Phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Mục tiêu đến năm 2025, GDP Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,5-7%

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Phiên họp thứ 58, chiều 12 và sáng 13/7/2021, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Phát triển kinh tế xã hội 2021-2025, đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 7%/năm

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%. Theo đó, GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hoá khoảng 45%. Tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP.

Bản Kế hoạch 5 năm cũng đặt mục tiêu tuổi thọ trung bình tại Việt Nam khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 67 năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%. Có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh/1 vạn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số....

Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, đồng thời, đề nghị quan tâm một số nội dung, trong đó có việc cần hoàn thành và thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025; xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém được kiểm soát đặc biệt; thực hiện có hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước; và tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án thuộc ngành công thương, các dự án đầu tư hạ tầng thuộc ngành giao thông, đường sắt đô thị ở hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
 
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số. Xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; đưa vào khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quan trọng và nền tảng kết nối, chia sẻ quốc gia...

Cùng với đó, cần tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh, đẩy nhanh thực hiện chiến lược vắc-xin, bao gồm mua vắc-xin, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước và nâng cao năng lực tổ chức tiêm phòng hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc. Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân…

Đánh giá thêm những vướng mắc, khó khăn khi vận hành cơ chế mới của đầu tư công

Về đầu tư công, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận về cơ bản trong 5 năm vừa qua chúng ta đã khắc phục được tình trạng đầu tư công dàn trải, số lượng dự án giảm hơn một nửa, hiệu quả tốt hơn. Đặc biệt, sau khi Luật Đầu tư công được sửa đổi và kết hợp với công tác điều hành, năm 2020 tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất từ trước đến nay, lên đến 97 – 98%. Bên cạnh đó, đề nghị đánh giá thêm việc lần đầu tiên chúng ta vận hành cơ chế đầu tư công trung hạn. Trước đây, chúng ta làm kế hoạch đầu tư công hàng năm, khi chuyển sang kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng có những khó khăn trong công tác điều hành.
 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình tại phiên họp

Về kế hoạch tài chính trung hạn, theo các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải quyết tốt vấn đề chi đầu tư phát triển, bảo đảm các nhu cầu chi thường xuyên. Một số chính sách như cải cách tiền lương chưa thực hiện được đúng lộ trình vì hụt thu do tác động của đại dịch Covid – 19. Cơ cấu thu – chi ngân sách rất tích cực. Nhiều địa phương có tỷ lệ thu nội địa rất cao như Hà Nội đạt tới 93%. Chi thường xuyên giảm rất mạnh, có những thời điểm giảm xuống dưới 62%, 60%, một số địa phương làm rất tốt vấn đề này như Hà Nội bảo đảm chi thường xuyên – chi đầu tư phát triển là 50% - 50%, Quảng Ninh là 51% - 49%... Tại sao các địa phương này làm được như vậy trong khi cả nước tỷ lệ chi thường xuyên vẫn rất cao. Cần phân tích, đánh giá kỹ để lan tỏa ra các địa phương khác. Chúng ta cũng giải quyết tốt nhiệm vụ xử lý nợ xấu, nợ công, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, củng cố được nền tảng vĩ mô, đặc biệt rất thành công trong việc tái cơ cấu nợ. Cần đánh giá kỹ, nhấn mạnh bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2021-2025 bám sát định hướng của Đảng  

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Các báo cáo đã bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đánh giá bám sát các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV cũng như Kết luận Hội nghị Trung ương 3 mới đây và sát hợp với tình hình thực tế.

Có ý kiến cho rằng các báo cáo đã đánh giá cơ bản toàn diện giai đoạn 2016-2020, đất nước ta ngày càng lớn mạnh, với một nền kinh tế có độ mở rất lớn và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, nếu như năm 2020 không có đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới thì sự phát triển của đất nước rất là trọn vẹn. Qua các năm, hầu như tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước, riêng năm 2020 chỉ đạt 2,91%, nhưng cũng là tăng trưởng dương so với các nước ở khu vực Châu Á và trên thế giới. Tuy nhiên, nước ta đang gặp không ít khó khăn và bất cập. Trong đó, nội tại của nền kinh tế chưa mạnh, tăng trưởng nhưng chưa đảm bảo sự bền vững. Tác động của biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề, ảnh hưởng rất lớn. Bên cạnh đó, tác động của đại dịch COVID-19 còn đánh giá chưa hết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và người dân.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên làm việc

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị nhấn mạnh vấn đề củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu, phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo an ninh tài chính, an toàn nợ công; đánh giá thêm về chất lượng tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh, nhân tố về văn hóa, con người, khoa học, công nghệ, tính tự chủ kinh tế và cân đối hơn nữa giữa kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, cải cách tư pháp, đối ngoại.

Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là phương hướng, nhiệm vụ định ra trong 5 năm tới sẽ làm gì? Đồng thời đề nghị quan tâm đến một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các báo cáo của Chính phủ cần đánh giá sát, đúng và làm nổi bật hơn nữa kết quả, thành tựu của 5 năm trước; đồng thời đánh giá thêm tình hình của năm 2020 vượt khó thế nào, cũng như một số chỉ tiêu đạt thấp hơn kỳ vọng hoặc chưa đạt.

Về tình hình tới đây, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, bối cảnh tình hình được Đảng ta đánh giá tại Đại hội XIII rất đúng, rất toàn diện, sâu sắc. Tại Hội nghị lần thứ ba vừa qua, Trung ương đã thảo luận và thống nhất các quan điểm, mục tiêu trong 5 năm tới, nhấn mạnh các yếu tố nhanh, bền vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu, bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công, không để nợ xấu quay trở lại. Đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải bàn kỹ định hướng, phương hướng tổ chức thực hiện như thế nào để đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đó, về thể chế, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trước hết phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng lớn của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là vấn đề rất lớn nhưng báo cáo của Chính phủ chưa đề cập, nhất là những vấn đề rất mới lần đầu tiên được đề cập và cả những vấn đề đã có nhưng được tiếp cận theo quan điểm mới như: cách mạng 4.0, các cơ chế thử nghiệm, phát triển đô thị… Cùng với đó, cần tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; tiếp tục rà soát để sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật, bao gồm cả các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn….

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần khắc phục cả 2 khuynh hướng. Một là, bảo thủ, sai không sửa. Hai là, đổ thừa cho cơ chế. “Tôi thấy khuynh hướng thứ hai dường như đang nổi lên rất mạnh. Chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề này. Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế. Cơ chế bao gồm luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn. Cấp nào phải có trách nhiệm rà soát để sửa? Vướng chỗ nào thì phải chỉ ra, xác định rõ sửa cái gì, sửa như thế nào… không phải chỉ nêu ra rồi đổ thừa cho thể chế. Ví dụ, tại sao đầu tư công năm ngoái giải ngân đạt tỷ lệ 98%, trong khi trước đó đều đạt thấp?” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá lại kết quả thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, tránh tình trạng chỉ đề nghị chính sách chi mà không chú ý tới chính sách thu, trong khi chính sách thu mới tạo ra nguồn lực để phát triển hoặc ban hành chính sách mà không thực hiện được.

Nhấn mạnh yêu cầu cần triển khai sớm và tổ chức thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, giảm tỷ lệ nợ đọng, tổng kết thực hiện hóa đơn điện tử, giao dịch xuyên biên giới…, Chủ tịch yêu cầu không lạm thu nhưng phải bảo đảm công bằng, bình đẳng. Các Luật thuế cần được sửa đổi để tạo dư địa nhiều hơn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu./.
 
​Kết luận nội dung thảo luận về dự kiến kế hoạch kinh tế, xã hội, tài chính, đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, về kế hoạch đầu tư công trung hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất: Dự kiến tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870 nghìn tỷ đồng, cơ cấu mức vốn và mức dự phòng như phương án Chính phủ trình; dự kiến bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 50.000 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 30.000 tỷ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững 20.000 tỷ đồng.

Đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Chính phủ dự kiến bố trí khoảng 183,253 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Trung ương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, trong đó dành 65,795 nghìn tỷ đồng cho 2 dự án chuyển tiếp và khởi công mới 1 dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư gồm: Dự án giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 1, dự án hồ chứa nước của Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. 3 dự án này đã đủ điều kiện đưa vào dự án quan trọng quốc gia, còn khoảng 38.000 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Số vốn còn lại khoảng 78,79 nghìn tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc. Với các dự án còn lại thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt và báo cáo Quốc hội để bảo đảm bảo đúng theo quy định của Luật Đầu tư công. Đối với danh mục dự án có đầy đủ chủ trương đầu tư sau khi Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng cần khẩn trương giao kế hoạch đầu tư công trung hạn bảo đảm đúng quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công.

Phương Ngọc