Để không ngừng nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của KTNN, Đảng ủy KTNN xác định việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của Ngành là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Các văn bản do KTNN ban hành đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp
Sự quan tâm của Đảng ủy KTNN đối với công tác hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động KTNN được thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết số 103-NQ/ĐU ngày 11/3/2021 về “Lãnh đạo hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của KTNN” (Nghị quyết 103) với 6 giải pháp thực hiện, 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đây là cơ sở để Đảng bộ KTNN và các đảng bộ, chi bộ trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, đưa ra các giải pháp và tổ chức triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).
Là đơn vị có nhiệm vụ rà soát, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), văn bản quản lý của Ngành, Vụ Pháp chế cho biết: Tính đến ngày 20/6/2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký, ban hành 22 văn bản QPPL và văn bản quản lý, trong đó bao gồm Hệ thống Chuẩn mực KTNN, Hướng dẫn kiểm toán của KTNN trong các lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng và ban hành nhiều văn bản trong hoạt động kiểm toán như: Quy trình kiểm toán của KTNN, Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán, Quy định về danh mục hồ sơ kiểm toán…
Nhằm đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ giữa pháp luật của KTNN với hệ thống pháp luật của Nhà nước, KTNN đã tích cực tham gia góp ý hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với các dự án Luật như: Luật Quản lý thuế, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thanh tra... và các văn bản QPPL quan trọng có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN. 6 tháng đầu năm 2021, KTNN đã tham gia góp ý và thẩm định 61 lượt dự thảo văn bản của các đơn vị trong và ngoài Ngành gửi lấy ý kiến. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, theo dõi văn bản QPPL được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của KTNN. “Văn bản QPPL do KTNN ban hành phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn của Ngành, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất” - Bí thư Chi bộ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế KTNN Lại Xuân Nghị cho biết.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật KTNN phù hợp với bối cảnh mới
Bên cạnh những kết quả đạt đươc, công tác hoàn thiện về thể chế, tổ chức và hoạt động của KTNN còn một số khó khăn. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lại Xuân Nghị cho biết, một số văn bản QPPL về hoàn thiện thể chế, tổ chức và hoạt động của KTNN lần đầu tiên được xây dựng, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, thu thập tài liệu, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, trong khi phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung phức tạp, tài liệu tham khảo hạn chế. Ngoài ra, một số cấp ủy đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng văn bản; còn tình trạng văn bản ban hành chậm; sự phối hợp, tham gia xây dựng văn bản còn mang tính hình thức, chưa đi vào bản chất vấn đề nên hiệu quả và chất lượng chưa cao.
Mặt khác, hệ thống pháp luật hiện hành còn những khoảng trống pháp lý, quy định thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ, thậm chí một số văn bản pháp luật quan trọng có liên quan đến hoạt động của KTNN vẫn chưa được ban hành làm cơ sở để KTNN thực hiện các chức năng của mình. Vẫn còn văn bản mới được ban hành nhưng quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho hoạt động kiểm toán như quy định về Danh mục Bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực KTNN. Việc nghiên cứu, tiến hành xây dựng Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN đang tạm hoãn, xin giãn tiến độ để nghiên cứu thêm…
Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của KTNN trong thời gian tới, Chi bộ Vụ Pháp chế KTNN đề xuất, cấp ủy các đơn vị tiếp tục bám sát và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 103. Trong đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật KTNN và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN phù hợp với bối cảnh và xu hướng mới; thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về KTNN với hệ thống pháp luật, bảo đảm thiết chế KTNN có đủ năng lực pháp luật, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Nhà nước; đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, gắn với hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Đồng thời, các đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản tích cực đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch, thực hiện đúng quy trình xây dựng văn bản QPPL và văn bản quản lý theo quy định của KTNN; quan tâm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động của văn bản để đảm bảo sự phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động, đảm bảo tính khả thi của các quy định trong văn bản. Mặt khác, tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, nhất là đội ngũ làm công tác pháp chế ở các đơn vị…
Lê Hòa
(Theo Báo Kiểm toán số 30/2021)