Từ đầu năm 2021 tới nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thu, chi, cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN). Để ứng phó với dịch bệnh, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất năm 2020 và 2021 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Dự kiến tổng giá trị gói hỗ trợ trên 139 nghìn tỷ đồng, trong đó gia hạn thuế, tiền thuê đất khoảng 115 nghìn tỷ đồng; miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền chậm nộp khoảng 24,3 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính nhận định, mặc dù kết quả thu NSNN 9 tháng năm 2021 ước đạt 80,2%, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng từ đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát đến nay, thu nội địa từ thuế và phí có xu hướng giảm, cụ thể: Tháng 6/2021 tăng 9,1%, tháng 7/2021 giảm 10,8%, tháng 8/2021 giảm 21% và tháng 9/2021 giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2020; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 8 và 9/2021 cũng đều giảm mạnh.
Theo Bộ Tài chính, trong 3 tháng cuối năm 2021, Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc xử lý xử lý thu hồi nợ đọng, phấn đấu tăng thu ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp cho số giảm thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thêm nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cân đối NSNN năm 2021.
Theo đó, để đảm bảo cân đối nguồn thu, Bộ Tài chính tiếp tục sử dụng linh hoạt chính sách tài khóa bằng việc triển khai các giải pháp thu như tập trung thu các lĩnh vực tiềm năng lâu nay không thu được nhưng không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đó là thu trên nền tảng số, các sàn thương mại điện tử và triển khai thu các lĩnh vực tiềm năng như thu từ khoáng sản.
Bộ Tài chính sẽ sử dụng chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm để kích thích, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, ngành Tài chính đang và sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhằm hiện đại hóa thu nộp NSNN.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chi tiêu NSNN, đảm bảo chi tiêu tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả; thực hiện cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động thêm các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để chi cho công tác phòng, chống Covid-19, giảm áp lực chi cho NSNN.
Theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 về dự toán NSNN năm 2021, tổng số thu NSNN năm 2021 dự toán là 1.343.330 tỷ đồng; tổng số chi NSNN là 1.687.000 tỷ đồng; mức bội chi NSNN là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP, trong đó bội chi ngân sách Trung ương là 318.870 tỷ đồng (3,7% GDP), bội chi ngân sách địa phương là 24.800 tỷ đồng (0,3% GDP). Tổng mức vay của NSNN là 608.569 tỷ đồng./.
Khánh Vy