(sav.gov.vn) - Ngày 05/7/2021, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Tọa đàm trực tuyến trao đổi kinh nghiệm kiểm toán Chuyên đề kiểm toán quản lý quy hoạch, cấp phép quy hoạch xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020.
Tham dự tọa đàm còn có đại diện lãnh đạo Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ&KSCLKT), Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, KTNN khu vực III và đại diện lãnh đạo các đơn vị, các Trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các Kiểm toán viên (KTV) vừa tham gia thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề này.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, trên cơ sở các cuộc kiểm toán chuyên đề đợt 1 đã hoàn thành, buổi tọa đàm được tổ chức nhằm đúc kết, đánh giá toàn diện kết quả đã đạt được để chia sẻ, lan tỏa trong toàn Ngành những kinh nghiệm, cách thức tổ chức thực hiện hiệu quả; đồng thời chỉ rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân để tìm ra giải pháp khắc phục, nhằm thực hiện có hiệu quả cá đoàn kiểm toán đợt 2, 3, tạo tiền đề để Ngành triển khai có hiệu quả các cuộc kiểm toán chuyên đề kiểm toán quản lý quy hoạch, cấp phép quy hoạch xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020 trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe đại điện KTNN khu vực III trình bày nội dung: Kết quả kiểm toán quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các khu đô thị trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định giai đoạn 2017-2020; Đại diện Vụ CĐ&KSCLKT trao đổi về: Kinh nghiệm kiểm soát chất lượng kiểm toán chuyên đề quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020; Đại diện Vụ Tổng hợp chia sẻ về: Nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020 qua công tác thẩm định; Đại diện KTNN khu vực I chia sẻ về nội dung: Kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị trên địa bàn Hà Nội và Bắc Ninh giai đoạn 2017-2020.
Các bài tham luận đã nêu bật được một số phát hiện kiểm toán quan trọng như:
Một số dự án chưa lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; Phê duyệt đồ án quy hoạch chưa phù hợp với quy hoạch cấp trên, chưa đảm bảo trình tự, thủ tục, thời gian quy định; Chưa thành lập hội đồng thẩm định, một số đồ án còn chưa lấy đầy đủ ý kiến của cộng đồng dân cư và các cơ quan có liên quan.
Việc điều chỉnh quy hoạch còn một số sai sót: Điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, điều chỉnh chưa phù hợp loại được điều chỉnh, điều chỉnh chưa đảm bảo quy chuẩn xây dựng; Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 còn hợp thức hóa việc thi công sai quy định so với quy hoạch và cấp phép đã được phê duyệt trước đó; Còn một số dự án điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Một số dự án chưa tuân thủ quy định về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, về định mức đất ở, đất cây xanh, đất công trình công cộng, đất y tế, giáo dục tối thiểu quy định theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam ...
Công tác cấp phép xây dựng (CPXD) còn một số tồn tại tại một số dự án: Chưa đảm bảo quy trình quy định, chưa đảm bảo thời gian quy định của Luật Xây dựng; Chưa đảm bảo điều kiện CPXD quy định tại Điều 91 Luật Xây dựng; Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất xây dựng công trình thuộc sở hữu của Chủ đầu tư chưa phù hợp; Một số GPXD cấp không đảm bảo quy chuẩ Việt Nam.
Công tác quản lý sau cấp phép còn có tình trạng một số công trình vi phạm như: Khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng; Thi công sai giấy phép xây dựng; Tự ý cơi nới thêm một số hạng mục sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, xây dựng tầng hầm không phép; Chậm trễ trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ theo quy định theo giấy phép được cấp; Chưa xem xét xử phạt và áp dụng đầy đủ các biện pháp xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả tương ứng với các hành vi vi phạm đối với các trường hợp thi công xây dựng sai phép, không phép được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra...
Các tham luận cũng chia sẻ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chuyên đề trên và cần tập trung khắc phục trong các đợt kiểm toán tới, tiêu biểu như:
Trong giai đoạn lập KHKT, một số KHKT tổng quát chưa thu thập đầy đủ thông tin về đơn vị được kiểm toán, còn tình trạng lập KHKT chủ yếu dựa vào Đề cương kiểm toán Chuyên đề và hướng dẫn của Ngành nên việc xác định mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chưa đầy đủ cơ sở và chưa bám sát tình hình thực tế. Nhiều KHKT chưa dự kiến đầy đủ đơn vị kiểm tra đối chiếu do đó có một số nội dung kiểm toán theo Đề cương kiểm toán khó thu thập tài liệu và thực hiện đánh giá, xác nhận; Chưa xác định giới hạn để giảm thiểu rủi ro trong quá trình kiểm toán, dẫn đến phải bổ sung giới hạn vào BCKT.
Trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, một số Đoàn kiểm toán còn chưa bám sát Đề cương và KHKT được duyệt, chưa chú trọng đến công tác kiểm toán tổng hợp. Việc chọn mẫu hồ sơ kiểm tra chi tiết cũng chưa đủ đại diện để đưa ra nhận xét, đánh giá như các hồ sơ về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật...
Trong lập BCKT còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số BCKT đánh giá còn sơ sài, chưa đầy đủ nội dung kiểm toán, chưa nghiên cứu làm rõ cụ thể các sai sót phát hiện, một số sai sót phát hiện còn chưa trích dẫn quy định cụ thể để đảm bảo tính chặt chẽ của kết luận kiểm toán; Một số BCKT còn chưa có kiến nghị kiểm toán phù hợp với đánh giá, phát hiện kiểm toán, một số kiến nghị kiểm toán chưa đảm bảo tính logic và khả thi; các BCKT có phát hiện bất cập, tồn tại về cơ chế, chính sách nhưng chưa được phân tích rõ các bất cập làm cơ sở cho kiến nghị...
Các tham luận cũng tập trung chia sẻ về một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán chuyên đề trong thời gian tới: Tổ chức khảo sát thu thập đầy đủ thông tin về Chuyên đề để lập KHKT trong đó cần nghiên cứu phương án tổ chức kiểm toán phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương; Bám sát Đề cương kiểm toán Chuyên đề và KHKT được duyệt, tập trung kiểm toán tổng hợp để đảm bảo yêu cầu và chất lượng kiểm toán; Tập trung nghiên cứu những bất cập, tồn tại về cơ chế, chính sách trong công tác quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng tại các đô thị để có đánh giá, kiến nghị phù hợp. Chú trọng kiểm toán đánh giá trách nhiệm của các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan trong việc điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng và kiểm tra xử lý vi phạm trong quy hoạch, cấp phép xây dựng; Nghiên cứu kiến nghị cụ thể, rõ ràng, đầy đủ đối với việc xử lý vi phạm trong quy hoạch và cấp phép xây dựng tại các địa phương có sai phạm được phát hiện qua kiểm toán; Quan tâm bố trí nhân sự kiểm toán đảm bảo chất lượng, số lượng khi lập KHKT để thực hiện đạt kết quả kiểm toán tốt nhất; Tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi đợt kiểm toán để nhân rộng các phát hiện kiểm toán mang tính tồn tại, hạn chế chung tại các địa phương; Tăng cường tập huấn, thảo luận chuyên sâu về Chuyên đề nhằm nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ kiểm toán viên và tìm ra những phương pháp kiểm toán phù hợp, hiệu quả đối với Chuyên đề…
Bế mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh thơ biểu dương tinh thần khẩn trương, trách nhiệm và chia sẻ của các báo cáo viên và đại biểu tham dự tọa đàm. “Các tham luận và ý kiến trao đổi đã chỉ ra nhiều nhiều bài học kinh nghiệm tốt và hiệu quả cần được nhân rộng. Các thắc mắc, khó khăn trong việc triển khai Chuyên đề cũng được giải đáp, góp phần giúp các đơn vị có thể khắc phục ngay trong việc triển khai các cuộc kiểm toán chuyên đề đợt 2, đợt 3 năm 2021” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, Chuyên đề kiểm toán quản lý quy hoạch, cấp phép quy hoạch xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020 là chuyên đề phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản chế độ, chính sách và các đặc thù tại các địa phương. Vì vậy, trong quá trình triển khai các Đoàn kiểm toán, các Tổ kiểm toán và các KTV cần tăng cường tự đào tạo, bồi dưỡng nội bộ để nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi nghiệp vụ, kinh nghiệm kiểm toán; Cần đảm bảo các căn cứ pháp lý, củng cố bằng chứng kiểm toán để đảm bảo kết quả, kiến nghị kiểm toán thận trọng và khả thi; Việc triển khai các đợt tiếp theo cần có tính kế thừa, đúc kết những kinh nghiệm, bài học trong việc triển khai đợt 1 nhằm nâng cao hiệu quả việc triển khai chuyên đề trong năm 2022 và trong kế hoạch trung hạn 2022-2024.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Vụ CĐ&KSCLKT soạn thảo thông báo về kết quả tọa đàm để các đơn vị được biết và thực hiện; các đơn vị nếu còn có ý kiến đối với Chuyên đề nhưng chưa có thời gian trao đổi tại tọa đàm tiếp tục gửi văn bản về Vụ CĐ&KSCLKT tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo KTNN xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.
Ngọc Bích