Bế mạc Phiên họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

(sav.gov.vn) - Chiều 18/8/2021, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra và bế mạc sau 2 ngày làm việc khẩn trương, tích cực và trách nhiệm cao. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp.

Nâng cao chất lượng công tác lập pháp cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các nội dung của Phiên họp đều được xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo trên nhiều mặt, nhiều ý kiến sâu sắc chất lượng, tâm huyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có sự thống nhất cao đối với các vấn đề quyết định theo thẩm quyền và các nội dung cho ý kiến, định hướng lớn để các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp tục chuẩn bị, đảm bảo nội dung có chất lượng tốt nhất trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Hai.

Về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là dự án Luật có phạm vi tác động rất lớn, toàn diện. Vì vậy, việc sửa đổi lần này cần phải được tiến hành một cách kỹ lưỡng và toàn diện để đảm bảo cho Luật sau khi được ban hành tạo được bước chuyển biến tích cực và rõ rệt trong công tác thi đua và khen thưởng, nhất là khắc phục cho được bệnh hình thức và bệnh thành tích trong tổ chức thi đua, khen thưởng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan trình và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, tọa đàm, hội thảo nhằm hoàn thiện dự án đạt chất lượng cao nhất để trình Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là dự án Luật đầu tiên của Quốc hội khóa XV nên phải đảm bảo cho quá trình xây dựng dự án Luật này trở thành hình mẫu tiêu biểu, hiện thực hóa được tầm nhìn, các định hướng, chủ trương, nâng cao chất lượng công tác lập pháp cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Về việc thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, các ý kiến phát biểu tập trung vào các nội dung về công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tình hình nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, công tác kiểm tra, công tác thanh tra, thu, chi bảo hiểm xã hội, đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, rà soát trách nhiệm về quản lý Nhà nước của các quỹ trong quản lý, trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật đối với các Quỹ này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, chỉ đạo cả về định mức, mức đóng của các đối tượng, rà soát lại phạm vi và mức chi sử dụng các Quỹ này để đảm bảo cho việc sử dụng đúng tính chất là các Quỹ ngắn hạn, hằng năm chỉ giữ lại khoảng 10% để làm công tác dự phòng, không để có số dư quá lớn như hiện nay, tránh tiêu cực và trục lợi trong việc sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội; đồng thời đề xuất các giải pháp để bảo đảm tính an toàn của Quỹ trong giới hạn, sử dụng chi phí cho bộ máy, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo công tác nghiên cứu xây dựng, xem xét trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa các tinh thần, các quan điểm lớn của Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nguyên tắc, định mức chung về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Tài chính rà soát, thống nhất các nội dung còn có ý kiến khác nhau hoặc cần phải làm rõ thêm để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi ký ban hành.

Về xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nguyên tắc định mức chung về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022; giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Tài chính rà soát, thống nhất các nội dung còn có ý kiến khác nhau hoặc cần phải làm rõ thêm để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi ký ban hành. Chủ tịch Quốc hội cho hay, Nghị quyết này cùng với Nghị quyết về định mức chi đầu tư công là căn cứ quan trọng cho việc xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và cho thời kỳ ổn định ngân sách trong thời gian tới.
 
Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác giám sát

Để đảm bảo đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022: Giám sát về việc thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Giám sát việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung thêm thành viên Đoàn giám sát ngoài thường trực các cơ quan của Quốc hội còn mời đại diện một số cơ quan của Chính phủ, Kiểm toán nhà nước và các chuyên gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Đoàn giám sát phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội xây dựng đề cương chi tiết và kế hoạch triển khai cụ thể, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền trước khi tổ chức thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập, giải thể cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân, bãi bỏ một số điều các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, giải thể cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, giao cho Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản và gửi xin ý kiến Thường vụ Quốc hội lần cuối, trước khi ký ban hành. Sau khi có quy chế mẫu, đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sớm ban hành Quy chế làm việc của từng đơn vị, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và áp dụng một cách có hiệu quả trong tổ chức hoạt động của các cơ quan của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc về việc phân định miền núi, vùng cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện, hiệu quả việc thực hiện để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chí và thực hiện phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất và đồng bộ để thực hiện các chính sách và pháp luật thể chế trong giai đoạn tiếp theo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo của Ban Dân nguyện về tình hình giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri, kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là lần đầu tiên Ban Dân nguyện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác này, nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng, do đó, thời gian tới sẽ đưa nội dung này vào hoạt động thường xuyên hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của công tác dân nguyện.
 
Bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung cho Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV

Về tổng kết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV và cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua báo cáo tổng kết cho thấy các vị đại biểu Quốc hội, cử tri dân và dư luận xã hội đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Nhất, cho rằng, mặc dù diễn ra trong bối cảnh tình hình hết sức đặc biệt nhưng kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã thành công rất tốt đẹp, đảm bảo an toàn tuyệt đối, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, với nhiều đổi mới theo hướng thiết thực và hiệu quả. Với tinh thần quyết tâm cao nhất, các cơ quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, nghiêm túc chuẩn bị các nội dung của các kỳ họp, trước mắt là Kỳ họp thứ Hai, đảm bảo chất lượng, tiến độ trình Quốc hội.
 
Toan canh phiên bế mạc
Nhấn mạnh tinh thần kỳ họp sau phải tốt hơn kỳ họp trước, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục tiết kiệm tối đa thời gian nhưng vẫn đảm bảo được khối lượng, chất lượng của các nội dung trình Quốc hội.

Tại phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 1 dự án Luật và các báo cáo sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai; quyết định theo thẩm quyền một số nội dung khác

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay sau phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan để hoàn thiện báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ Nhất và tiếp tục hoàn thiện dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Hai gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Đối với các nội dung khác, đề nghị Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban có liên quan của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng triển khai các kết luận tại phiên họp, đồng thời hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết để trình ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, nhằm kịp thời triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chương trình công tác năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát, đề xuất việc bổ sung, điều chỉnh dự kiến các nội dung trong 4 phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ nay đến cuối năm 2021. Đồng thời, trong trường hợp cần thiết có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên không thường kỳ hoặc phiên họp chuyên đề để kịp thời giải quyết những nội dung mà Chính phủ trình, nhất là cụ thể hóa Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; hoặc tổ chức phiên họp chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo yêu cầu chất lượng cao hơn đối với các dự án Luật, Nghị quyết trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội lý giải, nếu như phiên họp thường kỳ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết những vấn đề căn cơ còn những vấn đề về xây dựng pháp luật có thể họp phiên chuyên đề. Vì vậy, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội nghiên cứu đề xuất thực hiện; đề nghị Thường trực các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát các nội dung được thông báo, tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ cũng như đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ của mỗi nội dung.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp để hoàn thiện các báo cáo, dự thảo nghị quyết bảo đảm yêu cầu về chất lượng, thời gian

Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ nay đến Kỳ họp thứ Hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ còn phiên họp tháng 9 và tháng 10 để xem xét tất cả các nội dung sẽ trình Quốc hội. Nhấn mạnh khối lượng công việc là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan có liên quan bám sát kết luận để tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung, bảo đảm chất lượng, tiến độ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán nhà nước chủ động, tích cực phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai hiệu quả những công việc theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, không để diễn ra tình trạng chậm trễ các nội dung của phiên họp, kỳ họp hoặc rút nội dung do không kịp chuẩn bị hoặc bổ sung những nội dung rất khẩn cấp nhưng lại không đảm bảo quy trình thủ tục, chất lượng.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Nghị quyết về việc thành lập, giải thể các Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân./.

Phương Vân