Cần kiểm toán việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị  

  Nằm trong Kế hoạch kiểm toán năm 2021, KTNN vừa thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề Việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020. Xuất phát từ những bất cập trong quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng đã bộc lộ rõ trong thực tiễn, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành cuộc kiểm toán này.

Yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn

Những năm gần đây, với sự phát triển của nền kinh tế, tốc độ đô thị hoá diễn ra rất nhanh. Bên cạnh những kết quả tích cực thì công tác quy hoạch đô thị cũng bộc lộ rõ một số bất cập. Do đó, Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị. Kết quả giám sát đã chỉ rõ chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hoá, dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư.

Sau giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, trong đó có giao nhiệm vụ cho KTNN: “Tăng cường kiểm toán các nội dung có liên quan đến hoạt động quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị khi xây dựng chương trình kiểm toán hằng năm”.

Thực tế cũng cho thấy, hoạt động cấp phép xây dựng và quản lý sau cấp phép xây dựng tại các đô thị ở một số địa phương còn nhiều thiếu sót, gây ra dư luận không tốt trong xã hội mà báo chí đã phản ánh trong thời gian gần đây. Vì vậy, cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020” là rất cần thiết tại thời điểm hiện nay.

Bên cạnh đó, KTNN cũng chưa thực hiện cuộc kiểm toán nào đánh giá về công tác quản lý quy hoạch. Tuy nhiên, qua rà soát các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương hằng năm, KTNN đã có một số phát hiện kiểm toán quan trọng như việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 của một số dự án không phù hợp với quy hoạch chung dẫn đến còn trường hợp chồng lấn quy hoạch; một số dự án chưa quan tâm đến việc bố trí 20% trên tổng diện tích đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; dự án được phê duyệt không có trong quy hoạch chi tiết 1/2000; dự án được phê duyệt có diện tích sử dụng đất lớn hơn quy hoạch chung được duyệt…
 
Nhiều bất cập trong quy hoạch, cấp phép xây dựng

Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, theo Luật Quy hoạch năm 2017, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là cơ sở để lập, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được tổ chức lập, phê duyệt dẫn tới việc lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia theo Luật Quy hoạch chưa thể triển khai thực hiện. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, việc lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã được bãi bỏ; các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh sẽ được thực hiện cho đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Do vậy, hiện nay, khi gặp các vấn đề, yếu tố mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh không thể tổ chức điều chỉnh, dẫn tới công tác đánh giá, phân loại đô thị không được thực hiện kịp thời. Cùng với đó, việc lập quy hoạch xây dựng liên huyện, vùng huyện theo quy định của Luật Xây dựng gặp khó khăn do phải chờ quy hoạch tỉnh được phê duyệt để làm cơ sở cụ thể hóa; các khu chức năng cần hình thành theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương không thể thực hiện. Điều này tác động tiêu cực, giảm thu hút đầu tư, chậm triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương…

Thêm vào đó, việc quy định quy hoạch chỉ được rà soát định kỳ 5 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội dẫn tới việc chậm trễ trong rà soát, khó khăn trong công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, gây ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý, phát triển đô thị, nông thôn.

Trong công tác quản lý, vấn đề bất cập được chỉ ra là việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chi tiết không phù hợp với quy hoạch chung, không đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định. Trong khi đó, công tác lập quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; thực thi quy hoạch chưa đồng bộ hoặc bị điều chỉnh khác so với quy hoạch được duyệt, việc giám sát thực hiện quy hoạch chưa đảm bảo.

Liên quan đến cơ chế, chính sách cấp giấy phép xây dựng (GPXD), các quy định về thẩm quyền, đối tượng, điều kiện, hồ sơ cấp GPXD chậm được hoàn thiện và chưa thực sự phù hợp với thực tế. Các nội dung thẩm định thiết kế xây dựng và GPXD có nhiều điểm trùng lặp. Cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu công cụ quản lý đầu vào làm căn cứ cho việc cấp GPXD, như: thiếu quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị…

Việc cấp GPXD tạm cũng gặp nhiều khó khăn do vướng mắc giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Thực tế có rất nhiều trường hợp người dân có quyền sử dụng đất hợp pháp, có đất ở nhưng nằm trong quy hoạch chưa thực hiện sẽ không thể giải quyết cấp GPXD tạm do không phù hợp với quy hoạch xây dựng. Vấn đề này đã gây nên nhiều bức xúc cho người dân trong thời gian qua, nhất là tại các khu vực mà quy hoạch kéo dài, chưa thể thực hiện.

Cùng với đó, việc cấp GPXD đối với một số trường hợp còn rườm rà, bất cập, không thực sự phù hợp với thực tiễn; thời gian cấp GPXD vẫn còn dài; một số trường hợp cơ quan chuyên môn phải hướng dẫn nhiều lần để hoàn thiện hồ sơ xin GPXD, tốn kém về thời gian và chi phí; vẫn còn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, không đúng nội dung GPXD đã được cấp; công tác tổ chức theo dõi việc thực hiện quyết định phạt vi phạm hành chính nhiều nơi làm còn chưa quyết liệt, triệt để…

Vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của cuộc kiểm toán này là chỉ ra các bất cập về cơ chế, chính sách trong công tác quản lý quy hoạch đô thị và cấp phép xây dựng để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý quy hoạch đô thị và cấp phép xây dựng.

Phúc Khang
(Theo Báo Kiểm toán số 24/2021)