Thu từ nội địa, từ hoạt động xuất nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2020
Riêng trong tháng 7/2021, tổng thu NSNN ước đạt 126,7 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 101,3 nghìn tỷ đồng; thu từ dầu thô ước đạt 3,1 nghìn tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 22,3 nghìn tỷ đồng.
7 tháng năm 2021, thu nội địa ước đạt 744 nghìn tỷ đồng, bằng 65,6% dự toán, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2020; thu từ dầu thô đạt 22 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2020; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 145,4 nghìn tỷ đồng, bằng 81,5% dự toán, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2020, trên cơ sở: Tổng số thu thuế ước đạt 229,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 84 nghìn tỷ đồng, bằng 61,5% dự toán.
Quán triệt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phù, với sự nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ứng phó với dịch Covid-19.
Được biết, trong 7 tháng năm 2021, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 37.601 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 358.640 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 7.378 vụ; kiến nghị xử lý tài chính 33.595.942 triệu đồng; số tiền đã thu nộp NSNN 4.194.131 triệu đồng.
Trong lĩnh vực thuế, cơ quan Thuế đã chủ trì, thực hiện 36.161 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành với số tiền kiến nghị xử lý tài chính là 25.972.311 triệu đồng; số tiền đã thu và nộp NSNN 3.261.248 triệu đồng.
Trong lĩnh vực hải quan, Thanh tra chuyên ngành hệ thống của Hải quan đã thực hiện 42 cuộc thanh, kiểm tra, tổng số tiền kiến nghị truy thu 49.141 triệu đồng; số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp 17.652 triệu đồng; số tiền các đơn vị được thanh tra đã nộp NSNN 117.691 triệu đồng.
Trong lĩnh vực quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, trong 7 tháng năm 2021, số thu nộp về Quỹ là 323 tỷ đồng. Số dự kiến thu từ lĩnh vực này từ Quỹ nộp vào NSNN năm 2021 là 40.000 tỷ đồng.
Ưu tiên chi cho phòng, chống Covid-19
Tổng chi cân đối NSNN tháng 7/2021 ước đạt 111,9 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 7 tháng ước đạt 810,6 nghìn tỷ, bằng 48% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 169,3 nghìn tỷ đồng, bằng 35% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi 65,2 nghìn tỷ đồng, bằng 59,2% dự toán; chi thường xuyên đạt 572,2 nghìn tỷ đồng, bằng 55,2% dự toán.
Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi NSNN 7 tháng năm 2021 được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị đã sử dụng NSNN. Cả NSTW và NSĐP đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trả nợ của Chính phủ trong tháng 7/2021 khoảng 23.905 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 19.843 tỷ đồng, trả nơ nước ngoài khoảng 4.062 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 233.674 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 198.901 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 34.773 tỷ đồng. Bộ Tài chính nhận định, tổng thể cân đối của NSNN trong 7 tháng năm 2021 có thặng dư.
Ưu tiên chi cho phòng, chống Covid-19, Trung ương đã chi 4,2 nghìn tỷ đồng từ dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí cho: Bộ Y tế mua vắc xin, các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng-chống Covid-19 là 1.799 tỷ đồng; kinh phí phòng chống dịch cho Bộ Công an là 389 tỷ đồng; Bộ Quốc phòng: 1.553 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 cho các địa phương 471 tỷ đồng. Các địa phương đã chi gần 2,4 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.