Tại phiên họp, Chính phủ xem xét, thảo luận: Tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2020, nhiệm vụ năm 2021; báo cáo về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, về đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi), về Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025…
Tình trạng chậm, nợ văn bản giảm dần
Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, trong năm 2021, nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết của các Bộ là rất nặng, với 72 văn bản, trong đó có 47 văn bản quy định chi tiết thi hành 12 Luật, Nghị quyết sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. Ngoài ra, dự kiến các Bộ còn phải xây dựng 32 văn bản quy định chi tiết các Luật, Nghị quyết vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
Một số Luật giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng quy định chi tiết tương đối nhiều nội dung, thí dụ như: Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) với 40 nội dung giao quy định chi tiết; Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 30 nội dung giao quy định chi tiết; Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với 67 nội dung giao quy định chi tiết… Một số nội dung Luật giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng quy định chi tiết là những vấn đề mới, khó, phức tạp; nội dung chính sách chưa rõ hoặc thiếu định hướng cụ thể về chính sách dẫn đến kéo dài thời gian soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2020 nhìn chung các bộ tích cực triển khai tổ chức soạn thảo, trình các dự án Luật, pháp lệnh theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật, pháp lệnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; chất lượng các văn bản nhìn chung được nâng cao; tình trạng chậm, nợ văn bản giảm dần. Thủ tướng đánh giá, một số văn bản nợ do chờ chủ trương của các cấp có thẩm quyền hoặc nội dung phức tạp, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng thêm, cân nhắc thời điểm ban hành phù hợp.
Về công tác xây dựng pháp luật năm 2021, Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 43/CT-TTg về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. Đây là sản phẩm sau Hội nghị toàn quốc do Chính phủ tổ chức về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật được tổ chức ngày 24/11/2020.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chủ động phối hợp chỉnh lý các dự án Luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, tập trung soạn thảo, trình các dự án Luật thuộc chương trình xây dựng luật năm 2021.
Cho ý kiến vào các nội dung cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trong đó lưu ý làm rõ sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ giữa hai dự án Luật. Bộ Công an cần tiếp thu ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trong đó lưu ý về sự cần thiết ban hành, báo cáo Chính phủ xem xét, thảo luận cùng với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chỉ đạo sát sao việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền đối với các văn bản nợ ban hành.
Đồng ý chủ trương ban hành chuẩn nghèo mới
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày báo cáo tóm tắt về việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phấn đấu có thêm ít nhất 1.776 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn này, đưa tổng số xã đạt chuẩn lên 80% từ mức 62% hiện nay. Mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có hai đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến, tổng huy động thực hiện chương trình hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 25% so giai đoạn 2016-2020.