Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Tổ chức kiểm toán chuyển giá các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI”

(sav.gov.vn) - Chiều 03/9/2020, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Tổ chức kiểm toán chuyển giá các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI” do TS. Nguyễn Mạnh Cường - Vụ Tổ chức cán bộ và TS. Nguyễn Tuấn Trung - KTNN chuyên ngành VII đồng chủ nhiệm. GS. TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Báo cáo trước Hội đồng, TS. Nguyễn Mạnh Cường cho biết, cùng với sự phát triển của quá trình toàn cầu hóa, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng nhanh đóng góp vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Để đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận các công ty liên kết thường sử dụng chuyển giá như một công cụ hữu hiệu trong việc tránh thuế, trốn thuế nhằm nâng cao lợi ích. Tại Việt Nam, chuyển giá là một trong những vấn đề mới nhưng mật độ xuất hiện ngày càng tăng do khối lượng giao dịch có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều. Hiện tượng chuyển giá không chỉ gây thiệt hại cho chính phủ nước chủ nhà do bị thất thu thuế, giảm phần lợi nhuận của bên góp vốn từ nước chủ nhà do giá trị góp vốn thấp, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại quốc tế, là một trong những nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Với vai trò là cơ quan độc lập trong việc kiểm tra, giám sát Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công thì kiểm toán thuế để chống thất thu ngân sách Nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện của KTNN. Thông qua việc nghiên cứu đề tài “Tổ chức kiểm toán chuyển giá các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI”, Ban đề tài đã tìm hiểu, phân tích về kiểm soát của Nhà nước về chuyển giá nói chung và tổ chức hoạt động kiểm toán đối với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nói riêng, để nghiên cứu, đề ra một số giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán đối với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nhằm chống thất thu ngân sách Nhà nước và đảm bảo lợi ích quốc gia.
 


Đề tài được xây dựng với kết cấu gồm 3 chương: Chương 1 - Tổng quan về tổ chức kiểm toán chuyển giá các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam; Chương 2 - Thực trạng công tác kiểm toán chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; Chương 3 - Hoàn thiện tổ chức kiểm toán chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam.

Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu đánh giá: Việc nghiên cứu đề tài “Tổ chức kiểm toán chuyển giá các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI” là cần thiết trong việc chống gian lận, thất thu thuế, tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, đống thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả năng lực hoạt động của các cơ quan thuộc hệ thống kiểm soát nhà nước, trong đó có KTNN. Các ý kiến cho rằng, đề tài đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về chuyển giá, vai trò của kiểm soát Nhà nước trong hoạt động chuyển giá và tổ chức kiểm toán chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam; đánh giá được thực trạng hệ thống văn bản quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; phân tích thực trạng hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và kết quả kiểm toán của KTNN liên quan đến hoạt động chuyển giá. Từ đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam.

Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Chủ nhiệm nên bám sát vấn đề tổ chức kiểm toán chuyển giá, đồng thời cần xác định rõ phạm vi tổ chức kiểm toán của KTNN để phù hợp với thực tiễn và nội dung đề tài. Ban đề tài cần xác định rõ hơn các vấn đề cốt lõi liên quan đến tổ chức kiểm toán chuyển giá, bao gồm: Đối tượng, nội dung kiểm toán phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của KTNN theo luật định; Phương pháp kiểm toán, trong đó đặc biệt chú trọng đến các phương pháp, thủ tục phân tích dựa trên cơ sở dữ liệu số lớn có xét đến các nhân tố tác động như vị trí chức năng, quy mô, cách thức hoạt động, rủi ro…

Đối với Chương II, Ban đề tài cần xem xét một số thực trạng quy định pháp luật; công tác quản lý, kiểm soát, phòng chống chuyển giá; thực tiễn thực hiện kiểm toán các doanh nghiệp FDI để có những đánh giá, chỉ rõ hạn chế và đưa ra các giải pháp có tính khả thi. Xem xét trình bày rõ hơn thực trạng tổ chức kiểm toán, đồng thời rà soát đảm bảo tính logic, đồng bộ giữa lý luận, thực trạng, hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất giải pháp. Ngoài ra, cần phân tích cụ thể hơn về kinh nghiệm quốc tế trong công tác kiểm toán hoạt động chuyển giá.

Phần giải pháp tại Chương 3, Ban đề tài cần thận trọng hơn, lưu ý đến tính khả thi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của KTNN theo Luật định.

Kết luận tại buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên đánh giá cao công tác tổ chức nghiên cứu của Ban Chủ nhiệm đề tài; đề nghị Ban Chủ nhiệm nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của các thành viên trong Hội đồng để hoàn thiện đề tài. Theo đó, cần làm rõ cách nhận diện các hình thức và biểu hiện của chuyển giá; chỉ ra cách phát hiện chuyển giá; phương pháp kỹ thuật để tìm bằng chứng khi kiểm toán chuyển giá; đi sâu vào xác định mục tiêu, đối tượng, phạm vi và phương pháp kiểm toán; phân tích rõ thực trạng tổ chức kiểm toán, thực trạng quy định pháp luật về chuyển giá đề từ đó xác định nguyên nhận, hạn chế và tìm giải pháp khả thi cho hoạt động kiểm toán; đưa ra đề xuất về tổ chức chuyên đề kiểm toán theo hướng độc lập phạm vi từng đơn vị/toàn Ngành hoặc lồng ghép vào các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính…

Đề tài xếp loại Xuất sắc./.

Minh Thúy