(sav.gov.vn) – Sáng 10/3/2021, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN tổ chức tập huấn trực tuyến đề cương kiểm toán chuyên đề “Công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” cho các cán bộ, Kiểm toán viên trong Ngành. Trưởng phòng Tổng hợp, KTNN khu vực IV Phạm Thạch là báo cáo viên của buổi tập huấn.
Tại buổi tập huấn, các học viên đã được giới thiệu khái quát tình hình về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết giai đoạn 2017-2020 với các nội dung: Hệ thống văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn; Tổng quan về giao dịch liên kết và quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Một số khó khăn, vướng mắc và kết quả kiểm toán có liên quan.
Trong hệ thống các văn bản pháp luật liên quan, báo cáo viên chú trọng giới thiệu về Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ (áp dụng cho giai đoạn 2017-2019) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ (áp dụng từ niên độ 2020) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Nghị định 68/2020/NĐ-CP. Theo đó, quan hệ liên kết theo theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP là 10 trường hợp và theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP là 11 trường hợp. Báo cáo viên cũng giới thiệu về các dấu hiệu để nhận biết dấu hiệu chuyển giá giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết với các ví dụ cụ thể như: Công ty Cocacola Việt Nam mua hương liệu từ Công ty Mẹ ở nước ngoài; Tập đoàn MASAN mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các Công ty Con trong tập đoàn; Công ty SAMSUNG Việt Nam nhập linh kiện từ Công ty Mẹ về lắp ráp trong nước sau đó bán trong nội địa và xuất khẩu….
Đối với nội dung quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, báo cáo viên tập trung giới thiệu về trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan thuế trong quản lý giá giao dịch liên kết với 7 trách nhiệm, quyền hạn chủ yếu được quy định cụ thể tại Điều 12, Nghị định 20/2017/NĐ-CPvà Điều 20 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
Theo kinh nghiệm thực thế của KTNN khu vực IV, các khó khăn, vướng mắc chủ yếu của công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết giai đoạn 2017-2020 gồm: Quy trình, chuẩn mực và các văn bản hướng dẫn có liên quan còn thiếu do việc kiểm toán đối với hoạt dộng của doanh nghiệp có giao dịch liên kết còn mới; KTNN chưa xây dựng các tiêu chí để nhận diện dấu hiệu chuyển giá; Chưa được ban hành thành Luật chống chuyển giá để phòng ngừa, ngăn chặn đến phát hiện, xử lý hành vi chuyển giá đều được quy định trong Luật; Nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm toán DN có giao dịch liên kết còn hạn chế; Công tác triển khai áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong kiểm soát chuyển giá; Việc áp dụng APA vẫn chưa thực sự được triển khai do việc áp dụng trên theo nguyên tắc tự nguyện; Kết quả xử lý của thanh tra, kiểm tra thuế chủ yếu dựa vào quá trình làm việc, hiệp thương đối với các doanh nghiệp; Việc chia sẻ các thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu, hợp tác giữa KTNN với cơ quan Thuế và các cơ quan quản lý khác còn hạn chế.
Một nội dung quan trọng của buổi tập huấn là các nội dung liên quan đến đề cương kiểm toán: Mục tiêu kiểm toán; Trọng yếu, rủi ro kiểm toán; Phạm vi và giới hạn kiểm toán; Nội dung phương pháp và thủ tục kiểm toán; Phương pháp kiểm toán; Tổ chức kiểm toán.
Mục tiêu kiểm toán được xác định rõ nhằm: Đánh giá việc tổ chức thực hiện công tác chống thất thu NSNN của địa phương (UBND tỉnh, thành phố; cơ quan thuế và các đơn vị chức năng có liên quan) đối với quản lý giá giao dịch liên kết; Đánh giá sự tuân thủ pháp luật, quy trình nghiệp vụ trong công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết của cơ quan thuế; Việc tuân thủ pháp luật về kê khai, xác định giá giao dịch liên kết, kê khai thuế của doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Việc tuân thủ quy định pháp luật trong kê khai Hồ sơ giá chuyển giao của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện chính sách quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (trong đó trọng tâm đánh giá quản lý kê khai, công tác thanh tra, kiểm tra); Thông qua kiểm toán, chỉ ra thiếu sót, sai phạm (nếu có) trong việc thực hiện các Luật và chính sách thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; Chỉ ra các bất cập, tồn tại về cơ chế, chính sách đối với việc quản lý thu, thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp có giao dịch liên kết để kiến nghị với cơ quan thẩm quyền chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung.
Báo cáo viên cũng tập trung giới thiệu về nội dung, phương pháp và thủ tục kiểm toán chi tiết tại Cục thuế và Chi cục thuế, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết với các nội dung cụ thể về: Nội dung kiểm tra, đối chiếu; Tài liệu cần thu thập; Phương pháp, thủ tục kiểm toán; Một số sai sót có thể xảy ra.
Các phương pháp kiểm toán được giới thiệu áp dụng riêng lẻ hoặc tổng hợp các phương pháp: Chọn mẫu, so sánh, phân tích, đối chiếu, so sánh tỷ suất lợi nhuận, phân bổ lợi nhuận, so sánh giá giao dịch độc lập…/.
Ngọc Bích