Tại nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vắc xin một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng cho nhân dân.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, trước những diễn biến mới của dịch bệnh, công tác phòng chống dịch cần tiếp tục chuyển trạng thái, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, thực hiện hiệu quả chiến lược “5K + vắc xin”.
Thủ tướng yêu cầu kiên quyết thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc xin, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vắc xin theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước; tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, chủ động phòng ngừa sự cố và giải thích rõ khi có sự cố.
Trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, khan hiếm vắc xin phòng chống Covid-19 trên toàn cầu, để sớm có vắc xin và tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vắc xin sớm nhất.
Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vắc xin phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã chấp nhận mua vắc xin Covid-19 từ Pfizer với 31 triệu liều trong đợt 1 và 20 triệu liều đợt 2. Trong đó, dự kiến 31 triệu liều sẽ về Việt Nam trong quý 3 hoặc quý 4 năm nay. Tuy nhiên, thực tế tiếp nhận sẽ phụ thuộc vào nguồn cung ứng của Pfizer.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã đàm phán với một số quốc gia để tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới sản xuất vắc xin Covid-19. Hiện, Nhật Bản và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có phản hồi, sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 cho Việt Nam.
Dự kiến, trong tháng 6/2011, lãnh đạo Bộ Y tế cùng đoàn công tác sẽ tới Nhật Bản trao đổi, đàm phán về việc tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc xin từ Nhật Bản. Một đơn vị có kinh nghiệm trong sản xuất vắc xin thuộc Bộ Y tế sẽ tiếp nhận công nghệ này.
Theo Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid - 19 của Bộ Y tế, tính đến 16 giờ ngày 09/5/2021, cả nước tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 được 851.513/917.600 liều vắc xin phân bổ, đạt tỷ lệ 93%.
Đối tượng được tiêm chủng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Trong ngày 9/5 có thêm 42.943 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 36 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Công an trong ngày 09/5/2021 như sau:
- Đợt 1: Hà Nội: 144 người; Quảng Ninh: 84 người; Hưng Yên: 432 người; Bộ Công an: 1.540 người.
- Đợt 2: Hà Nội: 91 người; Hải Phòng: 900 người; Nam Định: 120 người; Hà Nam: 421 người; Ninh Bình: 497 người; Thanh Hoá: 26.360 người; Hải Dương: 516 người; Hưng Yên: 182 người; Thái Nguyên: 451 người; Lai Châu: 264 người;
Lạng Sơn: 72 người; Hà Giang: 186 người; Cao Bằng: 84 người; Lào Cai: 340 người; Sơn La: 12 người; Điện Biên: 377 người; Quảng Bình: 615 người; Thừa Thiên - Huế: 242 người; Quảng Nam: 957 người; Quảng Ngãi: 406 người; Khánh Hòa: 146 người;
Gia Lai: 160 người; Đắk Nông: 681 người; TP. Hồ Chí Minh: 674 người; Bà Rịa - Vũng Tàu: 70 người; Đồng Nai: 404 người; Tiền Giang: 334 người; Long An: 1.531 người; Tây Ninh: 207 người; An Giang: 347 người; Bến Tre: 224 người; Vĩnh Long: 192 người; Đồng Tháp: 95 người; Bình Phước: 1.060 người; Hậu Giang: 100 người.
|
Hà Linh