(sav.gov.vn) – Chiều 12/7/2021, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Ủy viên TW Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh đã thông báo kết quả Hội nghị Trung ương 3 BCH Trung ương Đảng khóa XIII. Hội nghị diễn ra từ ngày 5 đến ngày 8-7-2021 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bàn về nhiều vấn đề rất cơ bản và hệ trọng, liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong nhiệm kỳ khóa XIII, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Trình bày tóm tắt Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm v6 tháng cuối năm 2021 của KTNN, Phó Chánh Văn phòng KTNN Nguyễn Hữu Tuy cho biết, trong những tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, phát hiện lây nhiễm cộng đồng tại nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động kiểm toán của KTNN. Tuy nhiên, toàn Ngành đã nỗ lực tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tích cực đổi mới, với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, trên quan điểm ưu tiên tối đa cho công tác phòng dịch Covid-19, tạo mọi điều kiện cho các cơ quan chức năng phòng, chống dịch thực hiện nhiệm vụ, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến hoạt động phòng, chống dịch và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của 6 tháng đầu năm 2021, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác.
Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2021 được xây dựng bám sát định hướng của Quốc hội, UBTVQH, có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan và đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai với 190 cuộc kiểm toán tập trung kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động và kiểm toán môi trường. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, KHKT được điều chỉnh theo hướng cắt giảm thời gian và quy mô, tạo mọi điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; Tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán và thực hiện cải cách hành chính; Tăng thời gian, nhân lực và mở rộng phạm vi khảo sát, thu thập thông tin để đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu.
Song song với việc triển khai KHKT năm 2021, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đã hướng dẫn xây dựng KHKT trung hạn 2022-2024 và KHKT năm 2022 gắn với lộ trình thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, định hướng kiểm toán các chủ đề lớn gắn với quản lý, điều hành NSNN, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước...
Với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể Lãnh đạo, công chức, Kiểm toán viên (KTV), đến 30/6/2021 toàn Ngành đã xét duyệt 143 kế hoạch kiểm toán (KHKT), triển khai 120/216 Đoàn kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán cuộc 76; Lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 76 báo cáo kiểm toán (BCKT), phát hành 33 BCKT. Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến 30/6/2021, kiến nghị xử lý tài chính 23.449 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 6.981 tỷ đồng, giảm chi NSNN 7.201 tỷ đồng; kiến nghị khác 9.267 tỷ đồng. Năm 2021 KTNN tiếp tục chủ động tham gia và gửi ý kiến về dự toán NSNN năm 2022 và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022. Đồng thời, qua kiểm toán đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 19 văn bản pháp luật không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách; chuyển 01 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Trong công tác xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 KTNN đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược gồm Tổng Kiểm toán nhà nước là Trưởng ban, các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Phó Trưởng ban cùng một số thành viên và 06 Tiểu ban do các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Trưởng Tiểu ban. Các Tiểu ban đã chủ động triển khai các nội dung công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng chương trình và tiến độ.
Công tác xây dựng và phổ biến pháp luật cũng được rất chú trọng. Đến 30/6/2021, toàn Ngành đã ban hành 5 văn bản theo kế hoạch; thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTN; các lĩnh vực kiểm toán chuyên sâu đều được chỉ đạo xây dựng đề cương hướng dẫn chi tiết và ban hành đáp ứng yêu cầu đổi mới và sát thực tiễn, tạo sự thuận lợi và thống nhất trong tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán…
Hoạt động hợp tác quốc tế 6 tháng đầu năm tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên, KTNN vẫn đạt được một số kết quả nổi bật, cụ thể: Hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021; phối hợp chặt chẽ với SAI Trung quốc và Thái Lan xây dựng Chương trình nghị sự, kịch bản điều hành, chủ động xây dựng các báo cáo, tham luận của KTNN Việt Nam chuẩn bị cho đại hội ASOSAI 15 tại Thái Lan; thực hiện thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược (KHCL) ASEANSAI thông qua việc chủ trì hàng loạt các hoạt động hỗ trợ xây dựng KHCL giai đoạn 2022-2025; xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN về hội nhập và hợp tác quốc tế đến năm 2030...
Về kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021, KTNN xác định các nhiệm vụ trọng tâm:
Hoàn thành KHKT 6 tháng cuối năm đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Chủ động xây dựng phương án kiểm toán linh hoạt; tổ chức rà soát và điều chỉnh các đầu mối, đơn vị được kiểm toán, thời gian và nhân lực Đoàn kiểm toán khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến còn phức tạp tại các địa phương.
Tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2021; đẩy nhanh tiến độ, thực hiện đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN...
Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/BCS theo Thông báo kết luận số 26-TB/BCS ngày 22/4/2021 của Ban cán sự; kiện toàn cơ cấu đội ngũ lãnh đạo các cấp; luân chuyển, điều động, sắp xếp, bổ sung nhân sự trong các đơn vị trực thuộc đảm bảo cơ cấu, chất lượng đáp ứng nhiệm vụ được giao theo đúng quy định; phê duyệt chủ trương và hướng dẫn thực hiện bổ sung công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2026 và các giai đoạn tiếp theo...
Tổ chức triển khai các nhiệm vụ, hoạt động đa phương, song phương trực tuyến theo kế hoạch, tập trung trong điều kiện diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, trong đó tập trung chuẩn bị chu đáo Đại hội ASOSAI 15 với vai trò là Chủ tịch ASOSAI.
Triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT năm 2021 và Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tiếp tục tham mưu hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; xây dựng Báo cáo công tác năm 2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước gửi Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội theo kế hoạch...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh đánh giá cao những nỗ lực toàn Ngành trong việc hoàn thành các kế hoạch đặt ra trong tình hình dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp. Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu toàn Ngành cần phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành kế hoạch năm 2021.
Tổng Kiểm toán đặc biệt nhấn mạnh việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho các Kiểm toán viên trong quá trình triển khai nhiệm vụ kiểm toán khi tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; Tiếp tục linh hoạt trong việc triển khai hoạt động kiểm toán, tạo mọi điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch (không kiểm toán đối với ngành y tế, Ban Chỉ huy quân sự, Sở Công an các tỉnh đang có dịch); Chuẩn bị tốt nhân lực, tăng cường trao đổi học tập kinh nghiệm, chuẩn bị tốt các điều kiện để hoàn thành kế hoạch kiểm toán đã đề ra và các kế hoạch kiểm toán phát sinh theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. /.
Ngọc Bích