(sav.gov.vn) - Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tính chung năm 2020, GDP tăng 2,91%, cụ thể: Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đây được coi là mức tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,4%, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 3,36% so với năm 2019, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82%, giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế; Số doanh nghiệp thành lập mới là 134.940 doanh nghiệp, giảm 2,3% so với năm trước nhưng có số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,6%; Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 5,7%, mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; Nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%; Xuất siêu 19,1 tỷ USD, giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay; Khách quốc tế đến Việt Nam giảm 78,7%; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,23%; Lạm phát cơ bản tăng 2,31%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch COVID-19.
Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020, đây là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019.
Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19, bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2020 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động.
Bước sang năm 2021, các ngành, các cấp và các địa phương phải nhận thức đúng và đủ những khó khăn, thách thức trên chặng đường phía trước để kịp thời có giải pháp khắc phục, đồng thời chủ động tận dụng cơ hội nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo./.
Khánh Vy