Tọa đàm Kinh nghiệm kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán

(sav.gov.vn) - Ngày 18/1/2021, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Kinh nghiệm kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán” dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ và Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm. Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo, công chức, Kiểm toán viên các đơn vị trực thuộc KTNN.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ khẳng định: Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13, năm cuối hoàn thành mục tiên Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2010-2020. Mặc dù trong nước có những ảnh hưởng phức tạp của đại dịch COVID 19 tác động toàn diện đến hoạt động kinh tế xã hội và công tác kiểm toán, song với tinh thần quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, KTNN đã hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác năm 2020 với nhiều kết quả nổi bật. Toàn ngành đã hoàn thành 284 cuộc kiểm toán và phát hành báo cáo kiểm toán trước ngày 31/12/2020, không có trường hợp nào vi phạm kỷ luật khi thực hiện nhiệm vụ. Tổng kiến nghị xử lý tài chính hơn 60.000 tỷ đồng trong đó kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN gần 19.000 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế 119 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý; chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; cung cấp 131 báo cáo  kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các Cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Cơ quan điều tra để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát, tổng hợp, báo cáo định kỳ về công tác phòng, chống tham nhũng. Nhiều cuộc kiểm toán đạt chất lượng cao với kết quả nổi bật trong đó có 16 cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng, 04 cuộc kiểm toán được khen thưởng đột xuất.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu khai mạc Tọa đàm

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của công tác kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán trong thời gian qua. Để nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán; phát huy và nhân rộng các phát hiện kiểm toán mới, nổi bật, KTNN tổ chức tọa đàm với chủ đề “Kinh nghiệm kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán” nhằm phổ biến những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt, đồng thời phản ánh những khó khăn, bất cập cùng giải pháp khắc những hạn chế tồn tại trong năm qua để làm tốt hơn trong năm tới. Để tọa đàm đúng trọng tâm và đạt kết quả cao, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các báo cáo viên và các đại biểu tham dự tập trung trao đổi, thảo luận về 04 nội dung: Trao đổi về những phát hiện kiểm toán mới, nổi bật tại các Đoàn kiểm toán cùng với kinh nghiệm tổ chức, quản lý hoạt động kiểm toán để đạt chất lượng cao; Những hạn chế, tồn tại trong tổ chức hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán cần phải khắc phục; Những bất cập, vướng mắc trong tổ chức hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán; Đề xuất các giải pháp tăng cường chất lượng kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán.
 
Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT Ngô Minh Kiểm phát biểu tại Tọa đàm

Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm và chia sẻ, tại buổi tọa đàm các đơn vị đã được nghe 09 tham luận gồm: 04 Báo cáo tổng hợp các phát hiện kiểm toán chủ yếu và kết quả KSCLKT của Vụ CĐ&KSCLKT thuộc các lĩnh vực (Ngân sách địa phương, Ngân sách Trung ương, Đầu tư - Dự án, Doanh nghiệp và các Tổ chức tài chính ngân hàng) và 05 Báo cáo Kinh nghiệm kiểm toán và KSCLKT của một số Đoàn kiểm toán đạt kết quả cao. Ngoài các tham luận, Tọa đàm cũng đã nhận được 03 lượt ý kiến trao đổi về kết quả kiểm toán và kiểm soát chủ yếu trong năm 2020.

Qua tham luận và thảo luận trực tiếp vào một số kết quả kiểm toán và kiểm soát chủ yếu cho thấy: Tất cả các cuộc kiểm toán có kết quả nổi bật trong năm 2020 là những cuộc kiểm toán đã triển khai các giải pháp đồng bộ, đổi mới để nâng cao chất lượng kiểm toán trong cả 3 giai đoạn. Kết quả chính của các cuộc kiểm toán được trình bày tại Tọa đàm hôm nay đều có KHKT tổng quát được lập trên cơ sở khảo sát thu thập thông tin đầy đủ, đánh giá đúng các rủi ro và xác định trọng yếu phù hợp; áp dụng đầy đủ các phương pháp, thủ tục kiểm toán để thu thập bằng chứng thích hợp nhằm đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị phù hợp và khả thi. Nhiều đơn vị đã đổi mới phương thức tổ chức kiểm toán; hoặc trong quá trình kiểm toán đã chủ động báo cáo Lãnh đạo KTNN những dấu hiệu sai phạm lớn, nghiêm trọng để có hướng giải quyết các vướng mắc trong quá trình kiểm toán; áp dụng các phương pháp đặc thù, ứng dụng CNTT, tăng cường kiểm tra thực tế và kiểm định chất lượng công trình một cách hiệu quả và đạt kết quả tốt...
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều đơn vị cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình kiểm toán như các quy định, hướng dẫn của Ngành chưa mang tính đặc thù, chuyên sâu nên có trường hợp chưa vận dụng được một cách hiệu quả; hoặc thiếu các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, thông tin về các đơn vị đầu mối nên khó khăn cho công tác khảo sát, thu thập thông tin; công tác đào tạo, bồi dưỡng về kinh nghiệm kiểm toán, đặc biệt là đối với các chuyên đề, lĩnh vực kiểm toán mới, khó còn hạn chế...
 
Tọa đàm cũng chỉ ra một trong những yếu tố tạo nên những kết quả nổi bật, đáng khích lệ của các đoàn kiểm toán là do công tác KSCLKT đã được coi trọng đúng mức và đạt được một số kết quả tốt.

Các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực đã chủ động phổ biến, triển khai, hướng dẫn đầy đủ việc thực hiện các chính sách, quy định về KSCLKT của KTNN; một số đơn vị đã ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động kiểm toán và KSCLKT sát hợp với đặc thù của đơn vị; xây dựng Kế hoạch KSCLKT và tổ chức thực hiện chi tiết, khoa học và chủ động; các Kiểm toán trưởng và các bộ phận trực thuộc phối hợp tốt với Vụ CĐ&KSCLKT trong hoạt động kiểm soát nên đã phát hiện được nhiều tồn tại, thiếu sót của các đoàn, tổ kiểm toán, hạn chế được rủi ro trong quá trình thực hiện kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.
 
Vụ CĐ&KSCLKT đã triển khai các hoạt động kiểm soát theo đúng kế hoạch, phù hợp với tiến độ các đợt kiểm toán, áp dụng đầy đủ 05 hình thức kiểm soát một cách hiệu quả; thực hiện kiểm soát cho cả quá trình kiểm toán từ lập KHKT tổng quát đến xét duyệt dự thảo BCKT, đảm bảo kịp thời, ngày càng đi vào thực chất, thiết thực hơn; kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm; chủ động nắm tình hình và đề xuất các cuộc kiểm toán đột xuất; công tác đánh giá chất lượng thành viên đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán được duy trì gắn với công tác bồi dưỡng, đề bạt, khen thưởng thông qua kết quả kiểm toán. Nhờ đó đã tạo động lực làm việc, góp phần tăng cường quản lý hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hạn chế tối đa những tồn tại, yếu kém trong công tác kiểm toán.
 
Mặc dù đã đạt được các kết quả nhất định nhưng công tác KSCLKT của cả Vụ CĐ&KSCLKT và các KTNN chuyên ngành, khu vực vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Nhân sự làm công tác kiểm soát còn chưa đồng đều, còn có tình trạng nể nang, hình thức; việc kiểm soát đạo đức thi hành công vụ, soát xét bằng chứng kiểm toán còn hạn chế nên vẫn còn có trường hợp khiếu nại phải thay đổi kiến nghị kiểm toán; một số KTNN chuyên ngành, khu vực báo cáo kiểm soát chưa thể hiện đầy đủ các nội dung theo quy định, các phát hiện còn mờ nhạt...

Đồng thời, các đơn vị cũng khẳng định cơ bản hệ thống văn bản hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán đã được xây dựng đầy đủ, phù hợp với CMKTNN và Luật KTNN; đặc biệt mẫu biểu hồ sơ kiểm toán mới đã đầy đủ các mẫu biểu cần thiết phục vụ tốt cho hoạt động kiểm toán; tuy nhiên công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chưa kịp thời và đầy đủ nên còn nhiều trường hợp các đơn vị, các Đoàn, Tổ kiểm toán còn có nhiều cách hiểu khác nhau nên áp dụng mẫu biểu mới còn khó khăn.
 
Kết thúc Tọa đàm, trên cơ sở các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ yêu cầu, công tác kiểm toán và KSCLKT của KTNN trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp.

Đối với công tác kiểm toán: Cần tập trung chú trọng công tác khảo sát thu thập thông tin lập KHKT tổng quát trên cơ sở áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán. Thực hiện đẩy đủ mục tiêu, nội dung trọng yếu đã xác định thông qua việc tăng cường áp dụng hiệu quả các phương pháp và thủ tục kiểm toán để thu thập và lưu trữ đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để hình thành các kết luận, kiến nghị kiểm toán phù hợp và khả thi. Duy trì việc ghi chép nhật ký kiểm toán, đính kèm các bằng chứng kiểm toán, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ; các vấn đề xử lý kết quả kiểm toán của từng cấp phải được hồ sơ hóa kể cả vấn đề giải trình số liệu; thực hiện nghiêm quy định phân công kiểm toán phải phân khoảng thời gian phù hợp với nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, lập báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, trong đó: Các kết luận kiểm toán phải được trình bày một cách rõ ràng, chặt chẽ; kiến nghị kiểm toán phải xác định rõ đối tượng thực hiện, phù hợp với tính chất, mức độ của tồn tại, vi phạm phát hiện kiểm toán, triệt để tránh tình trạng kiến nghị chung chung, không có đối tượng cụ thể gây khó khăn cho quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt nghiêm túc tuân thủ các quy định của KTNN trong việc xác định, phân loại các kiến nghị xử lý tài chính, nhằm nâng cao tính hiệu lực của các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Đối với công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ CĐ&KSCLKT cần: Xây dựng Kế hoạch KSCLKT năm 2021 trên cơ sở phối hợp tốt với Thanh tra KTNN để tránh chồng chéo; thực hiện đa dạng hóa hình thức và phương pháp kiểm soát; thực hiện kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm dựa trên đánh giá trọng yếu, rủi ro; định kỳ đánh giá báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch KSCLKT (những cuộc kiểm toán có kết quả tốt và các cuộc có kết quả hạn chế,...) để Lãnh đạo KTNN chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, tồn tại...

KTNN chuyên ngành, khu vực cần: Thực hiện kiểm soát trực tiếp và kiểm soát đột xuất trong suốt quá trình kiểm toán; thực hiện soát xét hồ sơ kiểm toán từ giai đoạn xét duyệt dự thảo báo cáo, phát hành BCKT, hồ sơ khi đưa vào lưu trữ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, Trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, bộ phận KSCLKT; bố trí cán bộ làm công tác KSCLKT đủ năng lực và phù hợp với từng cuộc kiểm toán.

Bên cạnh đó, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong công tác kiểm toán, đặc biệt là các cuộc kiểm toán chuyên đề có quy mô rộng, do nhiều đơn vị thực hiện; tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm chia sẻ về công tác KSCLKT để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Giao Vụ CĐ&KSCLKT tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến tham gia để tham mưu, báo cáo Lãnh đạo KTNN hoàn thiện các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong thời gian tới./.
 
Hà Linh