và các SAI thành viên nói riêng trong việc giải quyết những vấn đề mới nổi của khu vực.
Có thể nói, trước tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, ASOSAI nói chung và các SAI nói riêng đã chủ động điều chỉnh hoạt động theo hướng đưa công nghệ thông tin vào việc tổ chức các cuộc họp, hội thảo, đào tạo. Điều này giúp các hoạt động được diễn ra đúng kế hoạch, hiệu quả, đồng thời cho thấy cách ứng phó linh hoạt, chủ động của ASOSAI và các SAI thành viên trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Xin Tổng Kiểm toán nhà nước có thể cho biết, KTNN Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASOSAI đã triển khai những sáng kiến và hành động gì để thực hiện Tuyên bố Hà Nội?
Sau gần 2 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo, dẫn dắt 47 SAI thành viên ASOSAI, đặc biệt là với 12 SAI thành viên trong BĐH trong việc thực hiện thành công các mục tiêu của KHCL giai đoạn 2018-2021; các cam kết trong Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường, kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững.
Đặc biệt, Cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 54 vào tháng 7/2019 tại Kuwait đã chính thức thông qua Đề xuất thực hiện Tuyên bố Hà Nội do KTNN Việt Nam - Chủ tịch ASOSAI khởi xướng; thành lập Ủy ban đặc biệt nghiên cứu việc thành lập Nhóm làm việc của ASOSAI về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đây là đề xuất tiên phong của ASOSAI trong cộng đồng INTOSAI, góp phần thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội. Kế hoạch hoạt động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực đã được Ủy ban hoàn thiện và thông qua tại Cuộc họp BĐH ASOSAI lần thứ 55 vừa diễn ra. Tại cuộc họp BĐH 55, Nhóm công tác ASOSAI về thực hiện SDG đã chính thức được thành lập với 1 kế hoạch hành động toàn diện đến năm 2030.
Đồng thời, theo Tuyên bố Hà Nội, KTNN Việt Nam thực hiện vai trò chủ trì cuộc kiểm toán hợp tác về kiểm toán môi trường của ASOSAI tại khu vực Đông Nam Á. Cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch hoạt động của Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của ASOSAI giai đoạn 2020-2022. Với vai trò là SAI chủ trì đề xuất và tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán, KTNN Việt Nam đã báo cáo Đề cương triển khai cuộc kiểm toán tại Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán Tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) lần thứ 5 diễn ra vào tháng 11/2019 tại Malaysia và cuộc kiểm toán được đưa vào Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Chia sẻ kiến thức ASEANSAI giai đoạn 2019-2021.
Đặc biệt, KTNN đã có sáng kiến đề nghị BĐH ASOSAI biểu quyết thông qua chương trình kiểm toán hợp tác về môi trường của ASOSAI tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2020-2021 với đề chủ đề “Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”. Đây là sáng kiến nhằm kiến nghị Chính phủ các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông quản lý nguồn nước, đảm bảo cho hàng trăm triệu cư dân có cuộc sống bền vững và sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường đối với sự phát triển bền vững của quốc gia và khu vực, đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của KTNN Việt Nam đối với vấn đề bảo vệ môi trường, KTNN Việt Nam đã và đang tập trung nguồn lực để thực hiện kiểm toán môi trường với chủ đề đa dạng từ quản lý rừng, đất đai, nước sạch đến quản lý chất thải, khai thác khoáng sản, chuyến hóa carbon thấp... Kiểm toán môi trường cũng được KTNN chú trọng đưa vào Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Ngoài ra, KTNN Việt Nam cũng đã khởi xướng và chủ trì thực hiện phim tài liệu “ASOSAI vì sự phát triển bền vững” dự kiến trình chiếu tại Đại hội ASOSAI lần thứ 15 năm 2021 tại Thái Lan; gửi Báo cáo và video clip “KTNN Việt Nam: Kiểm toán môi trường vì một hành tinh xanh” tham gia Giải thưởng “Tầm nhìn xanh” do Nhóm công tác Kiểm toán môi trường của ASOSAI tổ chức, với mục tiêu khuyến khích và thúc đẩy vấn đề bảo vệ môi trường và hoạt động kiểm toán môi trường trong cộng đồng ASOSAI theo nhiều tiêu chí: Tích cực, sáng tạo, đổi mới công nghệ, chú trọng các mục tiêu phát triển bền vững và có nhiều đóng góp trong khu vực.
Có thể nói, với những sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực, KTNN Việt Nam cùng với các SAI thành viên đã và đang thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội cũng như các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu. Việc thực hiện tốt trách nhiệm này sẽ giúp cho KTNN Việt Nam hoàn thành sứ mệnh, vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.
Xin Tổng Kiểm toán nhà nước chia sẻ rõ hơn về cuộc kiểm toán chung với chủ đề “Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”?
Hiện nay, thế giới và khu vực tiếp tục phải đối mặt với những thách thức to lớn về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều vùng đất thuộc lưu vực sông Mê Kông ở vùng hạ nguồn liên tục phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh nguồn nước và chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng gia tăng hạn hán, ngập mặn, sạt lở đất, triều cường… do biến đổi khí hậu, lượng mưa ít, dòng chảy bị sụt giảm.
Sông Mê Kông là 1 trong 12 con sông lớn nhất thế giới với chiều dài gần 5.000 km chảy qua 6 quốc gia: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, cho nên, những tác động của việc quản lý nguồn nước lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến dân sinh cũng như việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Chẳng hạn, việc gia tăng xây dựng thủy điện ở thượng nguồn để khai thác sử dụng nước trên các sông nhánh và dòng chính sông Mê Kông cũng là nguyên nhân cơ bản làm dòng chảy thay đổi, ảnh hưởng đến hạ lưu. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam.
Xuất phát từ thực tế đó, với cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và là thành viên tích cực của Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của ASOSAI (ASOSAI WGEA), KTNN Việt Nam đề xuất thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác về chủ đề liên quan đến nguồn nước lưu vực sông Mê Kông giai đoạn 2020-2021. Cuộc kiểm toán được kỳ vọng sẽ mang lại những phân tích, đánh giá và giải pháp mang tính bền vững nhằm cải thiện môi trường sống của các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông.
Do đó, sau khi xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, KTNN Việt Nam đã đề xuất với các SAI thành viên ASOSAI, đặc biệt là các thành viên BĐH ủng hộ việc đưa ra quyết nghị kiểm toán quản lý nguồn nước sông Mê Kông. Khi đưa ra vấn đề này, KTNN Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của các SAI Myanmar và Thái Lan. Tại Cuộc họp BĐH ASOSAI lần thứ 55 này, sau quá trình thảo luận, 12 thành viên trong BĐH và 2 SAI quan sát viên đều đã ủng hộ, thống nhất thông qua việc thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác này. Chúng tôi hy vọng, dưới sự chủ trì của KTNN Việt Nam, cuộc kiểm toán hợp tác được kỳ vọng đem lại những phân tích, đánh giá và giải pháp mang tính bền vững, góp phần đấu tranh cho vấn đề dòng nước sông Mê Kông, giúp các nước ở lưu vực sông nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sử dụng và quản lý hiệu quả, bền vững nguồn nước. Đặc biệt là tài nguyên nước chảy qua địa phận của nhiều quốc gia, từ đó nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sống và an sinh xã hội của cư dân thuộc địa phận nguồn nước chảy qua.
Đây cũng sẽ là dịp để tăng cường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các SAI thành viên, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng SAI và cả cộng đồng ASOSAI trong quá trình giải quyết các thách thức về môi trường toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của ASOSAI và mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Do tác động của dịch COVID-19, cuộc họp khởi động thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác dự kiến sẽ được tổ chức vào quý IV/2020 theo hình thức trực tuyến. Các hoạt động còn lại như: Tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho các SAI tham gia, thực hiện kiểm toán sẽ được tổ chức vào năm 2021.
Đặc biệt, sau khi kết thúc cuộc kiểm toán hợp tác, một hội thảo quy mô khu vực châu Á sẽ được tổ chức với sự tham gia của các SAI thành viên ASOSAI, các tổ chức, học viện nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững cũng như các chuyên gia quốc tế hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực này. Đây không chỉ là dịp để các SAI chia sẻ kết quả, kiến nghị của cuộc kiểm toán hợp tác mà còn là cơ hội để các thành viên ASOSAI trao đổi kinh nghiệm quốc tế và các thông lệ tốt về kiểm toán môi trường, kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững./.
Diệu Thúy