Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính về thực hiện một số giải pháp thu ngân sách Nhà nước trong năm 2021, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19

(sav.gov.vn) - Ngày 30/7/2021, Văn phòng Chính phủ có công văn số 5197/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc: Đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về thực hiện một số giải pháp thu ngân sách Nhà nước trong năm 2021, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, cùng Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, hoàn thiện đề xuất hỗ trợ theo theo trình tự thủ tục rút gọn, trình Thủ tướng trước ngày 10/8/2021 để xem xét, quyết định.

Chính phủ yêu cầu hỗ trợ mới cần được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá kỹ các giải pháp hỗ trợ đã thực hiện, nhằm điều chỉnh, bổ sung sát thực tế, hiệu quả và kịp thời hơn.

Các Bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để triển khai, bảo đảm thời hạn, chất lượng.

Gói hỗ trợ này ước tính khoảng 24.000 tỷ đồng, được Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trình Chính phủ trên thực tế các doanh nghiệp, người dân đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ làn sóng dịch Covid-19 quay trở lại.

Được biết, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với khoản trợ cấp 26.000 tỷ đồng, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh; giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch; ổn định sản xuất kinh doanh; đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Gói hỗ trợ này được mở rộng phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ, theo đó, 12 chính sách hỗ trợ gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19; hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất;  hỗ trợ đối với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, một tuần sau khi Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký thay Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (7/7/2021) quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Quyết định 23 cụ thể hoá một cách chi tiết nhất về cách thức thực hiện, thời gian tiến hành, quy trình giải quyết, cấp nào giải quyết phân cấp phân quyền rõ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh, đơn giản tối đa các thủ tục hành chính.

Bộ Lao động, Thương binh và xã hội thống kê, sau 15 ngày triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, tính đến 24/7/2021, nhóm chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, hỗ trợ cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với kinh phí 4.300 tỷ đồng với 11 triệu người lao động được thụ hưởng. Hiện chính sách thứ nhất này đã kết thúc.

Các đơn vị chức năng đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn cho tất cả người điều trị F0 và cách ly F1. Hơn 52.000 người bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương tại gần 6.000 doanh nghiệp đã được hưởng chính sách. 5.500 hộ sản xuất kinh doanh được nhận tiền hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai tái cấp vốn.

Qua một tuần triển khai Nghị định 68, 62 doanh nghiệp sử dụng lao động đã đăng ký và giải ngân 50,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 13.500 lao động. Hiện các địa phương đang đẩy nhanh hỗ trợ cho người lao động tự do, thất nghiệp vì Covid-19.

Đầu năm 2021, Chính phủ đã ban hành quy định về miễn, giảm, hoàn thuế được 147.300 tỷ đồng, miễn 30 loại phí và lệ phí, ban hành 17 Nghị định, 50 Thông tư, đặc biệt, thực hiện Nghị định 52 (về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021) đã giãn hoãn được 27,5 ngàn tỷ đồng.

Một số Nghị định của Chính phủ ban hành kịp thời đã mở đường cho việc phát triển nguồn lực như: Nghị định 60 thay thế Nghị định 16 quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 44 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19./.

Khánh Vy