Theo đó, quy định gồm 4 Chương, 17 điều quy định rõ về chức năng, phạm vi chỉ đạo, nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo; áp dụng đối với Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Theo Quy định, Ban Chỉ đạo do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước.
Phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo gồm: Chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị cả nước.
Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện; hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tuân thủ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tôn trọng, không làm cản trở hoạt động bình thường và không làm thay nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo có 7 nhóm: Tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm…
Quy định nêu rõ, Ban Chỉ đạo có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền báo cáo về xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; về giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực; thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý.
Yêu cầu việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý khi có căn cứ cho rằng việc kết luận, xử lý chưa khách quan, chính xác, nghiêm minh.
Yêu cầu các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định.
Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương TW về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, tháng 8/2021.
Kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thành lập các ban chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc để trực tiếp chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định khi có căn cứ cho rằng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp quản lý thì báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo, cấp ủy quản lý cán bộ để kịp thời chỉ đạo xử lý.
Chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ủy ban kiểm tra thuộc cấp ủy quản lý cán bộ để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng. Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển...
Quy định cũng nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng thành viên Ban Chỉ đạo; Quyền hạn của Ban Chỉ đạo; Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, Thường trực Ban, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (Ban Nội chính Trung ương).
Ban Chỉ đạo làm việc theo chương trình hàng năm, họp thường kỳ 6 tháng một lần và họp bất thường khi cần. Thường trực Ban Chỉ đạo họp thường kỳ 3 tháng một lần và họp bất thường khi cần./.
Khánh Vy
Nhân sự Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trưởng ban: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Phó Trưởng ban Thường trực: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Các Phó Trưởng ban:
1. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
2. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.
3. Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
4. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Các Ủy viên:
1. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai
2. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Lương Cường.
3. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Chánh Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.
4. Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
5. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
6. Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí.
7. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh.
8. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.
9. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
10.Ủy viên Trung ương Đảngg, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
11. Ủy viên Trung ương Đảng Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng.