Thế giới đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Cuộc cách mạng với sự đột phá về công nghệ số đã đặt ra yêu cầu thay đổi mạnh mẽ cơ cấu, mô hình kinh tế - xã hội quốc gia cũng như hệ thống quản lý của các ngành, lĩnh vực. Để bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới, KTNN đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chiến lược quan trọng, thể hiện rõ tâm thế chủ động tham gia vào cuộc cách mạng này.
Từ chỉ thị, chiến lược, chương trình hành động
Một trong những văn bản chỉ đạo quan trọng khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo để thích ứng với CMCN 4.0 của KTNN là Chỉ thị số 735/CT-KTNN ngày 09/4/2018 về Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động của KTNN. Chỉ thị yêu cầu chú trọng ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc, gắn với trách nhiệm của các cấp, các ngành nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như hoạt động kiểm toán.
Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành ngày 14/3/2019 đã thể hiện quyết tâm của toàn Ngành trong việc hướng tới mục tiêu hiện đại hóa mọi mặt hoạt động, bắt kịp cuộc CMCN 4.0 cũng như xu thế phát triển của thế giới. Cùng với đó, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) ban hành ngày 16/9/2020 có tới 2/7 mục tiêu liên quan đến việc hoàn thiện môi trường làm việc điện tử theo hướng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, tinh giản các quy trình hoạt động nội bộ; hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng đáp ứng hoạt động kiểm toán trong môi trường số. Trong Chiến lược này, công nghệ được coi là 1 trong 3 trụ cột phát triển của KTNN.
Trong năm 2020, KTNN đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Kế hoạch đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN trong việc chủ động tham gia cuộc cách mạng này. Đây được coi là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa lâu dài vừa cấp bách của toàn Ngành.
Cùng với các chỉ thị, chiến lược, KTNN đã ban hành các chương trình hành động, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Cụ thể, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng bộ KTNN đề ra mục tiêu: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nhất là ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đây là 1 trong 3 chương trình công tác trọng tâm của Đảng bộ xuyên suốt nhiệm kỳ 2021-2025. Triển khai Chương trình hành động này, đầu năm 2021, Đảng ủy KTNN đã ban hành Nghị quyết số 90-NQ/ĐU về việc lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động của Ngành (trong đó việc tăng cường ứng dụng CNTT là cơ bản) giai đoạn 2020-2025. Đặc biệt, mới đây, trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban cán sự đảng KTNN đã yêu cầu toàn Ngành cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại và CNTT trong mọi hoạt động của Ngành. Chương trình hành động cũng đã cụ thể hóa các nhiệm vụ liên quan đến yêu cầu này.
... đến kết quả thực hiện
Tinh thần 4.0 chủ động, quyết liệt trong các chỉ đạo, quyết sách trên đã lan tỏa mạnh mẽ vào nhiều hoạt động của KTNN. Đến nay, KTNN đã hoàn thành Trung tâm dữ liệu lớn, 20 phần mềm phục vụ hoạt động kiểm toán và quản lý, điều hành. Trong đó, riêng năm 2020, 4 phần mềm mới được đưa vào sử dụng gồm: Phần mềm Quản lý đào tạo, Phần mềm Quản lý khiếu nại kiểm toán, Phần mềm Quản trị và hỗ trợ người dùng, Phần mềm Hỗ trợ kiểm toán viên thực hiện kỹ thuật kiểm toán lĩnh vực DN, ngân hàng. Đặc biệt, KTNN đã đưa vào sử dụng Phần mềm Hỗ trợ quản lý điều hành trên thiết bị di động, giúp cán bộ, lãnh đạo KTNN xử lý văn bản, tra cứu thông tin pháp luật, kiểm tra, theo dõi hoạt động kiểm toán; áp dụng công nghệ viễn thám kiểm toán diện tích đất, sản lượng khoáng sản, siêu âm bê tông phần chìm để nâng cao hiệu quả kiểm toán và góp phần tăng thu cho NSNN...
Tuy vậy, quá trình ứng dụng CNTT vào hoạt động của Ngành vẫn còn những băn khoăn, trăn trở khi một số phần mềm chưa đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ; việc cung cấp dữ liệu điện tử, kết nối, chia sẻ của các đơn vị được kiểm toán còn gặp khó khăn; kiểm toán viên chưa được đào tạo ứng dụng công nghệ cao vào một số lĩnh vực kiểm toán…
Để nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT vào hoạt động của Ngành trong thời gian tới, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN mở rộng, sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm 2021 vừa qua, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp như: có chính sách, chế tài yêu cầu các đơn vị liên quan đến hoạt động kiểm toán cung cấp, trao đổi dữ liệu với KTNN qua hệ thống CNTT; đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ chuyên trách về CNTT; bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT, năng lực ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán cho kiểm toán viên… Cũng tại Hội nghị, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu thời gian tới, toàn Đảng bộ cần tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động của Ngành, đặc biệt hoạt động chuyên môn.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó có nội dung: Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.
Rõ ràng, nhiệm vụ mà lãnh đạo Ngành cũng như trách nhiệm cùng với toàn Đảng, toàn dân góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi KTNN cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào cuộc CMCN 4.0. Đây cũng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa lâu dài vừa cấp bách của toàn Ngành./.
Thành Đức
(Báo Kiểm toán số 27/2021)