Tổng thu NSNN tháng 5/2021 ước đạt 98,6 nghìn tỷ đồng
Riêng tháng 5/2021, tổng thu NSNN ước đạt 98,6 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 75,9 nghìn tỷ đồng; thu từ dầu thô ước đạt 3,5 nghìn tỷ đồng; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 19,1 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, thu nội địa ước đạt ước đạt 552,9 nghìn tỷ đồng, bằng 48,8% dự toán, tang 14,2 so với cùng kỳ năm 2020; thu từ dầu thô ước đạt 15,96 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8% dự toán, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2020; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 98,5 nghìn tỷ đồng, bằng 55,2 % dự toán, tang 30,1% so với cùng kỳ năm 2020, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 156,9 nghìn tỷ đồng, bằng 49,8% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tang theo chế độ khoảng 58,4 nghìn tỷ đồng, bằng, bằng 42,8% dự toán.
Quán triệt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, với nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế; đồng thời tổ chức triển khai thưc hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ứng phó với đại dịch Covid-19.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 18.947 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 188.117 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; qua điều tra chống buôn lậu đã bắt giữ 4.011 vụ; kiến nghị xử lý về tài chính 18.018,726 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi NSNN 3.640,723 tỷ đồng; kiến nghị khác 13.551,403 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 826,6 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN 1.416,933 tỷ đồng.
Trong 5 tháng, cơ quan Thuế đã chủ trì, thực hiện 18.311 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó thực hiện kiểm tra 187.439 hồ sơ khai thuế. Số tiền kiến nghị, xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 2.699.81 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 402,68 tỷ đồng; giảm lỗ là 8.606,57 tỷ đồng. Số thuế thu được đã nộp NSNN là 1.132,77 tỷ đồng.
5 tháng qua, cơ quan Hải quan đã chủ trì thực hiện 52 cuộc thanh tra, kiểm tra, truy thu và xử phạt với số tiền 66,902 tỷ đồng, trong đó số thuế truy thu hơn 50,6 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 16,842 tỷ đồng. Tổng số tiền đã thu và nộp NSNN là 59,585 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 6/2021, Bộ sẽ xây dựng quy trình thu NSNN thông qua mã định danh khoản thu; triển khai ký kết thỏa thuận với các Ngân hàng Thương mại về tổ chức phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử giữa Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Thương mại; tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ gắn liền với ứng dụng CNTT trong kiểm soát, thu, chi NSNN.
Tổng chi 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 581,6 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán
Tổng chi cân đối NSNN tháng 5/2021 ước đạt 125,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 581,6 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, trong đó: Chi cho đầu tư phát triển đạt 102 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt 47,8 nghìn tỷ đồng, bằng 43,4% dự toán; chi thường xuyên đạt 430,8 nghìn tỷ đồng, bằng 41,6% dự toán.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi NSNN 5 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng NSNN. Cả NSTW và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trung ương đã chi từ dự toán chi dự phòng NSTW 2.057 tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19 để thực hiện 2 nhiệm vụ: Bổ sung 1.740 tỷ đồng cho Bộ Y tế kinh phí mua vắc xin (1.237 tỷ đồng) và mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (503 tỷ đồng); hỗ trợ 317 tỷ đồng cho các địa phương kinh phí phòng chống dịch Covid-19.
Để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, trong 5 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 109,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,32 năm, lãi suất bình quân 2,27%/năm.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA đạt rất thấp
Đối với công tác quản lý nợ và tài chính đối ngoại, được biết, từ tháng 3/2021, Chính phủ đã ký kết 01 Hiệp định với Ngân hàng Thế giới trị giá 84,4 triệu USD. Về rút vốn vay, trong tháng 5/2021 đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ 25,4 triệu USD; lũy kế trong 5 tháng đầu năm 2021 đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 604 triệu USD, tương đương 13.943 tỷ đồng, trong đó cấp phát khoảng 406 triệu USD, cho vay lại khoảng 198 triệu USD.
Trả nợ Chính phủ trong tháng 5 khoảng 3.549 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 26.967 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 3.549 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 161.686 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 137.475 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài 24.211 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỉ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của NSTW là 34.913 tỉ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỉ đồng.
Tính đến ngày 31/5/2021, kế hoạch vốn năm 2021 nhập TABMIS là bằng 75,54% kế hoạch vốn được giao đầu năm, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của NSTW nhập TABMIS bằng 86% kế hoạch vốn được giao đầu năm và vốn cho các địa phương vay lại bằng 63% kế hoạch vốn được giao đầu năm.
Tuy nhiên, việc giải ngân của các địa phương vẫn rất khó khăn, 5 tháng đầu năm 2021 tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công bằng vốn nước ngoài thuộc khối địa phương mới bằng 1,73% dự toán, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của NSTW giải ngân bằng 1,77% kế hoạch vốn được giao đầu năm và vốn cho các địa phương vay lại giải ngân bằng 1,68% kế hoạch vốn được giao đầu năm. Trong 63 tỉnh, thành phố thì có đến 37 tỉnh, thành phố chưa giải ngân vốn.
Nếu tính riêng kế hoạch vốn được giao năm 2021 thì tỉ lệ giải ngân nêu trên là rất thấp, thấp hơn hẳn tỉ lệ giải ngân 05 tháng đầu năm 2020 (vốn NSTW bổ sung có mục tiêu cho NSĐP là 7,19%). Nếu tính đến số vốn được giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 được kéo dài, chuyển nguồn trong 05 tháng đầu năm 2021 thì tỉ lệ giải ngân này cũng vẫn thấp so với cùng kỳ năm 2020./.
Khánh Vy