(sav.gov.vn) - Theo Bộ Tài chính, đến hết ngày 28/12/2020, kết quả thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 1 triệu 426 nghìn tỷ đồng, bằng 94,32% dự toán, cao hơn hơn 101,4 nghìn tỷ đồng so với con số đã báo cáo Quốc hội. Hiện Bộ Tài chính vẫn đang chỉ đạo các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước phối hợp với các cấp, các ngành đôn đốc các khoản thu trên tinh thần thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định; tuyệt đối không động viên các doanh nghiệp nộp trước các khoản chưa đến hạn.
Bộ Tài chính cho biết, uớc thu NSNN cả năm 2020 sẽ đạt 1 triệu 472 nghìn tỷ đồng, bằng 98,3% dự toán, trong đó thu nội địa trên 98%, thu dầu thô 97,7%... cao hơn 148 đến 150 nghìn tỷ đồng so với con số thu dự kiến đã báo cáo Quốc hội từ tháng 8, tháng 9/2020.
Thu cân đối ngân sách Trung ương ước đạt 776 nghìn tỷ đồng, đạt 88,4% dự toán, cao hơn 51 nghìn tỷ đồng so với con số báo cáo Quốc hội.
Thu cân đối ngân sách địa phương ước vượt trên 40 nghìn tỷ đồng, bằng 106% dự toán, đến nay có 56/63 địa phương thu nội địa vượt dự toán được giao, cụ thể là các tỉnh trọng điểm gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu…; một số địa phương chưa hoàn thành dự toán như: TPHCM, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Quảng Ngãi… chỉ đạt mức thu NSNN từ trên 70-90% dự toán.
Bộ Tài chính nhận định: Trong điều kiện thu NSNN khó khăn vẫn bảo đảm nguồn thực hiện các khoản chi quan trọng theo dự toán, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, tỷ lệ giải ngân ước đến 31/12 đạt 82,8% dự toán. Trong đó vốn trong nước đạt 87%, vốn ngoài nước đạt 46%; khối Bộ, cơ quan Trung ương đạt 69,4%, địa phương đạt 86,7%. Bộ Tài chính đang phấn đấu đến hết ngày 31/01/2020, tỷ lệ giải ngân đạt 92-93%.
Về cân đối NSNN, nhờ thu ngân sách cao hơn và triệt để tiết kiệm các khoản chi, nên bội chi ngân sách năm nay ước bằng 4,1 - 4,2%GDP, thấp hơn so với mức đã báo cáo Quốc hội là 4,99% GDP. Tỷ lệ nợ công đến hết năm 2020 ước bằng 55 - 56% GDP.
Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước đã thực hiện tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước, tiết kiệm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm một khoản tài chính đáng kể cho NSNN.
Năm 2020, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất và triển khai thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 130 nghìn tỷ đồng, trong đó gia hạn khoảng 85 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm trên 27 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình kinh doanh.
Cũng trong năm, các cơ quan Thuế, Hải quan đã thực hiện 78,5 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 65,5 nghìn tỷ đồng, ước tính sẽ thu vào NSNN gần 20 nghìn tỷ đồng, hiện đã thu nộp trên 12 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 45,7 nghìn tỷ đồng, thu hồi 25,5 nghìn tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm 2019 chuyển sang...
Năm 2021, căn cứ vào tình hình thực tiễn, ngành Tài chính sẽ khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền các giải pháp ưu đãi, miễn giảm, giãn các khoản thuế, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thu hút các nguồn dịch chuyển vốn đầu tư phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn kế hoạch...
Bên cạnh đó, ngành Tài chính sẽ chủ động hơn nữa trong công tác quản lý NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu gian lận thương mại, xuất xứ, giao chỉ tiêu giảm nợ đọng thuế, trốn thuế 5%, phấn đấu tăng thu ngân sách tối thiểu 3% so với dự toán NSNN được giao…
Bộ Tài chính sẽ chủ động và yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục triệt để tiết kiệm các khoản hội họp, khánh tiết, công tác phí, hạn chế mua sắm xe ô tô và các trang thiết bị đắt tiền trong nhiệm vụ chi thường xuyên. Đặc biệt năm 2021 sẽ thực hiện không hỗ trợ chi thường xuyên đối với các đơn vị đã tự chủ toàn bộ kinh phí.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hoá DNNN, cơ cấu lại khu vực ngân hàng, xử lý dứt điểm các dự án đầu tư thua lỗ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN, tăng chi đầu tư phát triển, thực hiện cải cách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, điều chỉnh chuẩn nghèo...; quản lý chặt chẽ an toàn nợ công; nợ quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Được biết, ngay từ ngày 01/01/2021, 29 khoản phí, lệ phí sẽ tiếp tục được Bộ Tài chính giảm từ 50 – 100%, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19./.
Khánh Vy