Cuộc họp còn có sự tham dự của các khách mời của ACCA gồm đại diện của các Cơ quan Kiểm toán tối cao, Bộ tài chính, cơ quan tổ chức Chính phủ, doanh nghiệp toàn cầu của một số quốc gia trên thế giới.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự giới thiệu về cơ quan, tổ chức và vai trò trong đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia. KTNN Việt Nam có bài tham luận quan trọng với chủ đề “Kiểm toán nhà nước và các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa trình bày.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam, KTNN với vai trò là cơ quan hiến định độc lập với chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, có trách nhiệm kiểm toán và giúp Quốc hội và Chính phủ kiểm tra, kiểm soát và giám sát công tác quản lý và bảo vệ môi trường, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; từ đó, phát hiện ra những bất cập, hạn chế và đưa ra kiến nghị, biện pháp khắc phục nhằm chấn chỉnh, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, minh bạch hóa, góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Kể từ khi Việt Nam ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” vào năm 2017, KTNN đã tiến hành các cuộc kiểm toán hoạt động và kiểm toán môi trường có chủ đề liên quan đến một hoặc nhiều mục tiêu phát triển bền vững như: Cuộc kiểm toán hoạt động “Việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy của TP. HCM theo Đề án của Chính phủ” năm 2018; Năm 2019, cuộc kiểm toán “Hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính”; cuộc kiểm toán “Hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Nhìn chung, kết quả kiểm toán đã nêu bật những bất cập, hạn chế của hệ thống quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong một số lĩnh vực chuyên môn sâu, đặc biệt là lĩnh vực môi trường và các mục tiêu phát triển bền vững; đánh giá tương đối toàn diện về ưu điểm, hạn chế, phân tích nguyên nhân và đánh giá tác động của những hạn chế, kiến nghị khả thi đối với một số vấn đề nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm. Qua đó đã nhận được sự đồng thuận cao từ các đơn vị được kiểm toán, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước, tăng cường trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của các cơ quan quản lý Nhà nước, gia tăng lợi ích xã hội; đồng thời góp phần tăng uy tín của KTNN, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của Quốc hội và công chúng.
Về kế hoạch hoạt động của KTNN gắn với các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, trong năm 2020, với cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN Việt Nam chủ trì và đề xuất thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” vào Kế hoạch chiến lược của ASOSAI giai đoạn 2020-2021 và thành lập Ủy ban đặc biệt nghiên cứu việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của ASOSAI. Cuộc kiểm toán hợp tác được thực hiện theo hình thức kiểm toán song song, do KTNN Việt Nam chủ trì và SAI Thái Lan và Mianma là thành viên tham gia. Cuộc kiểm toán dự kiến kiểm toán để đánh giá trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước lưu vực sông Mê Công và lồng ghép nội dung của mục tiêu phát triển bền vững. Cuộc kiểm toán dự kiến thực hiện trong năm 2021.
Trong thời gian tới, KTNN sẽ xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2021-2030 đối với kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường và kiểm toán chuyên đề về các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững; lồng ghép nội dung kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững trong các cuộc kiểm toán của KTNN Việt Nam theo hướng đánh giá tính thống nhất, kết nối của các cơ chế, chính sách và mức độ đóng góp của các hoạt động do đơn vị thực hiện vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Đồng thời, KTNN Việt Nam định hướng xây dựng các hướng dẫn và văn bản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm toán các nội dung này; tăng cường đào tạo, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để đạt được kết quả tốt nhất...
Kết thúc buổi họp, Trưởng Bộ phận phát triển bền vững ACCA toàn cầu Jimmy Greer đánh giá cao các phần giới thiệu của các thành viên tham dự, đặc biệt là bài tham luận của KTNN Việt Nam. “Các ý kiến chia sẻ thống nhất rằng, các Cơ quan Kiểm toán tối cao có vai trò rất quan trọng trong đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời khẳng định sự hợp tác của các cơ quan kiểm toán tối cao có ý nghĩa to lớn trong việc đưa ra các đánh giá giúp công khai, minh bạch hóa kết quả thực hiện các chương trình phát triển bền vững của các quốc gia” – Ông Jimmy Greer nhấn mạnh./.
Ngọc Bích