Nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương chậm

Dẫn con số từ 4 địa phương (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) thuộc địa bàn kiểm toán của đơn vị, KTNN chuyên ngành III đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương này trong giai đoạn vừa qua đạt thấp.

Tỷ lệ giải ngân thấp hơn nhiều so với kế hoạch

Theo KTNN khu vực III, tại TP. Đà Nẵng, tổng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2017-2019 là 24.165 tỷ đồng, giải ngân 15.633 tỷ đồng, đạt tỷ lệ bình quân 65,2%. Năm 2020, kế hoạch giao 12.349 tỷ đồng, giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 3.606 tỷ đồng, tỷ lệ tương đương 29,2% so với kế hoạch giao. Tại tỉnh Quảng Nam, tổng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2017-2019 là 21.502 tỷ đồng, giải ngân 17.743 tỷ đồng, đạt bình quân 85,3%. Năm 2020, kế hoạch giao 4.112 tỷ đồng, giải ngân 6 tháng đầu năm là 1.538 tỷ đồng, đạt 37,4% so với kế hoạch giao.

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2017-2019 là 15.382 tỷ đồng, giải ngân 13.164 tỷ đồng, đạt bình quân 85,6%. Năm 2020, kế hoạch vốn đầu tư công được giao 4.877 tỷ đồng, giải ngân 6 tháng đầu năm 1.564 tỷ đồng, đạt 32% so với kế hoạch. Với tỉnh Bình Định, kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2017-2019 là 14.206 tỷ đồng, giải ngân 11.019 tỷ đồng, đạt bình quân 75,9%. Năm 2020, kế hoạch vốn đầu tư công được giao 3.994 tỷ đồng, giải ngân 6 tháng đầu năm 2.623 tỷ đồng, đạt 66,5% so với kế hoạch.
Lãnh đạo KTNN khu vực III đánh giá, kết quả kiểm toán cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh, thành phố do KTNN khu vực III phụ trách vẫn còn chậm, chưa đạt so với kế hoạch được giao, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó có nguyên nhân do công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương chưa chặt chẽ và chưa sát với thực tiễn. Cụ thể, theo kết quả kiểm toán, các tỉnh, thành phố chưa tuân thủ nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí lập, phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm dẫn đến việc phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Đơn cử, kế hoạch trung hạn của TP. Đà Nẵng đến ngày 30/6/2020 đã phải điều chỉnh 3 lần, phân bổ vốn cho dự án trong kế hoạch không có căn cứ, thiếu cơ sở nên phải điều chỉnh nhiều lần như Dự án Cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà. Có trường hợp lập danh mục cho phần vốn đối ứng khi Hiệp định vay vốn chưa được ký kết; không xác định số vốn cho dự án trong kế hoạch trung hạn.

Cùng với đó là tình trạng không phân bổ hết số vốn kế hoạch trung hạn và hằng năm, bố trí dự phòng lớn mà không xác định được danh mục để phân bổ. Do chất lượng công tác kế hoạch, quy hoạch, chuẩn bị đầu tư chưa tốt, tính dự báo còn hạn chế dẫn đến khi có nguồn vốn không có dự án để phân bổ. Có địa phương phải điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2018 đến cuối năm và vẫn để dự phòng 565 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2020 đến ngày 30/6/2020 vẫn để dự phòng 1.966 tỷ đồng.

KTNN khu vực III cũng chỉ ra tình trạng bố trí kế hoạch vốn hằng năm cho các dự án khi chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định (như chưa có quyết định phê duyệt dự án; dự án sử dụng ODA nhưng Hiệp định vay chưa ký kết), dẫn đến không giải ngân được. Chẳng hạn, tại 1 địa phương đã bố trí kế hoạch vốn năm 2018 cho 7 dự án nhưng chưa có thủ tục đầu tư với số tiền 1.023 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng kế hoạch vốn; năm 2019 bố trí vốn cho 5 dự án nhưng chưa có thủ tục đầu tư với số tiền 911 tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng kế hoạch vốn.
 
Các địa phương gặp khó trong giải phóng mặt bằng

KTNN khu vực III còn chỉ ra thực trạng địa phương bố trí vốn vượt quá nhu cầu giải ngân, bố trí vốn cho các dự án đang vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Còn ở địa phương khác, một số nguồn vốn giao kế hoạch vốn dự kiến, nhưng trong năm nguồn thu không đạt, dẫn đến không có vốn để giải ngân. Có thể kể đến như tại tỉnh Bình Định, năm 2018, nguồn thu sử dụng đất theo số kế hoạch vốn là 1.199 tỷ đồng nhưng thực hiện chỉ đạt 600 tỷ đồng, số kế hoạch vốn phải hủy bỏ là 599 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do có 4 dự án không thực hiện thu được tiền sử dụng đất như dự kiến đầu năm, tuy nhiên, địa phương đã không kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương này đạt thấp là công tác tổ chức thực hiện kế hoạch: từ công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, thiết kế - dự toán; GPMB; lựa chọn nhà thầu; ký kết hợp đồng, tạm ứng hợp đồng; phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành còn nhiều bất cập.

Theo đánh giá của KTNN khu vực III, công tác chuẩn bị đầu tư ban đầu để có quyết định phê duyệt dự án làm cơ sở cho việc bổ sung dự án vào kế hoạch trung hạn và phân bổ kế hoạch vốn hằng năm không tốt và bị động. Đối với dự án khởi công mới, mặc dù đã có quyết định phê duyệt dự án từ ngày 31/10 năm trước, tuy nhiên, chủ đầu tư không chủ động thực hiện ngay bước lập thiết kế - dự toán mà chờ được ghi kế hoạch vốn và đến đầu năm sau mới triển khai các bước tiếp theo, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, dẫn đến cuối năm không có khối lượng để giải ngân. Thêm vào đó, các chủ đầu tư vẫn còn tâm lý chủ quan, dồn tích đến cuối thời điểm kết thúc mới tổ chức nghiệm thu thanh toán, nên khi xảy ra tình huống bất lợi sẽ không kịp giải ngân; hoặc các chủ đầu tư dồn dập thanh toán vào thời điểm cuối năm dẫn đến hệ thống thanh toán bị quá tải, gây chậm giải ngân và nảy sinh nhiều tiêu cực.

Một trong những khó khăn, vướng mắc xảy ra ở hầu hết các địa phương là công tác GPMB. KTNN khu vực III đánh giá, đơn giá bồi thường về đất, tài sản gắn liền trên đất chưa phù hợp với thực tế của thị trường. Công tác tuyên truyền về chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB chưa kịp thời, đảm bảo minh bạch… dẫn đến người dân không chịu bàn giao mặt bằng thi công. Bên cạnh đó, việc giao nhiệm vụ GPMB hiện nay còn bất cập khi địa phương ghi kế hoạch vốn cho các ban quản lý dự án để thực hiện tạm ứng theo đề nghị của ban GPMB quận, huyện trực tiếp chi trả, nhưng do vướng không GPMB được nên các ban GPMB không chi trả được cho nhân dân, dẫn đến không có khối lượng để hoàn ứng với các ban quản lý dự án. Điển hình như TP. Đà Nẵng, giai đoạn 2017-2019, do vướng GPMT không thể giải ngân được trên 2.000 tỷ đồng, chiếm gần 10% vốn đầu tư giai đoạn; tỉnh Bình Định năm 2019, tại Dự án đường phía Tây tỉnh, kế hoạch vốn nguồn trái phiếu chính phủ 352 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 181 tỷ đồng, đạt 51,47%, số còn lại 171 tỷ đồng phải kéo dài do vướng GPMB.n
 
Phúc Khang
(Báo Kiểm toán số 35/2021)