Kinh tế - xã hội vẫn duy trì được đà phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc
Ngay đầu phiên họp, Chính phủ đã dành một phút mặc niệm, chia sẻ sâu sắc những đau thương, mất mát to lớn về người và tài sản của đồng bào, người dân, sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ do bão lũ lịch sử gây ra ở miền Trung.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tháng 10 vừa qua đã xảy ra bão lũ liên tục, “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, gây thiệt hại rất lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân. Đến nay, đã có tới 230 người đã mất, trong đó có nhiều cán bộ, sĩ quan quân đội và công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Vẫn còn nhiều đồng bào gặp nạn ở biển khơi, bị núi lở vùi lấp ở miền núi xa xôi, chưa được tìm thấy.
Đánh giá cao các lực lượng chức năng, quân đội, công an đã tích cực tham gia các đợt cứu hộ, cứu nạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các cấp, các ngành đã có nhiều biện pháp cứu hộ, cứu nạn quyết liệt, kịp thời sơ tán 1,3 triệu dân đến nơi an toàn; đã thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban tại Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Nam. Trong bão lũ, càng khó khăn chúng ta càng thấy rõ sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của cả dân tộc; tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào, đồng chí hướng về miền Trung ruột thịt.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình bão lũ, đưa ra các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả; khẳng định Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa các tỉnh gặp khó khăn trong khả năng nguồn lực cho phép; yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức các lực lượng hỗ trợ cần thiết; các cấp, các ngành, nhất là lực lượng quân đội, công an, các địa phương Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế tiếp tục tập trung cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm những người còn đang mất tích, bị đất đá chôn vùi, ngư dân bị mất liên lạc; tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão lũ, nhanh chóng đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Đồng thời, không để dịch bệnh xảy ra sau bão lũ, nhất là dịch tả, cúm mùa… Cả nước, đặc biệt các vùng bị thay đổi lớn về sinh hoạt do bão lũ, cần hết sức lưu ý đề phòng dịch COVID-19 quay trở lại.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai sớm tổng hợp, đề xuất Chính phủ những biện pháp hỗ trợ đối với các địa phương bị thiệt hại nặng nề, như hỗ trợ về sản xuất, an sinh… tạo sinh kế cho người dân, không để người dân bị thiếu đói; có biện pháp không để các loại vật liệu như tôn, ngói, xi măng… người dân vùng lũ cần mua lại không có hoặc bị đẩy giá lên cao. Thủ tướng nhất trí việc hỗ trợ một khoản tiền cần thiết cho những hộ dân có nhà bị sụp đổ, hư hỏng nặng; yêu cầu Bộ Tài chính sớm thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời hỗ trợ cho các địa phương. Ngành ngân hàng thực hiện việc giảm, giãn, hoãn, xóa những khoản nợ theo quy định của pháp luật đối với vùng bị thiệt hại bởi thiên tai. Bộ Công Thương bảo đảm về giá cả, cung cấp điện cho người dân. “Để thể hiện tình cảm yêu quý, tình tương thân tương ái của nhân dân hai miền Nam-Bắc đối với nhân dân miền Trung, chúng ta phải tăng sức sản xuất, phải làm gấp đôi, gấp ba, quyết liệt hơn để bù đắp sự tổn thất, mất mất của nhân dân miền Trung”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cho rằng, cùng với đại dịch COVID-19, mưa lũ lịch sử trong tháng 10/2020 đã ảnh hưởng tiêu cực và gây thiệt hại nặng đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với các tỉnh miền Trung. Song với sự chỉ đạo điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020 nhìn chung vẫn duy trì được đà phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn các tháng gần đây. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 chỉ tăng 0,09% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020; tính chung 10 tháng năm 2020, CPI bình quân tăng 3,71% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, thị trường chứng khoán tiếp tục chuyển biến tích cực. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, tính chung 10 tháng xuất siêu ước đạt mức kỷ lục, 18,72 tỷ USD. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, trong 10 tháng giải ngân trên 321,5 nghìn tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 54,69%) .
Công tác bảo đảm an sinh xã hội được chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt. Trước tình hình bão lụt nghiêm trọng tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ, cung cấp lương thực, phương tiện… kịp thời cứu trợ khẩn cấp cho người dân; xử lý môi trường, hạn chế tối đa ô nhiễm và khả năng dịch bệnh sau thiên tai; nhân dân cả nước kịp thời chung tay cùng các cấp, các ngành chia sẻ, hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng giảm bớt khó khăn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2020 còn có nhiều điểm cần đặc biệt lưu ý, trong đó nổi lên là nền kinh tế đã có sự phục hồi nhưng còn chưa đồng đều, có sự khác biệt lớn giữa các ngành, lĩnh vực; qua số liệu thống kê về tình hình đăng ký doanh nghiệp và hoạt động doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng rất trực diện và lâu dài của đại dịch COVID-19; tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài vẫn ở mức thấp; tình hình thiên tai, bão lụt diễn biến phức tạp, trực tiếp đe dọa đến tính mạng, tài sản, đời sống người dân và làm gián đoạn các hoạt động kinh tế-xã hội, đây là một trở ngại lớn mà đất nước ta phải đối mặt, ứng phó.
Tăng tốc 2 tháng cuối năm, chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch năm 2021
Kết luận phiên họp thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định, công tác phòng chống bão lũ thời gian qua được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã chung sức, đồng lòng chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ, sạt lở ở miền Trung nhưng do bão lũ lịch sử, xảy ra liên tục, “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, nên đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.