Vụ Pháp chế: Thẩm định tính pháp lý 202 dự thảo Báo cáo kiểm toán trong năm 2020
(sav.gov.vn) - Chiều 16/12/2020, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Vụ Pháp chế đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2021. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN và tập thể cán bộ, công chức của Vụ Pháp chế.
Theo dự thảo báo cáo tổng kết công tác năm 2020 do Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lại Xuân Nghị trình bày, trong năm 2020, Vụ Pháp chế đã tập trung triển khai thực hiện chương trình công tác và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực: Xây dựng pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Kiểm tra thực hiện văn bản, Thẩm định kiểm toán; Trả lời kiến nghị kiểm toán; Công tác kiểm toán…
Về công tác xây dựng pháp luật, năm 2020, Vụ đã chủ động theo dõi, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo văn bản triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Đồng thời, tích cực triển khai xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý được giao chủ trì soạn thảo theo Kế hoạch.
Về tham gia ý kiến xây dựng văn bản, trong năm, Vụ Pháp chế đã tham gia góp ý và thẩm định 104 lượt dự thảo văn bản trong và ngoài Ngành gửi lấy ý kiến, đảm bảo chất lượng tiến độ; cử công chức tham gia dự họp nhiều Hội đồng thẩm định xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đề nghị của Bộ Tư pháp.
Đặc biệt, Vụ đã chủ động, tích cực tham mưu cho Lãnh đạo KTNN phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia góp ý, dự các cuộc họp đối với các dự án Luật quan trọng có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); Luật Bảo vệ môi trường...; tham gia ý kiến vào các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật có liên quan như Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý thuế (sửa đổi)...
Toàn cảnh Hội nghị
Trongcông tác thẩm định Báo cáo kiểm toán, đến hết ngày 30/11/2020, Vụ đã tiếp nhận và thẩm định tính pháp lý 202 dự thảo Báo cáo kiểm toán (dự thảo BCKT) trước khi Lãnh đạo KTNN tổ chức xét duyệt theo quy trình lập, thẩm định và phát hành báo cáo kiểm toán của KTNN. "Công tác thẩm định Báo cáo kiểm toán đã từng bước đi vào chiều sâu, tập trung vào các vấn đề pháp lý, phức tạp được nêu trong Báo cáo kiểm toán. Các Báo cáo được các đơn vị và các Đoàn kiểm toán cơ bản tiếp thu ý kiến thẩm định, góp phần đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý của các đánh giá, nhận xét và tính khả thi của các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Nhiều ý kiến thẩm định được Lãnh đạo KTNN và đơn vị chủ trì kiểm toán đánh giá cao" - ông Lại Xuân Nghị nhấn mạnh.
Ông Lại Xuân Nghị cũng cho biết, từ tháng 10/2020, Vụ Pháp chế đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ thẩm định Kế hoạch kiểm toán theo quy định của KTNN tại Quyết định số 1367/QĐ-KTNN ngày 02/10/2020. Đến hết ngày 30/11/2020, Vụ đã thẩm định 08 Kế hoạch kiểm toán đảm bảo thời gian và chất lượng.
Trong công tác giải quyết khiếu nại, trả lời kiến nghị kiểm toán và tham gia hoạt động tố tụng trong hoạt động kiểm toán,tính đến hết ngày 30/11/2020, Vụ đã tham gia trả lời 61 kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán. Trong đó có nhiều kiến nghị quan trọng, phức tạp, nhiều kiến nghị tồn đọng từ nhiều năm trước liên quan đến quản lý, sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất, quản lý khai thác khoáng sản và thu phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế GTGT, thuế TNDN…
Trong năm, Vụ Pháp chế đã hoàn thành nhiệm vụ chủ trì kiểm toán đối với 02 cuộc kiểm toán gồm: Đoàn kiểm toán hoạt động Chương trình Nhà ở xã hội giai đoạn 2015 - 2019 quận 9, quận 12, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh; Đoàn kiểm toán dự án các công trình hạ tầng quy mô nhỏ thuộc Chương trình 135 năm 2018 của 5 tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh.
Bên cạnh đó, Vụ đã tổ chức kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2019 tại Báo cáo kiểm toán hoạt động chương trình nhà ở xã hội quận Long Biên huyện Thanh Trì, Đông Anh giai đoạn 2015-2018 theo quyết định được phê duyệt. Việc kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán các dự án công trình hạ tầng quy mô nhỏ thuộc chương trình 135 năm 2017 được thực hiện lồng ghép trong cuộc kiểm toán năm 2020. Kết quả kiểm tra thực hiện kiến nghị cho thấy các đơn vị nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của KTNN, trong đó 80,6% các kiến nghị xử lý tài chính đã được thực hiện.
Để thực hiện thành công kế hoạch công tác năm 2021, Vụ Pháp chế xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể trong từng lĩnh vực. Theo đó, trong công tác pháp luật, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; Tiếp tục đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp các luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; Nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo KTNN xây dựng và trình ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định.
Trong công tác thẩm định Kế hoạch kiểm toán, Báo cáo kiểm toán và trả lời kiến nghị kiểm toán:Hoàn thành nhiệm vụ thẩm định Kế hoạch kiểm toán và Báo cáo kiểm toán theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng và thời gian theo yêu cầu; Kịp thời tham mưu lãnh đạo KTNN trong việc xử lý kiến nghị về kết quả kiểm toán và những vấn đề khác liên quan đến nghiệp vụ kiểm toán theo sự phân công của Lãnh đạo KTNN...
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Chế độ &KSCLKT, KTNN chuyên ngành V, KTNN khu vực I đã phát biểu ý kiến, đánh giá về sự phối hợp công tác giữa Vụ Pháp chế với các đơn vị trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Thay mặt Lãnh đạo KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh biểu dương các thành tích Vụ Pháp chế đã đạt được trong năm 2020. Đặc biệt là việc tham gia cho ý kiến vào các văn bản, Luật, Nghị định, Thông tư của các Bộ, ngành cũng như việc tham gia các nội dung trong các dự Luật liên quan đến hoạt động kiểm toán. Các ý kiến tham gia của Vụ Pháp chế đã được Quốc hội xem xét bổ sung vào các điều khoản cụ thể của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); Luật Bảo vệ môi trường... "Sự tham gia ý kiến xây dựng văn bảnmột cáchtích cực, hiệu quả của Vụ Pháp chế, đã góp phần nâng cao vị thế của KTNN trước Quốc hội" - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định.
Cơ bản đồng tình với chương trình công tác năm 2021, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Vụ Pháp chế tiếp tục đẩy mạnh đôn đốc các đơn vị trực thuộc KTNN xây dựng các văn bản liên quan đến việc triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015, để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống. Ngoài ra, với vai trò là đơn vị chuyên môn về lĩnh vực pháp luật của KTNN, Vụ Pháp chế cần luôn trong tư thế sẵn sàng là đơn vị tham mưu về lĩnh vực pháp luật, đi sâu vào thẩm định kế hoạch báo cáo kiểm toán về khía cạnh pháp luật cho các đơn vị trực thuộc KTNN. Quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng để các cán bộ, công chức nắm vững, nâng cao kiến thức chuyên môn. Đồng thời, cần bám sát hơn nữa trong quá trình soạn thảo các luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến hoạt động kiểm toán...
Thay mặt Vụ Pháp chế, Vụ Trưởng Vũ Thanh Hải trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo KTNN nói chung và Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh nói riêng. Đồng thời khẳng định, với sự tin tưởng của Lãnh đạo KTNN, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị có liên quan, trong năm 2021, Vụ Pháp chế sẽ khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.