KTNN tham gia chia sẻ kiến thức tại Hội nghị ''Giới thiệu kiến thức và kỹ năng cơ bản cho đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử lần đầu''

(sav.gov.vn) - Sáng 08/10/2021, tại Nhà khách Văn phòng Quốc hội, thay mặt Kiểm toán nhà nước (KTNN), Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa trình bày chuyên đề: “Quốc hội với việc sử dụng kết quả kiểm toán về Ngân sách Nhà nước” (NSNN) tại Hội nghị Giới thiệu kiến thức và kỹ năng cơ bản cho đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử lần đầu.

Hội nghị do Ban Công tác đại biểu của Quốc hội tổ chức nhằm giới thiệu cho Đại biểu Quốc hội mới trúng cử những kiến thức về hoạt động lập pháp và quyết định NSNN; một số kỹ năng cơ bản cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của đại biều ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và chỉ đạo Hội nghị.
 
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp… cùng hơn 50 đại biểu Quốc hội trúng cử lần đầu là Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội,
 
Chuyên đề do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa giới thiệu tập trung vào các nội dung: Tổng quan về KTNN; Quy trình quản lý NSNN; Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương; Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm; Khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán để phục vụ việc thẩm tra, quyết định dự toán NSNN; Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thông tin, dữ liệu của các Đại biểu Quốc hội.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa trình bày tại Hội nghị


Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, hiện nay, các văn bản quy định hiện hành đều yêu cầu sự tham gia của KTNN đối với dự toán NSNN và phân bổ NSTW với các mức độ khác nhau. Cách thức tham gia của KTNN thông qua: Phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan có liên quan trong quá trình lập, xây dựng các báo cáo (Tổ chức trao đổi ý kiến, tham gia các cuộc thảo luận…); Tham dự phiên họp của Chính phủ; Tham gia với các Ủy ban khác của Quốc hội trong việc xem xét, thẩm tra báo cáo; Thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN; Lập và gửi báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN theo quy định; Tham gia ý kiến bằng văn bản về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW; Tham dự phiên họp do Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì (trước khi Ủy ban trình báo cáo thẩm tra tới Ủy ban thường vụ Quốc hội).
 
Căn cứ nhiệm vụ được giao và các quy định hiện hành về việc tham gia của KTNN vào quá trình lập dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW hàng năm, thời gian qua, KTNN đã chủ động, tích cực chuẩn bị các ý kiến của KTNN về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW trên cơ sở các kết quả kiểm toán của KTNN đã thực hiện và thông tin thu thập từ việc tham gia vào quá trình thảo luận, thẩm tra và quyết định dự toán NSNN theo quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, từ năm dự toán 2017 đến nay, bên cạnh việc tham gia ý kiến trực tiếp tại các phiên thảo luận dự toán NSNN, tham gia ý kiến trong quá trình lập và hoàn thiện dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW của Bộ Tài chính, KTNN đều có Báo cáo ý kiến về dự toán NSNN hàng năm trình Quốc hội, trong đó bao gồm các nội dung đánh giá tương ứng với Báo cáo dự toán của Chính phủ, trong đó KTNN đánh giá về tình hình thực hiện thu, chi NSNN năm hiện hành; dự kiến thu, chi NSNN năm tiếp theo; khả năng thực hiện cũng như các yếu tố tác động, đánh giá về phương án phân bổ NSTW cho các lĩnh vực chi lớn (khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế,…); bổ sung có mục tiêu cho các địa phương…. Làm cơ sở cho Quốc hội quyết định phê chuẩn dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW.

Hàng năm, Báo cáo ý kiến của KTNN về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW trình Quốc hội bao gồm hai nội dung chính:

Đánh giá tình hình thực hiện dự toán của năm trước năm dự toán. Do đặc điểm lập dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW được thực hiện trong quý II và quý III của năm trước năm dự toán, KTNN sẽ cung cấp các thông tin, đánh giá của KTNN về tình hình thực hiện dự toán NSNN các tháng đầu năm trên cơ sở: Báo cáo đánh giá của Chính phủ; Các kết quả kiểm toán của KTNN tính đến thời điểm kiểm toán liên quan đến năm đánh giá; Kinh nghiệm của KTNN qua kết quả kiểm toán các năm trước; Thông tin trên các phương tiện truyền thông... Trong đó, KTNN tập trung vào làm rõ một số nội dung liên quan đến thu NSNN và chi NSNN.

Đánh giá dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW của năm dự toán do Chính phủ lập trình Quốc hội được KTNN thực hiện dựa trên: Kết quả kiểm tra, rà soát hồ sơ, tài liệu gửi về KTNN; Kết quả tham gia thảo luận về dự toán NSNN của KTNN; Kinh nghiệm của KTNN qua kết quả kiểm toán các năm....

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, trong quá trình thẩm tra, quyết định dự toán NSNN, người sử dụng thông tin có thể sử dụng các kết quả kiểm toán theo 02 quy trình bao gồm:

Quy trình chủ động sử dụng kết quả kiểm toán: Người sử dụng thông tin tiếp cận trực tiếp đến các kết quả, phát hiện kiểm toán tại các Báo cáo kiểm toán phát hành; Báo cáo ý kiến của KTNN về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW; Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN và Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm của KTNN để xác định các nội dung, vấn đề cần quan tâm để củng cố, mở rộng thông tin phục vụ công tác thẩm tra, quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW và phê chuẩn quyết toán NSNN.

Quy trình khai thác thông tin từ các Báo cáo kiểm toán của KTNN: Người sử dụng thông tin căn cứ trên nhu cầu thông tin của mình, tiến hành khai thác, tìm kiếm các kết quả kiểm toán có liên quan để sử dụng trong quá trình thẩm tra, quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW và phê chuẩn quyết toán NSNN.

Lưu ý một số vấn đề trong thẩm tra, quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW và phê chuẩn quyết toán NSNN trong giai đoạn hiện nay, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, thực tiễn hoạt động kiểm toán trong thời gian qua cho thấy việc thẩm tra, phê chuẩn quyết toán NSNN nên tập trung vào: Tổng số thu NSNN đạt và vượt dự toán được giao, nhưng cơ cấu thu nội địa, XNK, thu từng lĩnh vực không đạt dự toán, nhất là thu từ hoạt động SXKD; Thẩm tra sử dụng dự phòng NSTW tập trung vào thẩm quyền, mục tiêu ; Thẩm tra việc sử dụng tăng thu so với dự toán tập trung việc xác định số tăng thu, thẩm quyền, nội dung sử dụng tăng thu..; Thẩm tra trích lập và sử dụng quỹ dự trữ tài chính ở địa phương (cấp tỉnh) tập trung nguồn hình thành, thẩm quyền sử dụng, mục tiêu sử dụng...; Thẩm tra việc cho ứng trước dự toán năm sau tập trung vào thẩm quyền quyết định và đối tượng được ứng trước dự toán; Thẩm tra khoản chi chuyển nguồn tập trung thẩm quyền quyết định chi chuyển nguồn, điều kiện thực hiện và kế toán, quyết toán ngân sách…

Việc thẩm tra, quyết định dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW nên tập trung: Xem xét kết quả đánh giá, ước thực hiện dự toán năm trước có phù hợp với thực tiễn không? Có rủi ro trong việc thực hiện dự toán trong các tháng còn lại không? Có nội dung gì có thể có tác động đến việc lập dự toán NSNN năm tiếp theo không? Thẩm tra việc tuân thủ các qui định về giao chỉ tiêu thu của Trung ương và địa phương, tính bao quát các nguồn thu và khả năng thu, khả năng dự báo đầy đủ và phù hợp các nhân tố tác động đến thu NSNN trong các số liệu dự toán thu NSNN; Thẩm tra các chỉ tiêu dự toán thu NSNN có mang tính tích cực, đặc biệt là các khoản thu tiền sử dụng đất; Thẩm tra việc bố trí dự toán cho các lĩnh vực có đảm bảo quy định của Đảng và Nhà nước; Thẩm tra dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW hàng năm có phù hợp với Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 05 năm, kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm; Xem xét tính cân đối giữa thu, chi ngân sách trong dự toán NSNN; xác định mức dự kiến bội chi và đánh giá kế hoạch nguồn bù đắp…
 
Để nâng cao hiệu quả khai thác thông tin, dữ liệu của các Đại biểu Quốc hội đối với kết quả kiểm toán của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước kiến nghị, cần thiết phải có sự quan tâm nghiên cứu, hiểu rõ của các Đại biểu Quốc hội về Báo cáo kiểm toán, Báo cáo ý kiến về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW hàng năm của KTNN để có thể sử dụng triệt để, đúng mức kết quả kiểm toán, từ đó có thông tin phục vụ cho việc ra các quyết định về vấn đề NSNN. Thông tin về tình hình NSNN rất nhiều, rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên trong mỗi kỳ họp, các Đại biểu nên chọn lựa những vấn đề, những thông tin thiết thực, trọng yếu vừa mang tính tổng quát vừa mang tính chiến lược, phù hợp những vấn đề kinh tế - tài chính mà Quốc hội và cử tri quan tâm…Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, KTNN sẽ tiếp tục khắc phục được những hạn chế trong hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm toán nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho các Đại biểu Quốc hội.

Tại Hội nghị, các đại biểu nghe GS.TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII trình bày chuyên đề về thẩm tra và kỹ năng thẩm tra dự án luật, pháp lệnh; nghe TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV trình bày chuyên đề về kỹ năng phát biểu, thảo luận, tranh luận và kỹ năng tiếp xúc, trả lời với báo chí tại hội trường./.
 
Ngọc Bích