Họp Ban soạn thảo Giáo trình Lý thuyết kiểm toán

(sav.gov.vn) - Chiều 28/9/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, Ban soạn thảo Giáo trình Lý thuyết kiểm toán (Giáo trình) đã họp, cho ý kiến xây dựng đề cương Giáo trình.

Giáo trình Lý thuyết kiểm toán được xây dựng nhằm cung cấp kiến thức nền tảng và cập nhật về kiểm toán nói chung cho sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán, trong đó có một số lưu ý đến hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực công. Giáo trình cũng gợi mở các nội dung liên quan đến xu hướng phát triển của kiểm toán trong tương lai cũng như các vấn đề đương đại để giúp học sinh, sinh viên có cá nhìn tổng thể về định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Khung nội dung của Giáo trình báo gồm 8 chương: Chương 1- Tổng quan về kiểm toán; Chương 2- Đạo đức nghề nghiệp và các quy định về kiểm toán; Chương 3- Khung lý thuyết kiểm toán; Chương 4- Quản trị tổ chức, kiểm soát nội bộ và kiểm toán; Chương 5- Chuẩn bị kiểm toán; Chương 6- Thực hiện kiểm toán; Chương 7- Kết thúc kiểm toán; Chương 8- Những vấn đề đương đại về kiểm toán.

Tại cuộc họp, các thành viên trong Ban soạn thảo đã thảo luận, trao đổi nhằm thống nhất một số nội dung cụ thể trong Giáo trình như: Nội dung các chương; các câu hỏi ôn tập, thực hành; tài liệu tham khảo... Các thành viên cũng cơ bản thống nhất với dự kiến phân công nhiệm vụ của mỗi cá nhân, đồng thời cho ý kiến về tiến độ triển khai công việc theo từng mốc thời gian cụ thể.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cho rằng, đối tượng sử dụng Giáo trình Lý thuyết kiểm toán chủ yếu là sinh viên, vì vậy nội dung Giáo trình phải đảm bảo lý thuyết chung về kiểm toán. Bên cạnh đó, trong Giáo trình cũng cần phải đề cập đến vai trò và mối quan hệ giữa KTNN với các chủ thể khác như kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ; xem xét kỹ các nội dung trong từng chương để cân đối, tránh trùng lặp giữa các chương, đề mục.

Theo Phó Tổng Kiểm toàn nhà nước, nội dung trong Giáo trình cần nêu rõ về 3 loại hình gồm: Kiểm toán tuân thủ, kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động; các chuẩn mực, khung quy định về kiểm toán và kiểm soát.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị, kết thúc mỗi chương, bố trí từ 5 đến 10 câu hỏi phục vụ cho việc ôn tập và thực hành của học viên, đồng thời, bổ sung tài liệu tham khảo và các tài liệu liên quan đến Giáo trình.

Về tiến độ xây dựng đề cương, Ban soạn thảo dự kiến sẽ hoàn thiện và trình đề cương chi tiết Giáo trình Lý thuyết kiểm toán ngày 08/10/2021, bảo vệ đề cương ngày 31/10/2021 và ban hành đề cương chi tiết ngày 15/11/2021. Theo kế hoạch, sẽ ban hành chính thức Giáo trình Lý thuyết kiểm toán vào tháng 11/2022./.

M.Thúy