Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XV khai mạc Phiên họp thứ 3: Tập trung cho ý kiến về công tác xây dựng pháp luật và công tác giám sát

(sav.gov.vn) - Sáng 13/9/2021, tại Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 3. Theo dự kiến chương trình, phiên họp kéo dài 9 ngày làm việc từ ngày 13 đến 22/9/2021, UBTVQH sẽ cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 và xem xét, quyết định một số nội dung theo thẩm quyền.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, phiên họp sẽ tập trung cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của UBTVQH.

Theo đó, UBTVQH sẽ cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét lần đầu đối với 6/7 dự án Luật bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các dự án Luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu thi hành các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết như CPTPP, EVFTA, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, điện ảnh, thống kê, tăng cường xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động vững mạnh, tinh nhuệ. “Thời gian vừa qua, các cơ quan của Quốc hội đã vào việc từ rất sớm, chủ động phối hợp với cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách đã chủ động cho ý kiến về những định hướng lớn, những yêu cầu nội dung cần đạt được trong các dự án Luật lần này. Sau đó, các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực cũng tiếp tục cho ý kiến và Thường trực các Ủy ban của Quốc hội đã họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ đối với các dự án Luật”- Chủ tịch Vương Đình Huệ chia sẻ.

Tuy nhiên, nhằm hoàn thiện kỹ hơn nữa để chất lượng các dự án Luật đạt được kết quả như mong đợi, khắc phục tình trạng “Luật ống”, “Luật khung", tuổi thọ của Luật ngắn, sửa đổi, bổ sung chưa bao quát hết các vấn đề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sâu hơn, tập trung phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, xem xét các chính sách mới có đảm bảo hợp lý, chặt chẽ, tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
 

Quang cảnh phiên khai mạc

Tại phiên họp, UBTVQH sẽ thực hiện công tác giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo: Tình hình thi hành Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo công tác của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của năm 2021; kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội; báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội trong tháng 8/2021.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH tập trung cho ý kiến một số vấn đề để nâng cao chất lượng các báo cáo và hiệu quả hoạt động giám sát.
Bên cạnh việc cho ý kiến về các báo cáo, UBTVQH sẽ xem xét kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát các chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH năm 2022 để việc triển khai hoạt động giám sát chuyên đề được chủ động, đạt kết quả và chất lượng. Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là nét mới của công tác giám sát đối với các cuộc giám sát tối cao của Quốc hội.

Ngoài ra, UBTVQH cho ý kiến để trình Quốc hội quyết định về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; về Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; về kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước.

UBTVQH cũng xem xét, quyết định việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; xem xét, quyết định việc thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời cho ý kiến về việc ký điều ước quốc tế có nội dung Việt Nam cung cấp văn phòng làm trụ sở làm việc cho Tòa trọng tài thường trực (PCA).

UBTVQH tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; thảo luận kỹ hơn về 3 phương án tổ chức kỳ họp, chương trình, nội dung cụ thể để đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế, diễn biến của công tác phòng, chống dịch.

“Phiên họp có tổng khối lượng công việc lớn với hơn 9 ngày làm việc, tập trung nhiều nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Do đó, các thành viên UBTVQH cần làm việc hết sức tập trung, cố gắng cao nhất hoàn thành chương trình theo thời gian dự kiến, bảo đảm các nội dung trình Quốc hội đạt chất lượng cao; các cơ quan trình cũng cần tham dự chủ động và trách nhiệm đảm bảo cho phiên họp thành công tốt đẹp." - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo chương trình phiên họp, sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)./.

Phương Ngọc