Đổi mới hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương

Thực tiễn hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) những năm qua đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Cùng với đó, quy mô NSĐP ngày càng lớn, phân cấp quản lý NSĐP thay đổi… Điều này đòi hỏi hoạt động kiểm toán NSĐP phải đổi mới, hướng đến tính chuyên nghiệp, đảm bảo kiểm toán thường niên ở tất cả các tỉnh, thành phố.

Một số vấn đề đặt ra trong tổ chức cuộc kiểm toán ngân sách địa phương

Hoạt động kiểm toán NSĐP những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thiết thực vào việc quản lý NSNN ở các cấp. Tuy vậy, thực tiễn hoạt động này cũng đã đặt ra nhiều vấn đề cần được khắc phục, hoàn thiện.

Cụ thể, những năm qua, hoạt động kiểm toán NSĐP chưa thực hiện được thường niên đối với tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Số liệu thống kê cho thấy, bình quân giai đoạn 2011-2019, KTNN kiểm toán 65% NSĐP các tỉnh, thành phố. Các cuộc kiểm toán chưa kiểm toán đầy đủ báo cáo quyết toán (BCQT) ngân sách cấp xã, chủ yếu là kiểm toán ngân sách cấp huyện (chọn mẫu) và cấp tỉnh. Do đó, việc đánh giá một cách toàn diện, chính xác số liệu quyết toán ngân sách các cấp cũng như số liệu quyết toán NSĐP còn gặp nhiều khó khăn.

Kiểm toán NSĐP bao gồm kiểm toán công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý ngân sách các cấp và kiểm toán BCQT ngân sách. Do thời điểm kiểm toán, địa phương chưa lập xong BCQT nên đoàn kiểm toán phải thực hiện trên cơ sở báo cáo tổng hợp thu, chi ngân sách do cơ quan thuế, tài chính lập tại một thời điểm. Sau khi địa phương phê chuẩn BCQT, KTNN lại phải điều chỉnh số liệu, gửi Bộ Tài chính để làm cơ sở tổng hợp quyết toán NSNN.

Cuộc kiểm toán NSĐP diễn ra không quá 60 ngày. Trong một số trường hợp, kiểm toán viên không đủ thời gian để có số lượng mẫu chọn cần thiết, điều này dẫn đến kết quả kiểm toán khó bao quát tình hình quản lý tài chính, ngân sách tại địa phương.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin dù đã được chú trọng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Các kiểm toán viên chưa được quyền truy cập và khai thác cơ sở dữ liệu NSNN của các địa phương, chủ yếu dựa trên số liệu do cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước cung cấp.

Loại hình kiểm toán hoạt động trong kiểm toán NSĐP chưa phát huy tối đa vai trò trong đánh giá tính kinh tế, hiệu quả quản lý NSĐP. Hoạt động kiểm toán mới tập trung nhiều vào tìm kiếm sai sót, kiến nghị xử lý tài chính; chưa xác nhận các số liệu quyết toán ngân sách các cấp, số liệu quyết toán của các đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách.

Kiểm toán NSĐP bao gồm toàn bộ nội dung kiểm toán tổng hợp ngân sách cấp huyện, cấp tỉnh, kiểm toán chi tiết các đơn vị sử dụng ngân sách, kiểm toán tổng hợp và chi tiết chi đầu tư xây dựng cơ bản, dự án đầu tư... Do đó, đoàn kiểm toán phải chia thành nhiều tổ để thực hiện từng nội dung, điều này khiến công tác chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn kiểm toán gặp khó khăn.
 
Tập trung đổi mới phương thức tổ chức thực hiện kiểm toán

Để nâng cao chất lượng kiểm toán NSĐP, KTNN cần đổi mới phương thức tổ chức kiểm toán trên cơ sở thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thực hiện kiểm toán BCQT NSĐP thường niên ở 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, qua đó tạo thành thông lệ và khắc phục tâm lý e ngại kiểm toán. Tùy thuộc nguồn nhân lực, ngoài kiểm toán BCQT NSĐP thường niên, KTNN sẽ lựa chọn các chủ đề kiểm toán để tổ chức riêng biệt hoặc lồng ghép nếu điều kiện cho phép.

Tổ chức kiểm toán NSĐP theo chu trình quản lý ngân sách, thực hiện kiểm toán tất cả các khâu của chu trình này, từ dự toán đến chấp hành ngân sách, quyết toán ngân sách các cấp...

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán để thu thập tài liệu, số liệu; chú trọng kiểm toán ngay tại trụ sở cơ quan kiểm toán, hạn chế kiểm toán trực tiếp tại đơn vị. KTNN cần được phép truy cập và khai thác cơ sở dữ liệu quản lý ngân sách của các tỉnh trong thời gian kiểm toán và lâu dài sẽ thực hiện giám sát trực tuyến hằng ngày (hoặc định kỳ) việc cấp phát, tổng hợp thu, chi ngân sách của các địa phương được phân công phụ trách để phục vụ đắc lực cho việc kiểm toán mà không cần làm việc trực tiếp tại đơn vị.
Phát triển kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong kiểm toán NSĐP. Kiểm toán hoạt động được tổ chức thành đoàn kiểm toán riêng biệt hoặc cũng có thể lồng ghép trong kiểm toán BCQT NSĐP khi điều kiện cho phép.

Chọn mẫu kiểm toán đối với các cấp chính quyền và đơn vị sử dụng ngân sách. Đối với cấp huyện, cần chọn mẫu không thấp hơn 50% số đơn vị hành chính để kiểm toán hằng năm. Đối với ngân sách cấp xã, việc lựa chọn số lượng đơn vị hành chính có thể ở mức không thấp hơn 30%. Việc kiểm toán công tác quản lý, sử dụng ngân sách ở các đơn vị sử dụng ngân sách có thể thực hiện trên nhiều cấp độ khác nhau từ đơn giản đến phức tạp.

Tăng cường kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu. Xây dựng phương pháp chọn mẫu trong kiểm toán NSĐP dựa trên đánh giá rủi ro kiểm toán đối với BCQT NSĐP, từ đó làm cơ sở lựa chọn khoản mục, đầu mối đơn vị được kiểm toán.

Hoàn thiện quy định, hướng dẫn kiểm toán NSĐP; thường xuyên điều chỉnh, cập nhật theo yêu cầu quản lý hoặc khi có sự thay đổi về chính sách, pháp luật ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán.

NSĐP có quy mô lớn, bao gồm nhiều nội dung, nhiều cấp, phạm vi rộng nên nội dung của kế hoạch kiểm toán rất có thể phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế phát sinh trong quá trình kiểm toán. Vì vậy, cần quy định và phân cấp các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của kiểm toán trưởng và lãnh đạo KTNN nhằm đảm bảo linh hoạt, kịp thời trong việc thay đổi kế hoạch kiểm toán.

Lê Đức Luận - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII
(Báo Kiểm toán số 25/2021)