Bảo đảm chất lượng cao nhất Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV
(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4 của Quốc hội, sáng 13/10/2021, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Theo đó, tổng thời gian làm việc của Quốc hội dự kiến 17 ngày: Đợt 1 là 11 ngày, từ ngày 20/10 đến 1/11; đợt 2 là sáu ngày, từ ngày 8 đến ngày 13/11/2021.
Tham dự Phiên họp có đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương. Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh dự phiên họp.
Quốc hội sẽ xem xét thông qua hai dự án Luật và 5 dự thảo Nghị quyết
Báo cáo một số vấn đề chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự kiến tại Kỳ họp thứ 2 sẽ bố trí thảo luận Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (trong đó có nội dung về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15) cùng với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước (NSNN). Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung nội dung việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do hiện nay còn dư luận người dân một số nơi phản ánh chưa nhận được hỗ trợ; bổ sung dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2.
Trong dự kiến chương trình kỳ họp sẽ bố trí thời gian để tổ chức trang trọng lễ mặc niệm cán bộ y tế, chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử vong do đại dịch Covid-19 trong phiên khai mạc.
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Báo cáo về thực hiện Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh Châu Âu sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội sau khi Hiệp định có hiệu lực và được triển khai thực hiện. Các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế đến nay đã bảo đảm về hồ sơ nên cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị chưa bố trí Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào chương trình Kỳ họp thứ 2 để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp sau.
Ngoài ra, dự kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét thông qua hai dự án Luật và các dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp) gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến…
Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến 5 dự án Luật gồm: Dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Vẫn duy trì hoạt động chất vấn để giám sát
Liên quan đến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội đã đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đề xuất vấn đề chất vấn. Đến nay đã nhận được văn bản của 54 Đoàn đại biểu Quốc hội và 3 đại biểu Quốc hội với 59 nhóm vấn đề chất vấn, và chưa nhận được ý kiến đề xuất của 9 Đoàn đại biểu Quốc hội.
Quang cảnh phiên họp ngày 13/10/2021
Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp đề xuất chất vấn của các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ căn cứ vào quy định để lựa chọn nhóm vấn đề và người trả lời chất vấn, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Góp ý từ các đoàn đại biểu Quốc hội, có ý kiến đề nghị nên thay hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp bằng hoạt động "lắng nghe hiến kế của nhân dân" thông qua đại biểu Quốc hội để đưa ra các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, chuyển đời sống kinh tế - xã hội sang trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Cường nêu rõ, thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình; việc phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã truyền tải ý kiến của Nhân dân và cử tri đến với Quốc hội. Trong khi đó, hoạt động chất vấn tại kỳ họp là một hình thức giám sát, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Chính phủ để tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm ra các giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội...
Vì vậy, trong chương trình kỳ họp dự kiến vẫn sẽ dành 2,5 ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, dự kiến sẽ diễn ra tại kỳ họp tập trung vào tháng 11.
Họp trực tuyến kết hợp trực tiếp
Về thời gian tiến hành kỳ họp, để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội cho giảm thời gian trình bày tờ trình, báo cáo từ 15 phút xuống còn 10 phút (dự kiến giảm khoảng 0,5 ngày so với phương án trình bày 15 phút/tờ trình, báo cáo). Đồng thời, đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về rút ngắn thời gian thảo luận ở Tổ, giảm thời gian thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa; điều chỉnh thời điểm xem xét một số nội dung.
Theo đó, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17 ngày: Đợt 1 là 11 ngày, từ ngày 20/10 đến 1/11; đợt 2 là 6 ngày, từ ngày 8 – 13/11 (giảm 2 ngày so với dự kiến gửi đại biểu Quốc hội).
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đã dự kiến chương trình kỳ họp dự phòng trường hợp dịch bệnh trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp, Quốc hội phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch.
Theo phương án họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung, việc biểu quyết thông qua các dự thảo luật, nghị quyết (tại đợt 2) vẫn áp dụng hình thức biểu quyết điện tử như thông lệ, riêng việc thông qua chương trình kỳ họp (tại phiên trù bị) đề nghị áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad.
Trong trường hợp họp trực tuyến cả kỳ, Văn phòng Quốc hội đề nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội cho áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad đối với các dự thảo Luật, Nghị quyết; đồng thời, đề nghị dự phòng phương án biểu quyết bằng giơ tay và bỏ phiếu kín.
Về biểu quyết bằng bỏ phiếu kín, Quốc hội bầu Ban kiểm phiếu gồm Trưởng ban và các thành viên là đại biểu Quốc hội với thành phần như sau: Bộ phận thường trực gồm một số đại biểu Quốc hội ở Hà Nội; Bộ phận kiểm phiếu ở các Đoàn gồm: Trưởng Đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn chuyên trách là tổ trưởng và một hoặc hai thành viên là đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố. Việc biểu quyết bầu Ban kiểm phiếu tiến hành bằng hình thức giơ tay.
Ban kiểm phiếu sau khi được thành lập sẽ điều hành toàn bộ việc biểu quyết thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết của kỳ họp bằng hình thức bỏ phiếu kín. Phiếu biểu quyết sẽ được thành viên Ban kiểm phiếu phát cho đại biểu Quốc hội để biểu quyết về từng nội dung.
Sau khi đại biểu biểu quyết xong, thành viên ban kiểm phiếu tại các địa phương sẽ thu phiếu, kiểm phiếu và báo cáo kết quả về bộ phận thường trực tại điểm cầu Nhà Quốc hội để tổng hợp kết quả kiểm phiếu chung tại Nhà Quốc hội và báo cáo Quốc hội về kết quả biểu quyết tại phiên họp toàn thể.
Trong trường hợp họp trực tuyến, việc họp kín không thể bảo đảm tiến hành như thông thường, đề nghị báo cáo Quốc hội cho tiến hành việc xem xét, quyết định nội dung này như sau: Không trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra, báo cáo giải trình; Việc thảo luận chỉ tiến hành tại Tổ (không thảo luận tại phiên họp toàn thể trực tuyến); Việc biểu quyết thông qua được tiến hành tại phiên toàn thể trực tuyến, không trình bày nội dung cụ thể của Nghị quyết cũng như điều, khoản mà chỉ nêu tên Nghị quyết, tên điều, khoản; có thể thực hiện theo một trong ba cách: Biểu quyết bằng phần mềm cài đặt trên iPad /bỏ phiếu kín/giơ tay; Việc gửi, nhận tài liệu liên quan (hồ sơ dự thảo nghị quyết, báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến,…) qua đường cơ yếu.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Văn Cường nêu rõ, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan hoàn thiện phần mềm biểu quyết cài đặt trên iPad và sẽ tổ chức thử nghiệm, kiểm tra phần mềm 3 lần trước khi khai mạc kỳ họp. Đến nay, đã tiến hành thử nghiệm được 1 lần và về cơ bản, phần mềm biểu quyết này vận hành tốt, đáp ứng yêu để áp dụng tại kỳ họp này.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đây là kỳ họp hết sức quan trọng vì bước vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của nhiệm kỳ và quyết định khung kế hoạch năm 2022, Quốc hội tiếp tục đổi mới, rút ngắn tối đa thời gian kỳ họp nhưng phải bảo đảm chất lượng cao nhất. Sản phẩm cuối cùng là các dự án Luật, các quyết sách đúng đắn nhất”.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế, xã hội đòi hỏi cố gắng nỗ lực vượt bậc trong quý IV để đạt kết quả cao nhất.
Quốc hội sẽ họp theo 2 đợt là trực tuyến và trực tiếp, nhưng trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp thì có thể báo cáo Quốc hội cho họp trực tuyến hoàn toàn. Đối với phương án biểu quyết trực tuyến, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện phương án bảo mật và bảo đảm vận hành thông suốt. Trong trường hợp dự phòng, Quốc hội sẽ biểu quyết theo hình thức lấy phiếu và không sử dụng hình thức giơ tay.
Quốc hội có thể làm việc thêm cả chủ nhật để sớm bế mạc Kỳ họp thứ 2, đồng thời trong điều kiện cho phép, xem xét tổ chức một phiên họp chuyên đề cuối năm để quyết định một số vấn đề quan trọng khác./.