Quốc hội thảo luận tại Tổ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch phát triển trong những năm tiếp theo

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 02/11/2020, tại Hà Nội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ các báo cáo của Chính phủ đối với tình hình kinh tế-xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển những năm tiếp theo.

Tại phiên thảo luận ở Tổ, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: Phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch: Đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

Nêu rõ bối cảnh rất khó khăn của năm nay do đại dịch Covid - 19 và lũ lụt lịch sử, nhiều vị đại biểu Quốc hội ở các tổ thảo luận đánh giá cao sự điều hành quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ, điểm sáng nổi bật là kinh tế vẫn tăng trưởng dương, 8/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao đã đạt và vượt.
 
Việt Nam là một trong hai nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng dương
Tại phiên thảo luận của tổ 9, gồm các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Gia Lai, Lạng Sơn và Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng) nhấn mạnh sự linh hoạt trong điều hành thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Giai đoạn 1, khi dịch bệnh bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, Việt Nam đã thực hiện quyết liệt giãn cách xã hội, “chống dịch như chống giặc” và đây là biện pháp cần thiết, nếu chậm trễ sẽ rất nguy hại. Giai đoạn 2, sau hơn 90 ngày không có dịch, Việt Nam tái bùng phát dịch tại Đà Nẵng. Trong giai đoạn 2, phương thức chỉ đạo có khác, Việt Nam ưu tiên chống dịch song song với phục hồi, và phát triển kinh tế xã hội. "Nếu làm theo cách cũ thì kinh tế đã âm, chỉ đạo là quan trọng, ưu tiên chống dịch nhưng phải lo phát triển kinh tế. Thế giới đánh giá cao cách làm của Việt Nam" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý không thể chủ quan trong chống dịch, nếu chủ quan sẽ mắc sai lầm lớn, vì Covid- 19 có thể xuất hiện trở lại bất cứ lúc nào. Việt Nam quyết định chưa thể đón khách du lịch quốc tế vì dịch bệnh phức tạp, không thể kiểm soát. Nếu tình hình bình thường như các năm, Việt Nam đón 21 triệu khách quốc tế, thu hơn 60 tỷ USD, còn năm nay gần như bằng không. Việt Nam chấp nhận thiệt hại để bảo vệ sức khỏe nhân dân, kiểm soát dịch bệnh. Năm 2021, vẫn tiếp tục kiểm soát tình hình mạnh mẽ hơn, không thể chủ quan, lơ là. Theo Thủ tướng, cũng có ý kiến phản đối việc "đóng cửa" với du lịch, nhưng quan điểm của người đứng đầu Chính phủ là không thể không hạn chế.

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và những cách làm sáng tạo, Việt Nam là một trong hai nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng dương. Trong ASEAN Việt Nam là nước duy nhất tăng trưởng dương. Năm 2019, quy mô kinh tế Việt Nam đã vượt Malaysia và năm 2020 vượt Singapore. Nếu có quyết tâm, khát vọng chúng ta có thể vượt Thái Lan trong tương lai. Đầu nhiệm kỳ, Việt Nam có 20 tỷ USD dự trữ nhưng cuối nhiệm kỳ có hơn 90 tỷ USD. Đầu tư xã hội chiếm 34% GDP. 60 nhà máy chế biến lớn đã được xây dựng trong 5 năm qua, khắc phục cơ bản tình trạng “được mùa rớt giá”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ năm 2019, Việt Nam hụt thu ngân sách gần 200.000 tỷ đồng, chủ yếu do tác động của dịch bệnh, đặc biệt là những địa phương có tỷ trọng du lịch, dịch vụ lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam. Rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, người dân mất việc làm...
 
Cần lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch chiến lược phát triển cho 2021 và cho những năm sắp tới
Thảo luận tại Tổ số 11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, Bình Phước, Bến Tre và Tp.Cần Thơ tán thành với các kết quả đạt được về kinh tế xã hội của năm 2020 và cả nhiệm kỳ, cho rằng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này đã đánh giá tương đối toàn diện các vấn đề đặt ra trong các Nghị quyết của Quốc hội, đánh giá thẳng thắn, nhận rõ trách nhiệm. Các đại biểu chia sẻ và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ thời gian qua sâu sát quyết liệt và đầy trách nhiệm, cùng với địa phương thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 

Phiên thảo luận tại Tổ 11

Các đại biểu cũng cho rằng một số chỉ tiêu của năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 chưa đạt theo kế hoạch là do nhiều nguyên nhân như tác động của dịch bệnh Covid-19, lũ lụt, hạn mặn… Thực tế giám sát cho thấy năm qua cả nước phải oằn mình để chống chịu nhiều vấn đề dẫn đến kéo giảm nhịp phát triển. Bên cạnh đó còn là tình trạng tham nhũng lãng phí còn lớn, việc giải quyết hậu các dự án thua lỗ chưa hiệu quả. Hậu quả nặng nề của bão lụt tại miền Trung những ngày qua cũng tác động đến tâm lý người dân, do đó, cần có chỉ đạo về việc khắc phục khẩn cấp hậu quả của thiên tai lũ lụt, huy động mọi nguồn lực, và sau đó cần xem xét trách nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) nhận định: Chưa năm nào như năm nay, từ đầu năm đến nay tình hình thiên tai diễn biến rất khác thường do chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Chúng ta chứng kiến diễn ra 16 loại hình thiên tai. Đã có 9 cơn bão trên biển Đông và chuẩn bị cơn bão số 10 - siêu bão Goni. Trên cả nước đã có 263 trận giông lốc, 15 trận lũ lớn gây sạt lở đất, 72 trận mưa lớn gây ngập úng, 49/63 tỉnh, thành phố đều chịu thiên tai các loại. Đặc biệt, đã có 79 trận động đất ở Việt Nam, trong đó trận gần đây nhất tại Mộc Châu là 5,3 độ Richte...

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Trung ương, Chính phủ, các cơ quan liên quan, bộ, ban ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong công tác phòng chống thiên tai. Tại kỳ họp này khi bàn về tình hình kinh tế - xã hội, Quốc hội cần bàn giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai của các tỉnh miền Trung, trong kế hoạch ngân sách 2020-2021 phải dành nguồn lực phân bổ ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương, phải gắn với thực tế để xem xét.

Về các biện pháp lâu dài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo rà soát lại tất cả các kịch bản về ứng phó với biến đổi khí hậu, để điều chỉnh, nâng cao chất lượng dự báo thiên tai. Đồng thời, phải đánh giá nguy cơ tổn thương do thiên tai  để chuẩn bị nguồn lực ứng cứu. “Phải lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch chiến lược phát triển cho 2021 và cho những năm sắp tới” – Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ) cho rằng từ thực tiễn miễn Trung cho thấy đã đến lúc phải mời chuyên gia xem xét, đánh giá lại các tác động của con người ảnh hưởng đến các yếu tố nội sinh gây ra sạt lở, lũ lụt. Cần có nhìn nhận sâu về vấn đề này và Quốc hội phải rung hồi chuông cảnh báo cho Chính phủ không để xảy ra hậu quả nghiêm trong trong tương lai.
 
Phải đánh giá minh bạch về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19
Cho ý kiến về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, tại phiên thảo luận của Tổ 3, đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đánh giá cao sự điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp nhưng các chỉ tiêu cơ bản của nền kinh tế vẫn ổn định. Nhân dân, cử tri đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Để tiếp tục giữ vững kết quả đạt được trong bối cảnh dịch bệnh Covid diễn biến khó lường, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi, đó là kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đại biểu cho rằng đây là trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, không riêng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. "Một số đại biểu cho rằng trong khi tăng trưởng nhiều quốc gia trên thế giới giảm, có nước âm 6-7% thì tăng trưởng dương ở Việt Nam cho thấy sự cố gắng trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian tới, để duy trì tăng trưởng, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng miền, nội vùng; chú trọng đầu tư giao thông đường sắt, đường biển để tạo điều kiện cho giao lưu hàng hóa giữa các địa phương phát triển"- đại biểu nêu ý kiến.

Cho ý kiến về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH tp. Đà Nẵng) cho biết, sau nửa năm triển khai, kết quả giải ngân đạt rất thấp. Kết quả khảo sát nắm bắt tình hình thực hiện gói hỗ trợ này của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, tại Hà Nam, trong 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ, chỉ có nhóm đối tượng thứ 5 là người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đã nhận được đầy đủ. Còn việc hỗ trợ đối với các nhóm còn lại kết quả gần như bằng 0. Tại tỉnh Phú Yên và Quảng Ngãi qua khảo sát cũng cho kết quả tương tự.

Tập hợp ý kiến cử tri trước Kỳ họp thứ 10 của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phản ánh việc triển khai gói 62 nghìn tỷ trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, bất hợp lý, thủ tục kê khai rườm rà, phức tạp, việc hướng dẫn các đối tượng kê khai thông tin để được hỗ trợ chưa cụ thể, dẫn tới việc thực hiện vấn đề này dẫn tới việc hỗ trợ sót đối tượng và dễ tạo kẽ hở để bị lợi dụng hoặc bị trục lợi.

Bên cạnh đó, đánh giá của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã phản ánh thực tế nhiều doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận nguồn vốn vì có quá nhiều điều kiện khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn, quy trình, thủ tục còn phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi. Trong khi đó, kết quả khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp đang lâm vào cảnh điêu đứng. Nếu thực hiện các chính sách hỗ trợ không kịp thời, doanh nghiệp có thể ở trong tình trạng “chết lâm sàng” gây ảnh hưởng rất lớn tới cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, tại Kỳ họp này, Chính phủ vẫn chưa có đánh giá cụ thể về gói hỗ trợ này. "Tại sao trong thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn nhất thì thủ tục lại phức tạp, rườm rà; trong quá trình thực hiện thấy khó khăn vương mắc tại sao không kịp thời tháo gỡ, điều này cho thấy sự phản ứng chính sách của cơ quan chức năng vẫn còn chậm chạp"- đại biểu đặt câu hỏi.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan chức năng cung cấp thông tin chi tiết và đánh giá minh bạch, rõ ràng về gói hỗ trợ cho đại biểu Quốc hội có thêm thông tin để giám sát./.

M Thúy